Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 1 năm 2023 | 10:47

Những cây trồng hiệu quả cao ở Điện Biên

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, diện tích cây trồng ở tỉnh Điện Biên Phủ như: Bưởi, quýt, chè, sâm… đã không ngừng được mở rộng, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Trồng quýt đường cho thu nhập khá

Những ngày giáp tết, gia đình anh Lý Sủ Lảnh (bản  Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) bận rộn thu hoạch quýt để kịp chuyển theo đơn đặt hàng cho một đám cưới. Dọc theo sườn nương cũ, những gốc quýt trĩu quả. Những trái quýt ở đây cho quả tròn, ngọt, mọng nước.

Đồi quýt của gia đình anh Lý Sủ Lảnh cho thu hoạch. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

Anh Lý Sủ Lảnh cho biết: “Gia đình tôi có 250 gốc quýt đường trồng từ năm 2019. Năm trước cho thu hoạch vụ đầu tiên; giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; vụ năm nay nếu hái hết có thể đạt khoảng 5 tạ”. Trước đây, anh Lý Sủ Lảnh chủ yếu trồng ngô, sắn… nhưng hiệu quả thấp, đất bạc màu do không được dinh dưỡng, nên năng suất không ổn định. Từ năm 2019 qua tìm hiểu trên internet, anh Lảnh nhận thấy giống quýt đường ngoài thị trường giá cao, có thể trồng được cả trên vùng đất đã bạc màu. Giống chỉ mua một lần và sử dụng lâu dài. Qua giới thiệu của người quen, anh đã về Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội mua 250 cây quýt giống, trồng thử nghiệm trên sườn đồi nương ngô cũ của gia đình. Không phụ công người chăm sóc, sau 2 năm trồng, quýt cho thu hoạch vụ đầu tiên. Năm nay, năng suất cao hơn vụ đầu, quả mọng, tròn và ngọt hơn nên được người dân trong bản, xã tìm đến mua chủ yếu phục vụ đám cưới, đám hỏi, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể.

Thấy đồi quýt của hộ gia đình anh Lảnh phát triển tốt, trong bản có 2 hộ gia đình học hỏi mạnh dạn trồng thử nghiệm với trên 100 gốc quýt, hiện cây phát triển tốt. Mô hình trồng quýt đường của gia đình anh Lý Sủ Lảnh bước đầu đã cho thấy cách làm hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Đặc biệt là đối với những diện tích nương nghèo, nương bạc màu qua bao đời độc canh lúa nương. Cùng với điều kiện thuận lợi về tự nhiên, vốn đầu tư thấp, không tốn quá nhiều công chăm sóc, cây quýt có nhiều lợi thế để trở thành cây trồng thế mạnh, cây trồng mũi nhọn nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều hộ gia đình. Nếu được hỗ trợ, giúp đỡ tìm đầu ra ổn định, tin rằng, đời sống của hộ gia đình anh Lý Sủ Lảnh ở bản Huổi Sâu nói riêng và bà con nhân dân xã Pa Tần nói chung chắc chắn sẽ được cải thiện, được nâng lên nhờ trồng quýt đường.

“Cây tỷ phú” ở Tênh Phông

Trên địa bàn tỉnh, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) là địa bàn duy nhất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng và nhân giống các loại sâm. Việc quan tâm, đẩy mạnh phát triển loài cây dược liệu này bước đầu đem lại những tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Qua đó tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn kiểm tra tình hình phát triển cây sâm ở xã Tênh Phông. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.

Sâm là loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư rất lớn nên không phải tổ chức, cá nhân nào cũng mạnh dạn thực hiện. Mặc dù cây sâm đã bén rễ tại mảnh đất Tênh Phông khoảng 6 - 7 năm nay nhưng hiện nay mới có 4 tổ chức, hộ gia đình đứng ra phát triển loại cây được ví như “cây tỷ phú” này. Gọi là “cây tỷ phú” thực cũng chẳng ngoa khi chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với ông Đoàn Văn Lân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đoàn Lân tỉnh Điện Biên - một trong những đơn vị đã mạnh dạn đưa cây sâm vào trồng tại xã Tênh Phông.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn sâm và chỉ vào một luống sâm mới xuống giống, ông Lân tâm sự: “Một luống sâm này thôi nhưng chi phí đầu tư cũng tốn vài trăm triệu đồng. Vậy nên khi trồng sâm cần hết sức thận trọng và phải nắm vững kỹ thuật, nếu không chỉ sơ suất nhỏ có thể dẫn đến thiệt hại lớn. Những ngày đầu mới trồng sâm, chưa có kinh nghiệm chúng tôi phải nhờ các chuyên gia hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc” thì vườn sâm mới phát triển được như ngày hôm nay. Càng vui hơn khi cây sâm trồng ở đất Tênh Phông cho chất lượng rất tốt; điều đó đã được các nhà khoa học kiểm nghiệm và chứng minh. Sau thời gian thử nghiệm, hiện nay, cả vườn sâm của chúng tôi có gần 10 vạn cây các độ tuổi. Riêng năm 2022, chúng tôi đã ươm giống được khoảng 4 - 5 vạn cây con. Bước đầu, cây sâm sinh trưởng và phát triển tốt; vì vậy chúng tôi cũng hi vọng loại cây dược liệu mới này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng, phát triển hơn nữa”.

Với mức đầu tư “khủng” cũng như độ rủi ro cao nên người trồng sâm phải khá mạo hiểm khi quyết định phát triển mô hình kinh tế theo hướng này. Vậy nhưng, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông Mùa A Dụa cùng một số anh em lại rất tự tin để đưa cây sâm vào trồng trên địa bàn xã, với mục tiêu đưa kinh tế địa phương từng bước phát triển bền vững dựa vào giống cây này.

Nói về cơ duyên biết đến cây sâm và phát triển việc trồng sâm trên địa bàn, anh Dụa chia sẻ: “Có một bác sĩ ở TP. Hà Nội lên xã Tênh Phông thăm bà con, nhận thấy khí hậu ở đây lạnh phù hợp với việc trồng cây sâm nên anh ấy đã lấy giống sâm Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam lên cho mình trồng thử. Với suy nghĩ muốn người dân thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con, mình phải làm trước thôi, bởi “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà! Nếu thành công thì tự khắc người dân sẽ làm theo mà không cần phải tuyên truyền, vận động nhiều. Vì giống cây con khá đắt nên năm 2018, mình chỉ trồng thử nghiệm 200 cây. Thật may, loại dược liệu này phù hợp với đất Tênh Phông nên cây sinh trưởng và phát triển khá tốt. Sau 3 năm, 200 cây sâm ngày nào đã cho hạt để mình nhân giống.

Đến nay, quy mô vườn sâm đã có hơn 3.000 cây các lứa tuổi và năm nay đã ươm mới gần 1.000 cây cả sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu… Với phương châm phát triển kinh tế phải dựa vào thế mạnh vốn có của địa phương, bản thân tôi nghĩ mình đang đi đúng hướng để từng bước phát triển kinh tế gia đình nói riêng, cũng như hướng đến mục tiêu xa hơn là mang lại hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong xã...”.

Để đưa cây sâm trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung tỉnh Điện Biên vào phạm vi thực hiện của Chương trình phát triển sâm thuộc Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 và định hướng 2045; đồng thời quan tâm, hỗ trợ Điện Biên trong thực hiện phát triển cây sâm thời gian tới.

Chia sẻ về sự quan tâm của UBND tỉnh cũng như cơ quan chuyên môn trong việc trồng sâm trên địa bàn, ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tuần Giáo cho biết: Thực tế, trước đây tại huyện Tuần Giáo, một số hộ gia đình đã trồng và nhân giống sâm bản địa; dựa trên cơ sở đó, bà con mạnh dạn trồng các loại sâm. Huyện cũng rất biểu dương các hộ gia đình, cá nhân, HTX và các doanh nghiệp mạnh dạn trồng cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu trong thời gian qua. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về “trồng, chế biến chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm Điện Biên; chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh” giữa Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc với các sở, ngành tỉnh. Đồng thời tổ chức ký kết chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao trồng, phát triển, chế biến cây sâm trên địa bàn tỉnh Điện Biên giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc với một số sở, ngành địa phương và doanh nghiệp tham gia phát triển cây sâm trên địa bàn tỉnh... Qua đó, các đơn vị, hộ gia đình được hỗ trợ, chuyển giao khoa học, công nghệ về phát triển cây sâm từ quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong phát triển cây sâm như Hàn Quốc...

Với sự hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và tinh thần chủ động, mạnh dạn đầu tư của các đơn vị, hộ gia đình, việc phát triển cây sâm ở Tênh Phông hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương trong thời gian sắp tới.

Hương chè Xuân Lao

Từ trung tâm xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng), sau hơn 30 phút đi xe máy vượt quãng đường gồ ghề khúc khuỷu chúng tôi có mặt tại bãi Pháy Váng. Hiện ra trước mắt là cánh đồng chè rộng 13ha, xanh ngút ngàn của gia đình anh Phan Trọng Nhất, chủ cơ sở sản xuất chè Phan Nhất. Đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên (trà sạch hữu cơ).

Lãnh đạo huyện Mường Ảng thăm mô hình trà sạch hữu cơ tại bãi Pháy Váng, xã Xuân Lao.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm đồi chè, anh Nhất vừa trò chuyện. Sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống gắn bó với cây chè, gần 30 năm kinh nghiệm anh Phan Trọng Nhất đã dành nhiều thời gian đi khắp các vùng chè trong cả nước; nghiên cứu sâu về đặc điểm sinh học, môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Với mong muốn tìm ra nơi có chất đất, khí hậu tốt nhất để nâng cao giá trị cây chè; sau nhiều lần trăn trở, đi lại “đếm nắng, đo mưa” anh Nhất nhận thấy Mường Ảng là nơi phù hợp nhất để trồng chè.

Năm 2019 anh Phan Trọng Nhất cùng gia đình đưa cây chè về trồng trên đất Mường Ảng. Và giống chè HP.14, chè lai F1, chè shan tuyết PH.14 được lựa chọn trồng, bởi theo anh là giống phù hợp nhất. Gia đình anh Nhất đã quyết định đầu tư gần 10 tỷ đồng mua cây giống chè, đầu tư hệ thống nước tưới tự động, nhà xưởng, máy móc cơ sở sản xuất và đóng gói chè. Hiện nay gia đình anh Nhất đã có 18ha chè (trong đó, 13ha tại bãi Pháy Váng, xã Xuân Lao; 5ha tại bản Huổi Hỏm, xã Ẳng Tở). Sau hơn 3 năm trồng, hiện nay diện tích chè của gia đình anh đã cho thu hoạch năm thứ 2.

Anh Phan Trọng Nhất chia sẻ: Hiện nay, đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Với phương châm “Sạch từ đồi chè đến ấm trà” toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc cây chè được gia đình thực hiện theo hướng hữu cơ. Từ việc sử dụng phân bón, làm cỏ; quá trình sản xuất trà cũng được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công bằng đôi bàn tay của người lao động. Búp chè sau khi hái, hong khô được sấy trên bếp lửa ở nhiệt độ cao để giữ được hương vị thơm ngon của chè. Tùy từng loại trà và từng đối tượng khách hàng mà có cách chế biến, mẫu mã cụ thể khác nhau. Hiện cơ sở đã hình thành được 7 loại sản phẩm với mẫu mã bao bì, chất lượng khác nhau, bao gồm: Trà shan tuyết PH.14 hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ; Nhất đinh Bạch trà PH.14 hữu cơ… Với giá bán trung bình từ 300 nghìn đồng - 3 triệu đồng/kg. Trung bình mỗi năm xưởng chế biến trên 22 tấn chè búp tươi thu được 5 tấn chè khô, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

Thời gian tới cơ sở sản xuất chè Phan Nhất tập trung xây dựng thương hiệu trà trên đất Mường Ảng, đưa hương trà Mường Ảng vươn xa, sang các thị trường nước ngoài khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, cho ra nhiều sản phẩm trà mới mang đặc trưng của Mường Ảng đáp ứng nhu cầu thị trường; cơ sở tiếp tục đưa sản phẩm trà Phan Nhất đạt sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2023. Đồng thời, đăng ký với Hiệp hội Chè Việt Nam, các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, quy trình đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trà sạch hữu cơ Phan Nhất.

Không chỉ xây dựng thương hiệu, vùng chè sạch hữu cơ trên đất Mường Ảng; cơ sở trà Phan Nhất còn tạo việc làm thời vụ cho 20 - 30 lao động địa phương với thu nhập trên 50 triệu đồng/người/năm. Anh Quàng Văn Khiêm, người dân bản Co Hón, xã Xuân Lao chia sẻ: Từ khi cây chè bén rễ đất Xuân Lao đã tạo thêm việc làm cho chúng tôi những lúc nông nhàn. Với ngày công 160 nghìn đồng, trung bình mỗi tháng gia đình tôi có thêm thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng, nếu cả 2 vợ chồng cùng đi làm. Ngoài ra tại đây chúng tôi cũng hiểu thêm về nông nghiệp hữu cơ, quy trình chăm sóc cây chè hữu cơ.

Ông Lò Văn Sết, Chủ tịch UBND xã Xuân Lao cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn. Các hình thức hỗ trợ như: Trưng bày sản phẩm chè đã qua chế biến của cơ sở tại các chương trình thương mại, hội chợ do xã, huyện tổ chức. Đồng thời, phối hợp với chủ cơ sở đưa sản phẩm trà Phan Nhất đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Hiện sản phẩm đã đến được với nhiều người tiêu dùng, tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều khách hàng sau khi sử dụng đã khẳng định trà Phan Nhất có nước xanh và vị đậm hơn nhiều loại trà khác. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để cây chè tiếp tục phát triển và trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương trong thời gian tới.

Trái ngọt Mường Thanh

Hiện nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Điện Biên khoảng 1.215,50ha, góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Lợi thế từ cây ăn quả đã và đang giúp bà con mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo thêm sinh kế ổn định và lâu dài cho người dân vùng khó.

Vườn bưởi nhà ông Lò Văn Nhân, bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn sai trĩu quả, cho thu hoạch đạt năng suất cao.

Tiếp chúng tôi tại vườn bưởi sai trĩu quả, vàng mọng, ông Lò Văn Nhân, bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn vui vẻ giới thiệu từng loại cây, năm trồng, số quả thu hoạch hàng năm và lợi nhuận thu được bằng tất cả niềm say mê với loại cây này. Ông Nhân phấn khởi chia sẻ: Nhận thấy diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, năm 2010 nhà tôi đã cải tạo, chuyển sang trồng 5.000m2 bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam. Những năm đầu, do chưa biết cách chăm sóc, tỉa cành, bón phân nên cây bưởi cho ít quả, thu nhập không cao.

Để vườn bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài đầu tư kinh phí, công sức, ông Nhân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào chăm sóc, tuân thủ quy trình kỹ thuật (không sử dụng các chất cấm, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học…). Từ năm thứ 4, cây bưởi cho năng suất cao (4 - 5 tấn/vụ); quả bưởi cũng bắt đầu được người tiêu dùng và thương lái biết đến, nên thu nhập khá hơn. Hiện bưởi da xanh có giá dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, bưởi Diễn giá từ 15 - 20 nghìn đồng/quả, mang lại nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Không riêng gì gia đình ông Nhân, trong bản Hoong Lếch Cang có 40/77 hộ trồng bưởi với diện tích trên 4ha. Với ưu thế giá thành cao, không tốn nhiều công chăm sóc, cây bưởi đã góp phần giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giả (toàn bản có 37/77 hộ khá giả). Tiêu biểu như các hộ: Lò Văn Chựa, Lò Xuân Phanh, Lò Thị Thanh…

Phát triển cây ăn quả có múi được xem là hướng đi hợp lý, đúng với xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay tại xã Thanh Chăn, góp phần nâng cao thu nhập và tạo giá trị gia tăng cho sản xuất. Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Để thúc đẩy sản xuất cây ăn quả có múi, xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung. Hiện toàn xã có hơn 13ha trồng bưởi, cam. Do sản xuất tập trung, chăm sóc tốt, cơ cấu giống phong phú nên ở các thôn, bản: Hồng Thanh 7, Việt Thanh 4, 5, Hoong Lếch Cang, Púng Ngựu, Pom Mỏ Thổ… cây ăn quả có múi đã mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng/vụ, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Cũng theo ông Phạm Minh Tiệp, bên cạnh việc duy trì, chăm sóc diện tích cây đã trồng, xã Thanh Chăn còn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Hiện toàn xã có nhiều hộ đăng ký chuyển sang trồng cây ăn quả có múi, với diện tích hơn 18ha.

Hiện, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Điện Biên là 1.215,50ha. Một số loại cây ăn quả có diện tích lớn, như xoài, cam, quýt, dứa, nhãn, vải, mít, vú sữa… Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 1.330ha. Trong đó, trọng tâm là hình thành các vùng trồng tập trung khoảng 500ha, gồm các loại cây chủ lực (bưởi da xanh, mít, nhãn, dứa, bơ, hồng xiêm, vú sữa…); chủ yếu tại các xã: Thanh Nưa, Thanh Chăn, Thanh Yên, Núa Ngam, Hẹ Muông, Thanh Hưng, Thanh Luông... Đây là những xã có điều kiện về đất đai, khí hậu phù hợp, chủ động tưới tiêu, diện tích đất tập trung.

Để đạt được mục tiêu đó, huyện Điện Biên tiếp tục định hướng người dân phát triển theo hướng tập trung, đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa theo quy trình an toàn hữu cơ. Cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cây trồng; hình thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng diện tích, năng suất và sản lượng, nâng cao giá trị kinh tế. Cùng với đó, đưa vào trồng thử nghiệm, lựa chọn các loại giống cây ăn quả mới phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng cây ăn quả trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, liên kết, nắm bắt thông tin thị trường (giá cây giống, phân bón, giá cam thành phẩm, thị trường tiêu thụ...).

Huyện Điện Biên định hướng hình thành các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Toàn huyện phấn đấu có ít nhất 2 hợp tác xã sản xuất gắn với vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả, xây dựng mới từ 1 chuỗi liên kết trở lên sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP, sản phẩm hữu cơ…

Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 10% diện tích cây ăn quả tập trung được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận VietGAP, hữu cơ, có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; có ít nhất 2 sản phẩm quả được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Nâng giá trị thu nhập trên 1ha đất trồng cây ăn quả đạt trên 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, huyện mời gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất cây ăn quả, gắn sản xuất với thu hoạch, bảo quản chế biến và thị trường để nâng cao giá trị và chất lượng, nhất là tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top