Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 2 năm 2024 | 15:45

Nông dân Hưng Yên tăng diện tích cấy lúa bằng máy

Nếu như trước đây, nông dân chỉ yếu cấy bằng phương pháp thủ công, truyền thống, thì nay cấy bằng máy đang là lựa chọn của bà con trên khắp mọi miền. Vụ xuân này, nông dân tỉnh Hưng Yên đã tăng diện cấy lúa bằng máy, bởi cấy bằng máy đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả.

Diện tích ruộng cấy bằng máy tăng

Hưng Yên là một tỉnh nằm trong vùng châu thổ của đồng bằng Bắc Bộ, trước đây người nông dân chủ yếu cấy lúa bằng phương pháp thủ công truyền thống, vào thời điểm cấy lúa đều là trước hoặc sau Tết Nguyên đán, đây cũng là lúc thời tiết khắc nghiệt nhất bởi những đợt gió mùa đông bắc mang cái lạnh thấu xương, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vì thế, bà con nông dân có điều kiện đã đầu tư máy cấy để cấy lúa, đồng thời cũng là một tạo nguồn thu nhập từ những chiếc máy cấy lúa này bằng việc cấy thuê.

Máy cấy lúa trên đồng ruộng xã Đức Thắng (Tiên Lữ) 

Theo anh Vũ Hữu Vương ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao (Phù Cừ), vào mỗi vụ cấy lúa, nhất là vụ úa xuân gia đình rất vất vả và lo lắng, bởi nếu trời lạnh mà không cấy sẽ không đảm bảo được thời vụ. Chính vì vậy cách đây 5 năm anh đã đầu tư 17 triệu đồng mua chiếc máy cấy dùng cho diện tích ruộng của mình, ngoài ra anh còn thuê lại khoảng 20 mẫu ruộng của các hộ dân trong thôn để gieo cấy tập trung bằng mạ khay.

Ngoài gieo cấy lúa của gia đình, anh còn làm dịch vụ mạ khay, máy cấy cho người dân trong thôn với diện tích 3 mẫu. Mỗi ngày, máy cấy được 3 - 4 mẫu, nên chưa đến 10 ngày anh đã hoàn thành cấy lúa trên diện tích của nhà và cấy thuê cho người dân.

Anh Nguyễn Đăng Anh, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Đình Cao cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy trên 500 ha lúa; đến nay nông dân đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, diện tích cấy máy đạt trên 100 ha (tăng hơn 30 ha so với vụ xuân năm trước). Trước kia, chưa có máy cấy, thời gian mùa vụ kéo dài hằng tháng, nay giảm còn 10 - 15 ngày. Không chỉ bảo đảm thời vụ, cấy lúa bằng máy còn khắc phục được tình trạng thiếu lao động sản xuất nông nghiệp hiện nay, giảm chi phí cho nông dân, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Những vụ lúa gần đây, huyện Phù Cừ là địa phương có diện tích cấy lúa bằng máy lớn trong tỉnh. Vụ xuân năm nay, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy trên 3,3 nghìn ha lúa. Đến ngày 26/2, nông dân trong huyện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy vụ lúa xuân; trong đó khoảng 30% diện tích cấy máy. Để mở rộng diện tích cấy máy, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch vùng lúa cấy bằng máy tập trung, thuận lợi tưới, tiêu nước; kế hoạch sản xuất được xây dựng sớm và cụ thể, từ đó chủ động triển khai dịch vụ mạ khay, máy cấy. Khuyến khích các địa phương thành lập tổ dịch vụ tại chỗ hoặc ký hợp đồng với tổ dịch vụ của các địa phương khác. Cùng với đó, huyện chỉ đạo tạo điều kiện về mặt bằng để các tổ dịch vụ xây dựng kho bãi, tập kết giá thể, nơi để và chăm sóc mạ khay…

Cấy máy đem lại hiệu quả và lợi ích cao 

Anh Vũ Hữu Vương cho biết, qua quá trình thực hiện cấy lúa bằng máy, tôi nhận thấy cấy máy mang lại nhiều lợi ích, làm giảm chi phí, giảm công lao động, thời vụ gieo cấy và năng suất lúa bảo đảm.

Công cấy tay rất cao khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/người/ngày, trong khi cấy mạ khay cả gieo mạ và cấy chỉ mất 280.000 đến 300.000 đồng/sào. Hiện nay, hầu hết các khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đều có máy móc hỗ trợ nên dù cấy diện tích lớn nhưng tôi không mất quá nhiều công sức.

Còn chị Nguyễn Thị Diến ở thôn Lương Trụ, xã Đức Thắng (Tiên Lữ) chia sẻ: Vụ xuân năm nay là vụ mùa thứ 3 gia đình tôi sử dụng dịch vụ mạ khay, máy cấy. Dịch vụ này mang lại rất nhiều tiện tích, tôi không còn phải lo chạy đua để kịp thời vụ hay đôn đáo tìm người cấy thuê nữa nên cảm giác mùa màng nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Khi một số người dân trong thôn bày tỏ lo lắng, hỏi tôi về phương pháp này, tôi đều chia sẻ và tuyên truyền họ thực hiện vì mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất, cây lúa bén rễ hồi xanh nhanh hơn, năng suất tăng cao từ 10% so với cấy tay.

Bà Nguyễn Thị Thu, Quyền Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, lúa được cấy bằng máy nông, mật độ cây lúa đồng đều nên phát huy được hiệu ứng hàng biên, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường; năng suất lúa tăng so với cấy bằng tay; tiết kiệm chi phí 30 – 50% so với cấy tay, giúp giải phóng sức lao động.

Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy còn giúp các địa phương quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún… Vì vậy, việc phát triển phương pháp cấy máy trên đồng ruộng là hướng đi phù hợp, góp phần cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả bền vững hơn.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy hơn 24,1 nghìn ha lúa; gieo cấy toàn bộ diện tích trà lúa xuân muộn, tập trung gieo cấy trong tháng 2, phấn đấu hoàn thành trước ngày 5/3. Nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 máy cấy các loại, trong đó có 10 máy to; cùng với đó là 2 điểm sản xuất mạ khay và 6 bãi mạ quy mô lớn. Vụ xuân năm nay, diện tích cấy bằng máy toàn tỉnh đạt khoảng 2 nghìn ha, tăng trên 400 ha so với vụ xuân năm 2023, tập trung tại các huyện: Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động và Văn Lâm.

Máy cấy lúa là một trong những công cụ sản xuất được chế tạo để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vừa giảm chi phí đồng thời cũng tăng được năng suất lao động. Nếu các địa phương trên cả nước đều sử dụng máy cấy sẽ đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp đúng thời vụ, giảm được sức lao động, bà con nông dân sẽ không còn vất vả, ruộng đồng sẽ không còn bị bỏ hoang và tương lại những cánh đồng mẫu lớn sẽ hoàn thành hiện thực.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top