Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 10 năm 2022 | 11:31

Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở Điện Biên

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, những năm qua nhiều địa phương ở Điện Biên đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đề ra những hướng đi mới, mô hình sinh kế bền vững... giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, hộ nghèo và cận nghèo nói riêng, từng bước được cải thiện, nâng cao.

Hiệu quả các chính sách giảm nghèo

Nông dân xã Thanh Xương thu hoạch lúa vụ mùa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: báo Điện Biên Phủ

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện Điện Biên đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo vươn lên. Hàng năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện tiến hành rà soát, nắm chắc thực trạng hộ nghèo, cận nghèo, xác định nguyên nhân chính dẫn đến nghèo; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến hết tháng 9/2022, huyện có 16/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM (12 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã cơ bản đạt chuẩn NTM); không còn xã dưới 10 tiêu chí. Đặc biệt hiện toàn huyện có 35 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 12 thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, xã tập trung nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; ưu tiên các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo quy mô tập trung, có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, giống mới giá trị kinh tế cao; kiên quyết không phê duyệt các mô hình, dự án không xuất phát từ nhu cầu của người dân, phạm vi thực hiện manh mún, nhỏ lẻ và không có giải pháp tổ chức sản xuất và phương án nhân rộng sau khi kết thúc dự án.

Đơn cử như thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Điện Biên đã triển khai thực hiện nhiều dự án, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao năng suất cũng như thu nhập: Dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” với 5 cánh đồng, tổng diện tích 334,9ha; dự án hỗ trợ “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống lúa mới vào sản xuất”, tổng diện tích 150ha; hỗ trợ 36 máy cấy, 12.500 khay gieo mạ máy cấy lúa; đầu tư thực hiện thí điểm lắp dựng kênh bê tông đúc sẵn 1,6km tại khu ruộng dồn điền, đổi thửa xã Thanh Hưng; phê duyệt 5 dự án hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất... Nhờ vậy mà người dân đã thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng mô hình sinh kế bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Tính đến hết năm 2021, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Điện Biên đạt 34,86 triệu đồng/người/năm (13/21 xã đạt tiêu chí số 10 về xây dựng NTM).

Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhiều năm qua huyện Điện Biên luôn xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, hàng năm UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường kết nối cung - cầu với các tổ chức, doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo việc làm mới. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động và mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề tại địa phương (đến hết năm 2021 toàn huyện có 55.658 lao động có việc làm).

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo; đẩy mạnh vận động, quyên góp để hỗ trợ các hộ có nhà tạm, dột nát làm nhà mới, sửa chữa lại nhà ở đảm bảo 3 cứng. Hiện nay trên địa bàn huyện còn 1.205 nhà ở tạm, nhà dột nát; tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 76,4%.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2.997/25.182 hộ, chiếm 11,9%.  Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân từng bước được nâng cao.

Khó nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn

Thời năm qua, các cơ quan chuyên môn đã triển khai các mô hình thí điểm trồng rau an toàn (RAT) tại nhiều địa bàn. Các mô hình giúp người trồng rau tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, dù có nhiều điểm ưu việt song thực tế việc sản xuất theo mô hình RAT lại khó nhân rộng.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) sản xuất rau theo hướng an toàn.

Nhà lưới rộng gần 1.000m2 và hệ thống phun tưới tự động với tổng chi phí trên 500 triệu đồng được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng (thị trấn Tủa Chùa) đầu tư để trồng RAT. Do đó, các sản phẩm rau ở đây luôn được người tiêu dùng ở thị trấn Tủa Chùa săn đón, nhất là các trường học và bếp ăn tập thể. Sản phẩm sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hiệu quả là vậy song đây chỉ là 1 mô hình điểm và cũng là duy nhất về sản xuất RAT ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tủa Chùa.

Chị Phạm Thị Út Mai, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng cho biết: “Chi phí đầu tư ban đầu quá lớn là rào cản người trồng rau phát triển RAT theo hướng ứng dụng công nghệ. Để các hộ trồng rau đầu tư khoản chi phí hàng chục, hàng trăm triệu đồng trồng RAT là rất khó”

3 năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Quân, thôn 1, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) sản xuất rau theo hướng an toàn. Các loại rau, củ, quả được ông Quân lựa chọn là: Su hào, bắp cải và cà chua.

Ông Quân cho biết: Sản xuất RAT đòi hỏi quy trình kỹ thuật chặt chẽ, tỉ mỉ và các công đoạn phải được ghi chép đầy đủ, rõ ràng. Đơn cử như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi rau nhiễm sâu bệnh, theo quy trình 10 ngày phun thuốc một lần, có những loại thuốc có thời gian cách ly tận 7 ngày nên nếu không ghi chép thì rất khó để nhớ và thực hiện đúng, đủ theo quy trình sản xuất RAT. Tôi cho rằng, sự tỉ mỉ và quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt là một trong những lý do khiến các hộ trồng rau ít lựa chọn giải pháp trồng rau theo quy trình đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, nếu trồng theo quy trình VietGap thì các hộ trồng rau phải thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các chế phẩm sinh học, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ để bón rau nên mẫu các sản phẩm RAT không đẹp, kén khách, nhiều khi giá bán còn thấp hơn so với sản phẩm sản xuất truyền thống.

Để các hộ trồng rau tiếp cận, nắm vững kỹ thuật và triển khai trồng rau theo hướng an toàn, những năm qua các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai các mô hình điểm tại các địa phương có thế mạnh về trồng rau. Từ năm 2016 - 2021, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai 11 mô hình về sản xuất an toàn tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Các mô hình đã giúp người trồng rau làm quen các hoạt động sản xuất theo quy trình GAP cơ bản, kiểm soát các yếu tố đầu vào, tạo ra sản phẩm an toàn; giảm chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (20 - 30%) so với hình thức sản xuất truyền thống. Các sản phẩm đều được kiểm định chất lượng, kiểm tra an toàn. Nhờ đó, người trồng rau thu lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống từ 15 - 20%. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình RAT gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Đào Thị Khuyên, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến các mô hình sản xuất RAT khó nhân rộng. Đơn cử như, sản phẩm chưa có tem nhãn nên người tiêu dùng chưa thể phân biệt được giữa RAT và rau sản xuất truyền thống. Do đó, người trồng rau khó bán giá cao hơn so với các sản phẩm rau khác. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất chưa thực sự được quan tâm, số lượng đơn vị bao tiêu sản phẩm ít, khối lượng sản phẩm được thu mua hạn chế, không thường xuyên. Đặc biệt là phần lớn người dân vẫn duy trì tư duy và phương thức sản xuất cũ khiến các mô hình RAT khó được nhân rộng.

Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Hợp tác xã Tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) cho rằng: Cần có những chính sách riêng về phát triển RAT trên địa bàn tỉnh để khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nguồn lực vào sản xuất và kinh doanh. Các chính sách đó phải làm nổi bật được sự ưu việt, chất lượng của sản phẩm, để các hộ trồng rau thấy được sự khác biệt rõ ràng giữa RAT và rau sản xuất truyền thống. Có như vậy, người dân mới chủ động tìm hiểu, đầu tư, từ đó các mô hình sản xuất RAT mới thực sự hiệu quả và được nhân rộng.

Mùa vàng trên cánh đồng Mường Thanh

Hiện nay, lúa vụ mùa trên cánh đồng Mường Thanh đã chín, nông dân huyện Điện Biên đang tập trung thu hoạch. Năm nay, mặc dù tình hình thời tiết và sâu bệnh diễn biến phức tạp song với những chỉ đạo kịp thời của cơ quan chuyên môn và sự sát sao kiểm tra đồng ruộng của người dân, năng suất, sản lượng lúa đảm bảo kế hoạch, mục tiêu đặt ra.

Gia đình chị Lê Thị Hà, thôn 7, xã Thanh Yên thu hoạch lúa mùa. 

Vụ thu hoạch lúa mùa năm nay vào thời điểm cơn bão số 4 Noru chuẩn bị đổ bộ vào khu vực miền Trung. Để tránh ảnh hưởng của hoàn lưu bão, huyện Điện Biên đã chỉ đạo người dân tập trung thu hoạch lúa, bảo vệ thành quả sản xuất. Trên những cánh đồng vàng rực màu lúa chín, nông dân các xã vùng lòng chảo khẩn trương thu hoạch lúa mùa.

Chị Lê Thị Hà, thôn 7, xã Thanh Yên cho biết: Vụ này, tôi gieo cấy hơn 4.000m2 giống Đài thơm 8. Năm nay đầu vụ cây lúa rất tốt, do chủ động phòng trừ nên sâu bệnh cũng rất ít. Tuy nhiên giai đoạn cây lúa trổ bông đúng dịp mưa nhiều nên hiệu suất thụ phấn của cây lúa giảm, có nhiều hạt lép. Do đó năng suất lúa đạt 58 tạ/ha, thấp hơn nhiều so với vụ mùa năm 2021 (đạt 68 - 70 tạ/ha). Hiện nay việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trở nên phổ biến nên thu hoạch lúa cũng thuận lợi. Với 4.000m2 lúa chỉ mất khoảng 2 ngày thu hoạch xong.

Ông Lò Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết: Toàn xã gieo cấy trên 500ha lúa vụ mùa. Mặc dù sản lượng lúa vẫn đạt 100% kế hoạch, chỉ tiêu đề ra từ đầu vụ song người dân kém vui hơn vì năng suất lúa thấp hơn vụ trước. Khu vực xã Thanh Yên, người dân có trình độ thâm canh lúa cao, đồng thời trong suốt cả mùa vụ cơ quan chuyên môn của huyện và UBND xã thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi quá trình sinh trưởng cây lúa và tình hình diễn biến dịch bệnh để có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời. Nhờ đó cây lúa sinh trưởng phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan khiến năng suất lúa giảm. Hiện nay, toàn xã đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích, dự kiến đến hết tháng 9, xã Thanh Yên sẽ thu hoạch 100% diện tích lúa vụ mùa.

Người dân khu vực C9 (xã Thanh Xương) thu hoạch lúa với tâm trạng phấn khởi hơn vì lúa năm nay đạt năng suất hơn vụ mùa năm trước. Chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn C9B, xã Thanh Xương cho biết: Với diện tích 1ha, tôi dành 90% diện tích gieo cấy giống ST và 10% diện tích gieo giống Séng cù. Năm nay cây lúa chủ yếu bị tấn công bởi các loại sâu bệnh chính như: Rầy, đạo ôn, khô vằn nhưng do có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, tôi chủ động phòng trừ nên cây lúa phát triển tốt. Nhìn chung, năng suất lúa vụ này cao hơn so với năm 2021. Giống Séng cù ước đạt 70 tạ/ha; giống ST đạt 75 tạ/ha. Vụ này, người dân khu vực C9 được hưởng niềm vui nhân ba, lúa vừa đạt năng suất, thu hoạch đến đâu bán thóc tươi cho các đơn vị bao tiêu sản phẩm đến đấy và giá lúa cũng cao hơn năm trước. Hiện nay, giá thóc Séng cù tươi đạt 8.500 đồng/kg, giống ST đạt 10.000 - 10.500 đồng/kg.

Hiện nay, trên 90% nông dân khu vực lòng chảo Mường Thanh đã áp dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa. Nhờ đó, việc thu hoạch hiệu quả và nhanh hơn. Dự kiến đến đầu tháng 10, hơn 4.100ha lúa trên cánh đồng Mường Thanh sẽ được thu hoạch hết. Theo kết quả định sản của cơ quan chuyên môn, năng suất lúa ước đạt 61,06 tạ/ha, hoàn thành 100% kế hoạch UBND huyện giao.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Để đạt được năng suất cao như vậy, nông dân thu hoạch nhanh gọn lúa vụ đông xuân, đẩy nhanh quy trình cày ải, phơi đất nhằm tiêu diệt mầm mống của sâu bệnh, nạo vét kênh mương để dẫn nước vào đồng ruộng. Đồng thời, trên cơ sở phân tích tình hình thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Vì vậy, diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất và sinh trưởng, phát triển tốt.

Hiện nay, khu vực các xã: Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh Yên đang thu hoạch rộ, các xã phía dưới như: Thanh An, Pom Lót đã bắt đầu thu hoạch. Dự kiến đến đầu tháng 10, các xã vùng lòng chảo Mường Thanh sẽ hoàn thành thu hoạch lúa. Nhìn chung, qua đánh giá của cơ quan chuyên môn và phản hồi của người dân, năng suất, sản lượng lúa năm nay đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra từ đầu vụ.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top