Với mục tiêu năm 2023 cán đích xuất khẩu 54-55 tỷ USD, ngành Nông nghiệp và các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường, tạo sức bật đối với những mặt hàng thế mạnh, đón “sóng” thị trường dịp cuối năm.
Những con số biết nói
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, xuất khẩu nông sản Việt Nam có thể coi như một điểm sáng với sự bứt phá của nhiều lĩnh vực trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: “Tháng 10/2023, xuất khẩu đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022 và nếu với tốc độ tăng này thì ngành Nông nghiệp có thể về đích xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 53,5 tỷ USD”.
Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản nỗ lực về đích đúng hẹn.
Nhóm nông sản và chăn nuôi 10 tháng có giá trị gia tăng khá cao. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt hơn 21,9 tỷ USD (tăng 17%), trong đó xuất khẩu nhóm hàng rau quả đóng góp 4,91 tỷ USD (tăng 78,9%); gạo 3,9 tỷ USD (tăng 34,9%); hạt điều 2,9 tỷ USD (tăng 14,8%). Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 402 triệu USD (tăng 22%). Đặc biệt, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 tháng đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, một số nông sản có giá bình quân tăng cao như: giá gạo đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3%; cà phê 2.527 USD/tấn, tăng 10,3%; chè 1.710 USD/tấn, tăng 6,3%. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Về thị trường, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính trong 10 tháng với 21,13 tỷ USD, tăng 5,7%; tiếp đến là châu Mỹ 9,74 tỷ USD, giảm 20,6%; châu Âu 4,5 tỷ USD, giảm 11,8%; châu Phi 910 triệu USD, tăng 21,6%; châu Đại Dương 641 triệu USD, giảm 17,2%.
Dồn lực sản xuất và nắm bắt cơ hội xuất khẩu
Nhờ ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển, các doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội để mở rộng và phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng và sức ảnh hưởng của ngành hàng nông, lâm, thủy sản nói chung và ngành nông sản nói riêng.
Chia sẻ từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Xuất - Nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, cho biết, các tháng cuối năm, công ty xuất khẩu trên 100 tấn sản phẩm các loại nông sản đông lạnh/tháng. Con số này tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu, nguyên liệu khi đưa về nhà máy sẽ được sơ chế ngay, làm sạch, hấp chín tách vỏ, cấp đông (-18 độ C). Từ tháng 11, nhà máy tăng 30% công suất chế biến các sản phẩm đậu tương, nhãn, chanh leo…
“Đây có thể là dấu hiệu tích cực của thị trường đang vào giai đoạn phục hồi sau Covid-19, mọi người bắt đầu có sự tích lũy trở lại và chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm nên nhóm sản phẩm rau củ quả cũng như trái cây chế biến có lượng tiêu thụ tăng,” ông Hưng cho biết thêm.
Tương tự, Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu Nông sản Việt là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các loại trái cây như dứa gai, dưa bao tử, vải thiều với sản phẩm chủ lực là dứa gai đóng hộp.
Sản phẩm của công ty được xuất sang thị trường EU, châu Á và một số nước như Nga, UAE, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan... với số lượng lớn.
Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, doanh nghiệp đã xây dựng vùng nguyên liệu ở nhiều địa phương như Bỉm Sơn, Hà Trung, Thạch Thành, Yên Định... (tỉnh Thanh Hóa) với số lượng thu mua trên 100.000 tấn dứa nguyên liệu.
Ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, nắm bắt trúng nhu cầu thị trường và đặc biệt là hiểu rõ thế mạnh của từng nông sản Việt là bí quyết giúp doanh nhân Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group đưa ra chiến lược phù hợp, chinh phục các thị trường xuất khẩu.
Trái dừa tươi Bến Tre mới đây đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc trở lại các thị trường “khó tính” của mặt hàng này là tin vui với nông dân vùng dừa, đồng thời cũng là tin vui với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này nói chung, Vina T&T và cá nhân ông Nguyễn Đình Tùng nói riêng.
Ông Tùng chia sẻ, mục tiêu của Vina T&T là luôn phát triển sản phẩm mới, thị trường mới. Do đó, khi các loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch, công ty chủ động dồn lực đầu tư để tiếp cận thêm nhiều thị trường. Cụ thể, Vina T&T đã đưa trái dừa vào Hàn Quốc; đưa trái bưởi vào New Zealand; đưa sầu riêng vào Canada, Dubai; đưa dưa hấu vào Trung Đông…
Kết quả 9 tháng đầu năm 2023, Vina T&T ghi nhận doanh thu tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, mỗi năm, doanh nghiệp đều dành 10 - 20% lợi nhuận để nghiên cứu, áp dụng và liên tục cập nhật công nghệ mới để bảo quản tốt hơn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, 2 tháng cuối năm đòi hỏi cả nông dân và doanh nghiệp giữ vững chất lượng, đảm bảo nguồn cung. Trên cơ sở này, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương tập trung xúc tiến thương mại vào các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... với các sản phẩm lợi thế, đồng thời đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường.
Phía Mỹ yêu cầu dừa non tươi phải được gọt bỏ toàn bộ phần vỏ xanh và ít nhất 75% phần xơ dừa. Ảnh: Trung Chánh.
Nâng vị thế và khẳng định thương hiệu
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm do tác động của thị trường thế giới, những biến động về chính trị tại các quốc gia và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản vẫn thiếu bền vững, khi chất lượng chưa đồng đều, thị trường xuất khẩu được thiết lập lỏng, chưa có độ bền, chưa khẳng định được thương hiệu.
Đáng chú ý, Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông tin ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Trước đó, thị trường EU cũng cảnh báo về chất lượng một số nông sản khác của Việt Nam, như: rau, quả tươi, gạo. Đây là những tiếng chuông cảnh báo nhưng phải được xử lý ngay bởi muốn tạo chỗ đứng, vị thế trên thị trường cung ứng nông sản thế giới thì phải thay đổi.
Thực tế cho thấy, muốn xuất khẩu bền vững, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để thiết lập thị trường bền vững, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn nước nhập khẩu. Đồng thời, phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong đàm phán thị trường cũng như kiểm soát các vùng nuôi, trồng. Bộ cũng chú trọng đến các sản phẩm chế biến, nhằm tăng giá trị, bảo đảm chất lượng sản phẩm, phát huy thế mạnh riêng của nông sản Việt Nam.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT phân tích thị trường, tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh để đẩy mạnh xuất khẩu, bù lấp vào những mặt hàng đang giảm, phấn đấu cán đích 55 tỷ USD như mục tiêu đề ra của năm 2023.
Đón “sóng” tiêu dùng
Dự báo, những tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ nông sản thế giới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, tạo cơ hội cho nhiều ngành hàng gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đáng kể nhất chính là ngành hàng rau quả. Theo Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu rau quả ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao ở hầu hết các chủng loại hàng hóa. Dự kiến cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể 5,5 - 5,8 tỷ USD, thậm chí 6 tỷ USD. Trong đó điển hình là trị giá xuất khẩu trái sầu riêng tăng mạnh và liên tục ghi nhận ở mức cao.
Cùng với rau quả, gạo, thủy sản, cà phê cũng đang có nhiều cơ hội tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ đạt kim ngạch khoảng 9,2-9,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp thủy sản đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung để đón “làn sóng” tiêu dùng thủy sản quay trở lại vào dịp cuối năm sau khi một số nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, hàng tồn kho thủy sản của nhiều thị trường cũng đã cạn đẩy nhu cầu nhập khẩu lên cao.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ mức cao cũng là lực đẩy mạnh mẽ cho ngành hàng này tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu với mục tiêu mới là hơn 4 tỷ USD cho cả năm 2023. Cuối tháng 10/2023, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Cục Xuất - Nhập khẩu sẽ tổ chức đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo tại Trung Quốc nhằm tìm hiểu hệ thống và cách thức phân phối, bán lẻ và tiêu thụ của người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó xây dựng phương thức thâm nhập trực tiếp, gia tăng thị phần tại thị trường tiềm năng này.
Về vấn đề hợp tác quốc tế, phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ chung cho các mặt hàng nông sản, Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến cho biết thêm: Thời gian tới, Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu... Trong đó, tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới.
Tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng
Để tăng năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), đề xuất cần cơ cấu lại các mặt hàng nông sản gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt các mặt hàng cần chế biến sâu, nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản. Đồng thời, tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.
Bên cạnh đó, cùng với việc nghiên cứu triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các trung tâm cung ứng phục vụ xuất khẩu nông sản, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới...).
Mặt khác, tiếp tục tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thân thiện với môi trường, có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Đẩy mạnh triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực.
Hơn nữa, Viện trưởng Nguyễn Văn Hội cho rằng, cần tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp,... trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến đến tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.
Để nâng cao tăng trưởng xuất khẩu nông sản, vai trò của địa phương là rất quan trọng, nhất là trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Bổ sung thêm, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chỉ ra thực tế rằng, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản cho Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nghiệm cho rằng, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đi trước trong ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị nông sản như Israel, Nhật Bản.
Tại Israel, Chính phủ nước này đầu tư xây dựng, thành lập các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp. Chính phủ, các ngân hàng luôn sẵn sàng đầu tư vào những ý tưởng, dự án nông nghiệp mới...
Nhìn lại con số mục tiêu đạt khoảng 54-55 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, có thể tin tưởng rằng, với nỗ lực và sự quyết tâm của các cấp ngành, các địa phương cũng như từng doanh nghiệp, cơ hội đạt mục tiêu đang trong tầm tay.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Lý Sơn (Quảng Ngãi) được thiên nhiêu ưu đãi, có nhiều sản vật nổi tiếng, nhất là hành, tỏi và các loại hải sản. Với sự định hướng, hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương, các sản vật này đã được tập trung chế biến sâu, xây dựng phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm.