Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 10 năm 2023 | 16:34

Nghệ An quyết tâm 'hồi sinh' cây cam trên vùng đất Phủ Quỳ

Một thời vùng cam huyện Quỳ Hợp từng được mệnh danh là thủ phủ của cam Vinh xứ Nghệ, là niềm tự hào của người dân địa phương. Nhiều hộ trở thành tỷ phú nhờ cây cam. Tuy nhiên, những năm qua, cam Quỳ Hợp đã lụi tàn, thay vào đó là bạt ngàn mía, ngô, chè.

Thủ phủ cam Vinh chỉ còn 'vang bóng một thời'

Về vùng cam Vinh huyện Quỳ Hợp những ngày vào mùa vụ cam, không còn cảnh những vườn cam trĩu quả, mà thay vào đó là bạt ngàn mía, ngô và các loại cây trồng khác. Đâu đó, lác đác, còn sót lại một số vườn cam không ai chăm sóc, cỏ mọc um tùm, quả chỉ nhỉnh hơn quả chanh, ăn có vị chua.

Chạy xe dọc theo con đường nhựa quanh co, ra cánh đồng mía, thấy khá nhiều nông dân đang cuốc cỏ, chăm sóc mía. Chị Nguyễn Lân - một hộ dân ở xã Minh Hợp chỉ cho chúng tôi những quả đồi bát úp trước kia là đất trồng cam bạt ngàn, nhưng hiện đã trở thành những đồi trồng cây ngắn ngày như mía, ngô sinh khối.

“Nếu tiếp tục giữ 2 ha vườn cam, chi phí chăm bón mỗi năm cả trăm triệu đồng, không đủ thu hồi vốn, nên chuyển đổi sang trồng mía vừa để cải tạo đất, vừa có thêm thu nhập là đúng hướng. Nhờ đưa vào giống mới và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên mía có năng suất cao, đạt trên 85 tấn/ha…”, chị Lân chia sẻ.

Vùng cam xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) nay chỉ còn lác đác một số vườn cam tàn lụi.

Ngoài trồng mía, người dân vùng cam ở xã Minh Hợp còn trồng ngô sinh khối, na, chè và một số cây trồng khác. Đại diện Công ty TNHH 1 thành viên Nông nghiệp Xuân Thành cho biết: Trước đây, thời kỳ cao điểm đơn vị có gần 900 ha cam các loại và quýt PQ. Do cam ngày càng sâu bệnh, thoái trào nên đơn vị đã từng bước chuyển đổi sang cây trồng khác.

Cụ thể là năm 2021 đơn vị đã chuyển đổi từ cam sang mía, ngô 192 ha, năm 2022 là 350 ha và năm 2023 là 199 ha, tổng diện tích chuyển đổi 712 ha, hiện nay đang còn khoảng 40 ha cam và quýt người dân đang tiếp tục chuyển đổi. Từ năm 2022, đơn vị còn mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thử nghiệm 4 ha chè cao sản giống PH8. Thời gian 18 tháng sau trồng, giống chè này cho thu hoạch 10 - 12 tấn chè búp/ha/năm.

Một số bà con vùng cam xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) tâm sự: Trong thời điểm khó khăn, cam lụi tàn, nhưng ngô, mía cho năng suất và đầu ra ổn định như vậy là quá tốt.

Cũng tại địa bàn xã Minh Hợp, Công ty CP Nông nghiệp 3/2, trước đây có trên 750 ha cam, thời điểm từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã chuyển đổi sang trồng được trên 700 ha mía. Nhờ đưa vào giống mới và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mía đạt năng suất khá cao trên 80 tấn/ha.

Rất nhiều diện tích cam bị sâu bệnh đã bị người dân Quỳ Hợp chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác

Ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Thời cao điểm, vùng cam huyện Quỳ Hợp có trên 3.000 ha, do cam thoái hoá, nên diện tích cam đã được chuyển đổi sang trồng mía, ngô, nay chỉ còn khoảng trên 80 ha cam. Diện tích cam còn sót lại này hầu hết kém chất lượng, huyện đang chỉ đạo người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.

Vì đâu nhanh chóng lụi tàn?.

Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phát biểu chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, đại biểu Vi Văn Quý - Tổ đại biểu huyện Quỳ Hợp bày tỏ tiếc nuối: Khi nhắc đến thương hiệu cam Vinh là niềm tự hào của người trồng cam, đặc biệt là niềm tự hào của người trồng cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp bởi được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu đến từ huyện Quỳ Hợp, thực trạng rất đáng buồn diễn ra là người trồng cam quay lưng với cây cam thông qua việc phá bỏ cây cam để chuyển sang cây trồng khác vốn kém hiệu quả hơn.

Việc sử dụng cây giống không rõ nguồn, chăm sóc thiếu khoa học khiến nhiều diện tích cam của nông dân Nghệ An bị thoái hóa trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến năng suất chất lượng thương hiệu cam Vinh.

Nguyên nhân thì nhiều, song theo vị đại biểu đơn vị bầu cử huyện Quỳ Hợp có 3 nguyên nhân chính, đó là: Công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước về giống cây còn lỏng lẻo, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Diện tích cây cam bị nhiễm bệnh không ngừng tăng nhanh, lý do đầu tiên là do cây giống. Hầu hết giống cam được trồng tại Quỳ Hợp đang được chiết, ghép ngay tại vườn dưới dạng tự phát, sau đó cung ứng cho người trồng cam ngay trong vùng.

"Người dân thấy vườn cam của nhà nào sai quả, năng suất cao là đến mua giống, xin giống. Có thể ngay từ những cây cam giống được trồng mới đã bị nhiễm bệnh mà không ai biết. Người dân cứ trồng, cứ chăm sóc đến khi cây không cho quả thì lúc đó đã muộn", bà Trương Thị Vân - một hộ dân vùng cam xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) chia sẻ.

Người dân huyện Qùy Hợp chủ yếu chiết, ghép thủ công. Những vườn cung cấp giống cũng không qua kiểm nghiệm, không được cơ quan chức năng chứng nhận. Từ đây những cây giống bị nhiễm bệnh được trồng tràn lan, diện tích cây cam nhiễm bệnh không ngừng mở rộng.

Bên cạnh đó, để có được năng suất cao có thực trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí tình trạng, bắt cây cam phải "đẻ" vượt nhiều lần khả năng vốn có, khi người dân cứ nhắm vào lợi ích trước mắt, năng suất từng mùa vụ, mà chưa nghĩ đến tương lai lâu dài của cây cam. Cây cam bị vắt kiệt sức để cho năng suất tối đa, lợi nhuận cao nhất.

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến đất đai bị thoái hóa, mất hàm lượng hữu cơ, vi lượng trong đất giảm mạnh. Lâu dần khiến đất trồng cam bạc màu, trơ cứng, đất thường bị đóng váng chặt vào mùa mưa và chai lỳ vào mùa nắng vì thế khiến cây cam bị "ngạt" chết.

Khi cây cam từng một thời được nâng niu, nay bị nhường chỗ cho cây mía.

UBND huyện Quỳ Hợp đã phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Rau quả trực tiếp lấy mẫu phân tích. Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đã lấy mẫu đất, rễ cây cam để "khám nghiệm" tìm nguyên nhân. Bước đầu xác định được những nguyên nhân căn cơ gây nên hiện tượng suy thoái cam trầm trọng.

Kết quả phân tích mẫu đất tại các vùng trồng cam của Quỳ Hợp phát hiện nấm Fusarium gây hại vùng rễ (bệnh vàng lá thối rễ), nấm Phytophthora hại gốc - thân gây xì mủ và tuyến trùng trong đất (mật độ trên 2.000 con/100g đất), quy mô lớn gấp nhiều lần bình thường…, kết hợp với hàng loạt yếu tố khác đã đẩy nghề trồng cam vào cảnh khốn cùng.

Diện tích cây cam đang dần thu hẹp trên địa bản tỉnh Nghệ An ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu cam Vinh. Trong khi đó vì lợi ích, một số loại cam lạ được đưa về dán mác cam Qùy Hợp để bán. Tại huyện Qùy Hợp để tìm được một quả cam ngon được trồng ở vùng đất này vào thời điểm hiện tại là rất khó. Vậy mà một số nơi vẫn bày bán tràn lan.

Việc "Cam lạ dần chiếm nhà cam Vinh" ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu cam Vinh vốn tốn không ít công sức, tiền của để xây dựng. Đó cũng là những trăn trở của người trong cuộc. Làm sao để giữ được thương hiệu cam Vinh trong khi các diện tích cây cam, sản lượng giảm mạnh.

Giải pháp để cây cam phát triển lâu bền

Trả lời chất vấn của đại biểu Vi Văn Quý - Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh lý giải: Cam Vinh trước đây là một thương hiệu, mang lại lợi nhuận rất cao, có thời điểm 1 ha cam đạt 1 tỷ đồng doanh thu nên phát triển nóng, không theo quy hoạch.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp Nghệ An cho biết, bây giờ vùng cam Phủ Quỳ (trong đó trọng tâm là Quỳ Hợp) dịch chuyển sang các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành.

Sự đi xuống của vùng cam ở huyện Quỳ Hợp cũng tác động lớn đến kế hoạch phát triển cây chủ lực của Nghệ An. Ông Phùng Thanh Vinh cho biết: Trong Đề án cây có múi chủ lực, dự kiến đến năm 2025, diện tích cây cam là 6.100 ha, nhưng hiện tại còn hơn 3.000 ha, song theo ông thực chất còn khoảng hơn 1.700 ha.

Không kiểm soát tốt dẫn đến vùng cam Quỳ Hợp đi vào suy thoái, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng, đó là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp, cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương khi quản lý quy hoạch không tốt, rà soát quy trình kỹ thuật không đủ.

Nhân rộng diện tích ồ ạt, tự ý trồng ngoài quy hoạch, công tác quản lý giống không được chú trọng siết chặt là một trong những nguyên nhân khiến vùng cam Quỳ Hợp mau chóng lụi tàn.

Về giải pháp, người đứng đầu ngành Nông nghiệp Nghệ An cho biết, sở đã trình UBND tỉnh ban hành chương trình phục hồi phát triển cam Vinh; theo đó, sẽ thực hiện một cách bài bản, đánh giá lại quy hoạch còn bao nhiêu diện tích có khả năng áp dụng yêu cầu kỹ thuật và chất đất đảm bảo trồng cam để tiến hành phục hồi như trồng các cây họ đậu, trồng dưa.

Đặc biệt, theo “Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030” của UBND tỉnh Nghệ An, riêng cây cam phấn đấu năm 2025 có 6.100ha, năm 2030 có 8.645ha. Trong đó, tập trung phát triển chủ yếu ở các địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh ở Quỳ Hợp 2.595ha, Nghĩa Đàn 1.050ha, Thanh Chương 750ha, Con Cuông 1.120ha, Anh Sơn 550ha, Tân Kỳ 400ha, Yên Thành 700ha, Nghi Lộc 300ha, Nam Đàn 250ha... Để đề án thực hiện có hiệu quả, cây cam phát triển lâu bền, UBND tỉnh Nghệ An cùng các địa phương cần tổ chức chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

Xây dựng 1 – 2 cơ sở có đủ điều kiện về đất đai, cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất cần thiết, nguồn tài chính... chuyên sản xuất, nhân giống cây ăn quả nói chung, cây cam nói riêng trên quy mô lớn để cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng phục vụ theo yêu cầu sản xuất.

Ngành Nông nghiệp từ tỉnh xuống huyện, thị, phường, xã cần quản lý tốt thị trường giống cây ăn quả, nhất là giống cam, quýt, bưởi. Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất giống tự do, không đảm bảo quy trình sản xuất giống theo quy định của Luật Trồng trọt và chưa được cơ quan có thẩm quyền thuộc Sở NN-PTNT cấp giấy phép hành nghề.

Những vườn cam đã già, có thời gian cho thu hoạch quả kéo dài từ 12 - 13 năm trở lên, nhiều cây đã già, cây còi cọc, sâu bệnh nhiều, quả ít, quả nhỏ... thì nên chặt bỏ. Sau đó, tiến hành vệ sinh đất đai, thu gom hết tàn dư cây trồng cũ, bón vôi và luân canh cây trồng khác như mía, ngô, rau màu các loại ít nhất 2 năm, sau đó mới trồng lại cam.

Những vườn cam trồng mới, cố gắng trồng bằng cây giống được lấy mắt ghép từ cây giống được nhân ra từ cây giống đầu dòng, cây khỏe, cây sạch sâu bệnh và có lý lịch, địa chỉ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền (Sở NN-PTNT) đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng để làm giống.

Cam Vinh đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực và là sản phẩm đặc sản của tỉnh Nghệ An.

Cam là cây trồng dài ngày, sau trồng 3 – 4 năm có thể cho thu hoạch quả. Thời gian thu hoạch quả kéo dài trên 10 năm, tùy đất tốt, xấu và mức độ đầu tư thâm canh cao hay thấp. Hiệu quả kinh tế do cây cam đem lại cao hơn so với nhiều cây ăn quả khác, thời gian cho thu hoạch kéo dài thì lợi nhuận càng cao. Muốn kéo dài thời gian thời gian thu hoạch, phải đầu tư thâm canh cao ngay từ khi trồng bằng việc bón vôi vệ sinh đất trồng, bón lót càng nhiều các loại phân hữu cơ càng tốt và hàng năm trước các mùa xuân, thu đông, bón thúc đều đặn cho cây bằng các loại phân kết hợp giữa phân hữu cơ và phân NPK loại dùng cho cây ăn quả.

Tất cả mọi vườn cam phải có hệ thống mương tiêu thoát nước khi có mưa to, mưa kéo dài, nhất là các vườn cam ở dưới chân núi cao càng phải có hệ thống tiêu thoát nhanh. Ngoài ra, phải thường xuyên quan sát, kiểm tra tận từng cây cam để phát hiện có loại sâu bệnh gì xuất hiện thì phòng trừ ngay. Trường hợp gặp năm nắng hạn kéo dài, cần cố gắng vừa tưới nước, vừa tấp phủ kín gốc bằng rơm rạ, lá cỏ khô...

Như vậy, để đưa cam Vinh trở lại vị thế trước đây cần có hàng loạt giải pháp đồng bộ từ lý thuyết đến thực tiễn. Câu chuyện về phát triển thương hiệu cam Vinh không chỉ là chuyện của người trồng cam, mà còn là câu chuyện của nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh./.

 

Ngọc Lan (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top