Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 10 năm 2022 | 11:47

Người dân Cao Phong làm giàu từ cây mía tím

Với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ phù hợp sự sinh trưởng và phát triển nên cây mía tím huyện Cao Phong (Hòa Bình) nổi tiếng thơm ngon và ngọt lịm.

Từ việc trồng mía, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên làm giàu. Không những vậy, cây mía tím trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Là một huyện miền núi nhưng Cao Phong lại đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Hòa Bình. Đóng góp cho thành quả này không thể không nhắc đến việc phát triển thành công cây cam, cây mía đặc sản; sản phẩm nông nghiệp mía và cam Cao Phong không chỉ thơm ngon mà còn thay đổi diện mạo của huyện vùng cao, núi rừng Tây Bắc. 

Người dân làm giàu từ cây mía

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Bền, Chủ tịchUBND xã Tây Phong (huyện Cao Phong) cho biết, Tây Phong hiện có 58% là người Mường, 5% người Dao, 37% là người Kinh. Trước đây, đời sống nhân dân rất khó khăn, sản xuất tự cung tự cấp là chính, nhưng từ khi mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng hóa là cam và mía, số hộ nghèo ở xã đã giảm trung bình khoảng 3% mỗi năm.

Ông Bùi Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Tây Phong, huyện Cao Phong trao đổi với phóng viên về việc phát triển trồng mía tím của bà con nhân dân trên địa bàn xã. Ảnh: Thạch Văn

Hiện, diện tích trồng cam ở Tây Phong là 145 héc-ta (trong đó mía trắng 54 ha, mía tím 85,8 ha). Nhờ thu nhập từ cam và mía, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Tây Phong đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến Tây Phong hôm nay, hỏi về những hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm thì kể cả ngày không hết; Tây Phong còn có gần 20 hộ nông dân có thu nhập từ 1 - 2 tỷ đồng mỗi năm.

Tây Phong là một trong những minh chứng cho thấy nỗ lực của đồng bào ở Cao Phong trong quá trình thoát nghèo. Thực tế, không riêng Tây Phong mà ở 11 xã, 1 thị trấn khác của huyện Cao Phong, chuyện người dân vươn lên làm giàu đã trở thành một phong trào.

Ông Bùi Văn Thành, Trưởng xóm Bảm, xã Tây Phong chia sẻ với phóng viên về việc trồng cây mía tím tại xóm Bảm. Ảnh: Thạch Văn

Về Cao Phong hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi huyện miền núi nghèo khó năm nào nay đã hình thành nhiều khu dân cư mới, trụ sở các cơ quan hành chính được xây dựng khang trang, hệ thống giao thông được quy hoạch xây dựng đồng bộ… Người nông dân ở Cao Phong, dù là người Kinh hay đồng bào dân tộc, đa phần đều rất say sưa khi kể về cây cam, cây mía của quê hương.

Với họ, cây cam, cây quýt đã không còn là loại cây khó trồng. Ngoài việc mở rộng diện tích, trồng cam theo quy trình VietGAP, người nông dân còn bước đầu biết làm thương mại để trái cam, trái quýt, cây mía của Cao Phong ngày càng mang lại giá trị lớn hơn.

Ông Bùi Văn Thành, Trưởng xóm Bảm, xã Tây Phong, huyện Cao Phong cho biết, cây mía tím hiện nay trên địa bàn xã Tây Phong có khoảng 300 ha, cây mía là cây trồng chủ lực của bà con nông dân tại xóm Bảm. Một năm thu hoạch được 1 vụ, cây mía tím hiện nay đang bán với giá tại vườn trung bình là 8 nghìn /cây, ngoài ra, người dân tại xóm cũng đan xen trồng cây cam… với mức thu nhập bình quân từ 45 - 50 triệu trên đầu người mỗi năm.

Cây mía tím hiện nay trên địa bàn huyện Cao Phong đang là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của bà con nông dân. Ảnh: Thạch Văn

Việc làm giàu từ cây mía tím của người dân tại xóm Bảm (xã Tây Phong), điển hình như hộ gia đình bà Bùi Thị Sơn trồng mía gần 20 năm nay, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng từ cây mía. Bà Sơn chia sẻ: “cây giống mía của người dân chúng tôi những năm gần đây được nhà nước hỗ trợ cây giống và phân bón.Về khó khăn trong việc trồng mía như là sâu bệnh rất nhiều, giá cả bán thì bấp bênh, nhưng 2 năm gần đây thì giá cả tăng cao ổn định”.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây mía tím chị Bùi Thị Chủng (con dâu bà Sơn) cho biết: “Về trồng giống mía hàng năm thường cứ tháng riêng bắt đầu trồng và cuối năm thì thu hoạch vì lắng đường trong cây mía. Sản phẩm giống mới của nhà nước hỗ trợ thì rất phù hợp với thổ nhưỡng đất và khí hậu của xã Tây Phong. Cũng nhờ cây mía tím mà hiện nay, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, con cái được ăn học đàng hoàng”.

Nâng tầm cây mía tím Cao Phong

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Phong cho biết, những năm qua tỉnh Hòa Bình luôn xác định cây mía và cam là những cây trồng chủ lực để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ở Hòa Bình nhiều nơi có điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai phù hợp với nhiều loại cây trồng trong đó có cây mía tím.

“Thời gian gần đây, cây mía đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Cây mía tím được đưa về tỉnh từ rất lâu và thời gian đầu chủ yếu được trồng ở huyện Cao Phong, sau đó trồng hiệu quả nên đã mở rộng ra nhiều huyện khác. Nhìn chung, cây mía tím huyện Cao Phong được thị trường chấp nhận và được tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành phía Bắc, một số tỉnh miền Trung thông qua các kênh khác nhau. Vì vậy, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh từ trồng cây mía tím đã cho thu nhập cao và làm giàu từ loại cây trồng này”, ông Dán nói.

Hộ gia đình bà Bùi Thị Sơn trồng mía gần 20 năm nay, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng từ cây mía. Ảnh: Thạch Văn

Cao Phong không chỉ là mảnh đất được biết đến với cam ngọt, mía tím mà nơi đây còn có rất nhiều cảnh quan đẹp thiên nhiên ban tặng, đây sẽ là điều kiện tốt nhất để phát triển các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, khu tâm linh dành cho du khách trong và ngoài nước. Để phát huy hết những thế mạnh của ngành du lịch, thời gian qua huyện chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, đồng thời tạo ra môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư đi vào khai thác hiệu quả các điểm du lịch.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh trồng khoảng 8.729 ha mía, trong đó mía tím khoảng hơn 6.000 ha, các địa phương trồng nhiều nhất là: Cao Phong  2.492 ha, Kim Bôi 1.074 ha, Tân Lạc 1.515 ha, Yên Thủy 1.491 ha; bình quân mỗi ha trồng mía tím thu khoảng 200 - 250 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi khoảng 120 - 150 triệu đồng. Cây mía tím ở Hòa Bình được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá là mẫu mã đẹp, ăn ngon, mềm, thơm, lượng đường cao.

Các sản phẩm nông nghiệp như mía, cam…được bày bán tại dọc Quốc lộ 6 trên địa bàn huyện Cao Phong. Ảnh: Thạch Văn

Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, chưa có quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung và việc tiêu thụ vẫn theo kiểu “cầu cần thì có cung” nên giá trị thu nhập chưa phù hợp. Điều đó thể hiện rõ hơn khi cứ đến kỳ thu hoạch, các thương lái đến từng nhà mua mía chở về Hà Nội và các tỉnh để bán lẻ. Nguyên nhân chưa quy hoạch được những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; chưa có công nghệ bảo quản, chế biến để mía tím sử dụng được trong thời gian kéo dài; việc liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả cao hơn cho người trồng mía cũng gặp khó khăn.

 

 

Thạch Văn - Vũ Chi
Ý kiến bạn đọc
Top