Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 11 năm 2023 | 10:9

Những nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi người gửi tiền cần biết

Chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ra đời với mục tiêu “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng…” và được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) triển khai nhất quán, xuyên suốt hơn hai thập kỷ qua.

Điểm khác biệt cơ bản của loại hình bảo hiểm này với các loại hình bảo hiểm khác là: đối tượng thụ hưởng trực tiếp (người gửi tiền) khi có rủi ro xảy ra không phải đóng phí bảo hiểm, người gửi tiền mặc định được bảo vệ khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Vì vậy, người gửi tiền cần biết những nội dung cốt lõi của chính sách BHTG để bảo vệ tốt nhất tiền gửi của mình tại các tổ chức nhận tiền gửi. 

Ảnh minh họa.

BHTG là công cụ để bảo vệ người gửi tiền

BHTG là chính sách công của Nhà nước. Khoản 1, Điều 4, Luật BHTG ghi rõ: “BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản”.

Hay nói cách khác, BHTG là cam kết công khai của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền về việc tổ chức BHTG sẽ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị chấm dứt hoạt động và mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền.

Theo Điều 5 và Điều 6 Luật BHTG, đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định; TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG, trừ ngân hàng chính sách .

Điều 18 Luật BHTG quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD”.

Đối tượng được BHTG là người gửi tiền là cá nhân. Khoản 2, Điều 4 Luật BHTG quy định: “Người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG”. Người gửi tiền không phải nộp phí BHTG, mà theo khoản 4 Điều 20 Luật BHTG quy định: “Tổ chức tham gia BHTG phải nộp phí BHTG cho tổ chức BHTG”. Theo đó, khi cá nhân gửi tiền vào tổ chức tham gia BHTG, tổ chức này bắt buộc phải trả phí cho khoản bảo hiểm tiền gửi của cá nhân đó theo quy định của Luật BHTG. BHTGVN có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc tính và nộp phí BHTG của các tổ chức tham gia BHTG đột xuất hoặc định kỳ theo quy định.

Người gửi tiền được chi trả với hạn mức theo quy định 

Điều 24, Luật BHTG quy định: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm”, và “Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong từng thời kỳ”.

Điều này có nghĩa là số tiền bảo hiểm tối đa một người gửi tiền nhận được khi tổ chức BHTG chi trả bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành (bao gồm cả gốc và lãi); hạn mức trả tiền bảo hiểm không phụ thuộc vào quy mô số tiền gửi của khách hàng hay quy mô của tổ chức tham gia BHTG; hạn mức trả tiền bảo hiểm không cố định ở các thời điểm khác nhau.

Sau 24 năm được triển khai ở Việt Nam, hạn mức trả tiền BHTG đã 03 lần thay đổi, từ 30 triệu đồng năm 1999 lên 50 triệu đồng năm 2005, tiếp tục nâng lên 75 triệu đồng năm 2017 và hiện nay hạn mức trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng/người/một tổ chức tham gia BHTG (theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Số tiền gửi của người được BHTG, bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật (Điều 27 Luật BHTG).

Điều 23 Luật BHTG quy định: trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được xác định kể từ những thời điểm sau: NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt; văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản; văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

BHTGVN là tổ chức duy nhất ở Việt Nam triển khai chính sách BHTG

BHTGVN thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức hoạt động từ ngày 07/7/2000, là tổ chức BHTG duy nhất tại Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai chính sách BHTG của Đảng và Nhà nước. 

BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng (Khoản 04 Điều 04 Luật BHTG). BHTGVN hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 01/4/2016 của Thủ Tướng Chính phủ).

BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia BHTG, gồm: 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 QTDND, ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Trả tiền bảo hiểm là biện pháp nghiệp vụ cuối cùng và trực tiếp mà BHTGVN sử dụng để bảo vệ người gửi tiền khi rủi ro đã xảy ra. Hàng loạt các hoạt động nghiệp vụ khác được quy định tại Điều 13 Luật BHTG cũng được BHTGVN triển khai liên tục và không ngừng nâng cao về chất lượng nhằm gián tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền như: kiểm tra và giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt và thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG; truyền thông và phổ biến pháp luật BHTG; hoàn thiện và phát triển pháp luật BHTG…

Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm 

Người gửi tiền được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia BHTG; nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn; yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật.

Người gửi tiền phải cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của BHTGVN khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm. Đồng thời, người gửi tiền cũng cần nghiêm túc tuân thủ quy trình nhận tiền gửi tại các tổ chức tham gia BHTG để tránh các rủi ro về mặt pháp lý, dẫn đến việc các khoản tiền gửi không đủ điều kiện để được pháp luật BHTG bảo vệ.

Để  nhận biết việc tham gia BHTG,  tổ chức nhận tiền gửi phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi. Người gửi tiền cần lưu ý: Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là bản sao do BHTGVN cấp từ sổ gốc và địa chỉ ghi trên bản sao Chứng nhận BHTG phải trùng khớp với địa chỉ nơi người gửi tiền đang giao dịch. Bản sao có đầy đủ thông tin của Chứng nhận tham gia BHTG, gồm: Tên tổ chức BHTG; tên tổ chức tham gia BHTG; nội dung khác theo quy định của BHTGVN.

Ngoài ra, người gửi tiền có thể truy cập website của tổ chức BHTG (www.div.gov.vn) để biết rõ hơn các thông tin về chính sách BHTG, BHTGVN và các tổ chức tham gia BHTG.

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top