Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 11 năm 2022 | 14:22

Người trồng hoa Tết lo lắng do thời tiết bất thường

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, việc có được những chậu hoa, cây cảnh để trưng trong dịp này là không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, năm nay thời tiết không thuận lợi nên nhiều hộ trồng hoa, cây cảnh đang lo lắng

Người trồng hoa ở Nghệ An lo 'mất' Tết

Xã Nghi Liên là địa phương có diện tích hoa Tết lớn nhất thành phố Vinh với 12,1ha hoa các loại. Đợt mưa lớn trong những ngày qua khiến toàn bộ diện tích hoa ngập sâu trong nước. Sau khi mưa ngớt, nắng gay gắt khiến cây hoa trong giai đoạn bấm ngọn, dưỡng cành bị thối rễ, nghẹt rễ, lá hoa xanh nhưng dần héo quắt lại và rũ xuống.

Nhiều diện tích hoa cúc Tết của người dân ngập úng nặng trong các ngày 23,24,25/11. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên cho biết: “Toàn xã trồng 12,1ha hoa Tết, tập trung ở các xóm Trung Liên, Hồng Liên, Bắc Liên... Mưa lớn ngập úng hết cả. Giờ nắng nóng thế này, hoa héo, thối rễ hết, coi như xoá sổ hoàn toàn”.

Người dân trồng hoa ở xã Nghi Ân (Thành phố Vinh) đang dồn sức cứu hoa, cây cảnh sau mưa ngập. Song, do thời tiết khắc nghiệt, mưa to rồi nắng gắt, hoa ngập sâu nên giờ cũng không còn hy vọng gì.

Chị Nguyễn Thị Hiến, Cán bộ Nông nghiệp xã Nghi Ân cho biết: “Trồng hoa Tết đem lại thu nhập chính cho nông dân Nghi Ân. Đây là vụ hoa được kỳ vọng nhất trong năm. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bà con cắt giảm diện tích, năm nay mạnh dạn trồng 6ha thì lại gặp thời tiết cực đoan. Giống hoa tăng, phân bón tăng nên mỗi sào hoa đầu tư hết 7-8 triệu đồng. Tính riêng thiệt hại đợt này của người trồng hoa Nghi Ân lên đến cả tỷ đồng”.

Những ruộng cúc héo rũ, không thể cứu vãn. Ảnh: Thanh Phúc

Chị Nguyễn Thị Hải, một hộ kinh doanh hoa cây cảnh ở xã Nghi Ân cho biết: “Hơn 200 chậu thược dược vừa bấm ngọn, 200 chậu cây sống đời và hàng trăm chậu đồng tiền, hoa hồng vừa thuần chậu xong đang chờ xuất bán Tết thì gặp mưa lớn, ngập úng hết cả. Giờ để chăm sóc cho hoa hồi phục cũng khó, mà hoa Tết xấu thì khó bán, mất giá lắm”.

Đợt mưa lớn vừa qua cũng khiến 8ha hoa Tết của bà con Hưng Đông (Thành phố Vinh) chìm trong nước. “Chưa năm nào gặp mưa lớn trái mùa như năm nay. Hơn 1.200m2 hoa cúc trong nhà màng bị ngập úng cả. Thiệt hại đến 90%”, ông Nguyễn Ngọc Quyết, một hộ trồng hoa cúc lâu năm ở xóm Trung Mỹ, xã Hưng Đông cho biết.

Anh Phạm Trung Kiên, xã Kim Liên, Nam Đàn cho biết: “1 vạn cây hoa ly, 1 vạn cây hoa cúc trồng bán Tết nay gặp mưa lớn, hoa cúc chết sạch còn hoa ly cũng sinh trưởng kém hơn, xuất hiện cháy lá. Chưa kể, sau mưa, rất nhiều nấm, vi khuẩn gây hại tấn công cây hoa. Tết năm nay thất thu lớn”.

Sau khi nước rút, nắng lên, hoa ngập trong bùn đất, thối rễ, úa lá. Ảnh: Thanh Phúc

Các loại cây trồng khác sau thiệt hại còn dễ khắc phục, đất ráo là xuống giống, gieo trồng lại. Còn với cây hoa, trồng để phục vụ thị trường Tết vừa dễ tiêu thụ lại được giá, nên giờ chờ đất ráo để xuống giống thì không kịp ra hoa bán Tết.

Do đó, việc tính toán sẽ trồng cây gì thay thế cây hoa cúc bị thiệt hại do mưa lớn cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện tại, các địa phương một mặt chỉ đạo người dân triển khai các biện pháp khôi phục, cứu những diện tích hoa thiệt hại nhẹ; riêng đối với những diện tích mất trắng thì chờ đất ráo, xử lý đất, chuyển sang xuống giống các loại rau ngắn ngày để cung ứng ra thị trường.

Tiên phong trồng mai vàng ở “thủ phủ” đào phai Nghi Xuân

Ông Hoàng Đình Tải, 70 tuổi, là người tiên phong trong việc đưa 600 cây mai vàng về trồng ở thủ phủ đào phai xã Cổ Đạm, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Mặc dù tuổi cao, sức yếu (mắc bệnh ung thư gan) nhưng vẫn luôn lạc quan, mạnh dạn tìm hướng đi mới, quyết tâm làm giàu từ trồng cây mai vàng.

Ông Hoàng Đình Tải đang chăm sóc vườn đào của mình

Ông Tải cho biết: “Qua tìm hiểu trên báo, đài, tôi nhận thấy cây mai vàng có thể trồng trên đất pha cát. Hoa mai tượng trưng cho sức sống tràn đầy trong ngày xuân nên có giá trị kinh tế rất cao, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.”

“Không đắn đo, tôi quyết định vay mượn cùng số tiền tích góp được bấy lâu bỏ ra 150 triệu đồng đặt mua 600 gốc mai vàng ở Bình Định về trồng. Sau gần 1 năm chăm sóc, cây mai sinh trưởng tốt, nhiều gốc đã bắt đầu cho nụ” – ông Tải phấn khởi cho hay.

Theo ông Tải, lúc mới đưa cây mai về trồng trên vùng đất này cũng lo lắm, bởi không biết có phù hợp với thổ nhưỡng, nhất là khí hậu, thời tiết ở vùng đất mưa nắng thất thường… Đặc biệt là khi ông còn thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Song, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, sử dụng phân hữu cơ nên cây mai phát triển bền vững, tạo nhiều nụ hoa.

Hàng ngày, ông Tải đều dành thời gian ra vườn theo dõi cây mai phát triển để từ đó phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, đồng thời có biện pháp chăm sóc phù hợp. Hiện, vườn mai của ông có khoảng hơn 100 gốc đã cho nụ có thể nở vào dịp tết Nguyên đán năm 2023.

“Những cây mai này cũng có nhiều người vào xem và muốn đặt mua với giá 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/gốc nhưng hiện tại tôi chưa có ý định bán, vì đang muốn chăm sóc thêm cho cây lớn, đồng thời tạo thế cho cây mai để mang lại giá trị kinh tế cao hơn”, ông Tải chia sẻ.

Không chỉ là người tiên phong đưa mai về trồng trên vùng đất này, ông Hoàng Đình Tải còn nổi tiếng là người có thâm niên trồng đào phai ở xã Cổ Đạm. Trước đây, trong vườn ông lúc nào cũng có từ 300 - 350 gốc đào phai, thu nhập hàng năm từ 80 – 150 triệu đồng.

Bây giờ ông dành một phần đất để trồng mai vàng nên vườn đào phai số lượng ít hơn so với trước. Hiện trong vườn gia đình ông đang có hơn 130 gốc đào phai và sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán này.

Ông Lê Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho biết,  việc tiên phong đưa cây mai vàng về trồng trên đất đào phai của ông Hoàng Đình Tải ở thôn Xuân Sơn thật đáng khích lệ, là bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là chủ trương của chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ dân mạnh dạn tìm hướng đi mới, nhất là đa dạng hóa các loại hoa, cây cảnh phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top