Với đà tăng trưởng hiện nay, cộng với sự phục hồi của các quốc gia nhập khẩu cá tra, xuất khẩu cá tra Việt Nam được dự báo có nhiều cơ hội hồi phục và tăng trưởng trong năm 2022, ước đạt 2,6 tỷ USD.
Sau khi phục hồi sản xuất trở về trạng thái bình thường mới, các nhà máy chế biến cá tra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã hoạt động hết công suất để chạy các đơn hàng đã ký kết trước đó.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành cá tra dự báo kết quả xuất khẩu tăng trưởng 90% so với cùng kỳ năm 2021.
Thu hoạch cá tra tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Các thị trường đều tăng hai con số
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong suốt gần 6 tháng qua, các nhà máy chế biến cá tra đã chạy hết công suất để phục vụ đơn hàng xuất khẩu.
Tính đến cuối tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021.
Lý giải cho sự tăng trưởng này, VASEP cho rằng, hiện có 117 thị trường nhập khẩu các sản phẩm cá tra Việt Nam, tăng 5 thị trường so với quý 1/2021.
Trong tổng các sản phẩm xuất khẩu thì cá tra phi lê đông lạnh tiếp tục chiếm tỷ lệ cao nhất 88%, đạt doanh thu 576 triệu USD. Ngoài ra, các sản phẩm khác như cá tra tươi hoặc đông lạnh nguyên con chiếm 11%...
Theo VASEP, sự tăng trưởng này đồng đều ở hầu hết tất cả các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam như Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc).... Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng trị giá xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt hơn 380 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2021.
Cuộc chạy đua ngăn COVID-19 tại một số điểm nóng; trong đó, có Thượng Hải khi mà các cảng hàng hóa lớn và nhà máy phải đóng cửa đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi hàng hóa của nội bộ của các quốc gia này.
Vì vậy, quý 1/2022, nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc giảm mạnh; trong đó, khối lượng nhập khẩu cá minh thái từ Nga giảm 60%.
Nhưng cho tới hết tháng 6/2022, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn tăng trưởng dương liên tiếp ba con số.
Đối với thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt khoảng 370 triệu USD, tăng 131%.
Hồi giữa tháng 5/2022, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ra thông báo công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ nâng tổng số nhà máy được công nhận lên con số 19 nhà máy.
Cho tới nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ vẫn đang ổn định. VASEP cho biết theo số liệu thống kê mới nhất của ITC (Trung tâm thương mại quốc tế), tới cuối tháng 4/2022, giá cá tra đông lạnh nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam đã lập thêm đỉnh mới đạt gần 5 USD/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 2 USD/kg. Đây là mức giá tăng mạnh chưa từng có trong 3 năm trở lại đây.
Riêng các thị trường Hiệp đinh Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Mexico, Canada, Australia và Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Tính đến hết tháng 6/2022, CPTPP là khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sau Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ.
Nhu cầu nhập khẩu cá tra từ các nước trong khối liên tục tăng trưởng trong 6 tháng liên tiếp với giá trị đạt 170 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu sang Mexico đạt 62 triệu USD, tăng 71%; Canada đạt 33 triệu USD, tăng 86%; Australia đạt 19 triệu USD, tăng 29%; Nhật Bản đạt 17 triệu USD, tăng 64%.
Dự báo trong quý 2/2022, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang khối thị trường này tăng hơn 35% so với quý trước, đạt hơn 110 triệu USD.
Dự báo xuất khẩu 2,6 tỷ USD trong năm 2022
Với đà tăng trưởng hiện nay, cộng với sự phục hồi của các quốc gia nhập khẩu cá tra Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam được dự báo có nhiều cơ hội hồi phục và tăng trưởng trong năm 2022.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá tra đến cuối năm 2022 ước đạt 2,6 tỷ USD. Để đạt được con số này, toàn ngành cá tra Việt Nam cần sự đồng lòng và nỗ lực rất lớn ở từng khâu của chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, với nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc bật tăng như hiện nay, do kiểm soát được đại dịch COVID-19, thêm việc nguồn cung thiếu hụt nên năm 2022 sẽ "rất vi diệu," giúp toàn ngành cá tra đều có lời.
Hiện nay, giá cá tra đã tăng và còn tiếp tục tăng lên từ nay đến cuối năm 2022, giúp các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra thu lãi cao, mặc dù chi phí nuôi (thức ăn cho cá, giá bao bì,...) cũng sẽ leo thang do biến động giá xăng, dầu trong nước và chi phí logistics trong xuất nhập khẩu cũng tăng trong gần 2 năm qua.
Dù phải đối diện với nhiều thách thức, biến động mới, nhưng ngành cá tra Việt Nam vẫn có tín hiệu khả quan cho đến cuối năm 2022.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chia sẻ, sản lượng cá tra của Vĩnh Hoàn xuất khẩu sang các thị trường trong năm 2022 sẽ tăng 25% trở lên, con số này chưa bao gồm thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.
Hiện nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc vẫn chưa nóng như thời điểm trước dịch bệnh COVID-19, một phần vì thị trường nay đang chở giá xuống trở lại, nhưng điều này phải chở một thời gian khá dài, bởi nguồn nguyên liệu cung ứng cho chế biến, xuất khẩu đang khan hiếm.
Thêm vào đó, nguồn hàng cá tra tồn kho của Trung Quốc cũng sắp cạn nên thị trường Trung Quốc cũng sẽ chấp nhận nhập khẩu cá tra Việt Nam với giá hiện tại.
Chỉ với thị trường này, xuất khẩu cá tra Việt Nam còn nhiều triển vọng tăng trưởng cho đến cuối năm 2022.
Đồng quan điểm với Vĩnh Hoàn, báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) chia sẻ ngành cá tra tại Việt Nam thường vận động theo chu kỳ (chu kỳ gần nhất 2017-2019).
Sau khi chịu tác động bởi giai đoạn đi xuống của ngành vào năm 2019 và hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng vào năm 2020-2021, BSC cho rằng ngành cá tra sẽ bước vào chu kỳ tăng trong năm 2022.
Theo BSC, nhu cầu nhập khẩu cá tra sẽ tăng trưởng mạnh cho đến cuối năm 2022, sau thời gian dài bị dồn nén bởi COVID-19; trong đó thị trường Mỹ đang tăng mạnh, khi mà diện tích nuôi trồng cá da trơn tại Mỹ vẫn đang giảm trong ba năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn nội địa tại Mỹ.
Đây cũng chính là nhân tố chính cho đà tăng mạnh của ngành cá tra từ quý 4/2021 đến thời điểm hiện tại.
Còn thị trường Trung Quốc, BSC cho rằng Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại và khi đó, với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch, sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm nay.
Với tất cả những yếu tố trên, ngành cá tra Việt Nam hứa hẹn một chu kỳ phát triển đầy triển vọng trong thời gian đến cuối năm 2022 và cả năm tiếp theo.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.