Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, một lượng lớn gia sức, gia cầm đã được giết mổ để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đang đẩy mạnh việc tái đàn theo hướng có kiểm soát, an toàn và chất lượng nhằm khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường sau tết.
Nông dân "rục rịch" tái đàn sau tết
Sau khi xuất bán lứa lợn 10 con vào dịp Tết Nguyên đán và sẽ bán nốt 10 con vào dịp Rằm tháng Giêng, chị Nguyễn Thị Cúc ở xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh (Thanh Chương) sẽ trống chuồng. Chị Cúc cho biết, sau khi bán hết lứa lợn này sẽ xử lý chuồng trại và tái đàn chứ không để trống chuồng quá lâu.
Chị Cúc cho biết: “Chăn nuôi là thu nhập chính của gia đình. Do đó, bán lứa này thì sẽ nuôi lứa kế tiếp. Mỗi năm 3 lứa cứ thế quay vòng. Lứa lợn bán Tết và Rằm vừa rồi giá khá tốt nên rất phấn khởi. Lứa tiếp theo sẽ nuôi 20 con lợn siêu 3 máu và 10 con lai rừng F1”.
Chăn nuôi quy mô trang trại, mỗi lứa dao động từ 150 con lợn thịt. Do đó, sau khi xuất bán vào lứa lợn Tết, hiện nay, anh Trần Ngọc Long ở xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) đang vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng và liên hệ trại giống uy tín để chọn giống lợn nuôi.
“Sau Rằm sẽ nhập về 200 con giống của một công ty ở Hà Tĩnh để tái đàn. Hoàn toàn là giống siêu 3 máu. Thị trường lợn thịt có lúc lên, lúc xuống, song trang trại của tôi đã liên kết với một số thương lái, đầu mối tiêu thụ nên dù biến động thế nào cũng phải đảm bảo nguồn cung thường xuyên, không được đứt đoạn”, anh Long cho biết.
Sau Tết, nhu cầu tái đàn của người dân tăng cao.
Còn tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai hiện nay, nhiều hộ dân cũng đang thả nuôi lứa gà mới. Theo chị Văn Thị Lý, thôn 10, xã Quỳnh cho biết: Nắm bắt được nhu cầu của người dân về gà thịt chất lượng cao, chị lựa chọn giống gà ta và nuôi thả vườn. Xung quanh nhà và khu chăn thả được quây bằng các vật liệu như lưới, lưới nylon, đảm bảo giữ nhiệt độ thích hợp thoáng mát cho đàn gà. Ngoài thức ăn chính là lúa, cám, chị còn bổ sung thêm các loại rau. Chị cho biết, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là thức ăn của gà phải sạch, chuồng trại sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là giao thời giữa lứa cũ và lứa mới. Giá gà hiện dao động từ 90.000- 100.000 đồng/kg, dự kiến Tết có thể tăng nhẹ. Tuy nhiên, năm nay, do lo ngại về giá cả không ổn định nên gia đình chị cũng không dám nuôi ồ ạt, số lượng có giảm so với thời điểm các năm trước.
Thời điểm này, người dân các huyện vùng cao Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương... tập trung tái đàn. Gia đình chị Vi Thị Hương ở bản Chà Lấu, xã Nậm Giải (Quế Phong) vừa mua được 3 con lợn giống đen bản địa về nuôi trong chuồng. Chị Hương cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình xuất bán 2 con lợn thịt cho khách được hơn 7 triệu đồng. Không để chuồng trại trống không, ra Tết chị tìm mua lợn giống về nuôi ngay.
Thị trường con giống sôi động
Nhằm đáp ứng nhu cầu tái đàn sau Tết của người dân, chị Lê Na ở xóm 8, xã Tường Sơn (Anh Sơn) - một lái buôn chuyên cung cấp lợn giống cho người dân dọc Quốc lộ 7 đã bắt đầu “mở hàng” từ ngày mồng 6 Tết. “Trong vòng chưa đầy 10 ngày, tôi đã xuất bán cho người dân các huyện như Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương hơn 800 con lợn giống. Chủ yếu là lợn cỏ cho các hộ nuôi nhỏ lẻ và lợn siêu cho các trang trại, gia trại”, chị Na cho biết.
Chuyên nuôi lợn nái để bán con giống, hiện trong chuồng của gia đình chị Hoàng Thị Thủy ở xã Phong Thịnh (Thanh Chương) còn 5 nái với tổng đàn lợn giống 70 con, toàn bộ đều đã được người dân trong vùng “đặt hàng” trước. “Đợt tháng 7/2023, tôi có một lứa lợn con bán cho dân nuôi ăn dịp Tết, giá chỉ 500.000 – 650.000 đồng/con lợn giống, thì nay, 70 con lợn giống đợt này đều đã “nhận cọc” với giá 800.000 đồng/con”.
Theo khảo sát, hiện giá lợn giống trên thị trường đang tăng nhẹ. Theo đó, giống lợn cỏ trong dân (của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) dao động từ 600.000 – 1,2 triệu đồng/con (tùy giống, tùy biểu cân); còn lợn siêu nạc 3 máu của các công ty, trại giống uy tín dao động từ 1,4 – 1,7 triệu đồng/con (biểu cân từ 7-9 kg). Mức giá này, so với thời điểm trước Tết tăng nhẹ.
Các thương lái nhập các giống lợn về cung ứng cho bà con
Theo các thương lái, sở dĩ giá lợn giống thời điểm này tăng là do theo chu kỳ chăn nuôi, người dân đã xuất chuồng hết vào dịp Tết nên sau Tết nhu cầu tái đàn lên cao. Thêm vào đó, giá lợn hơi tăng nên giá lợn giống cũng “nhích” theo. Một lý do nữa là do trong năm, khi dịch tả châu Phi trên lợn tái phát khiến lượng lợn bị tiêu hủy khá nhiều, lợn nái, lợn giống cũng bị hao hụt nên con giống vì thế ít hơn các năm trước.
“Sau một thời gian bị tác động bởi giá cả thức ăn tăng cao, ảnh hưởng của dịch bệnh và giá lợn hơi xuống đáy, thì nay, khi giá thức ăn giảm, dịch bệnh được kiểm soát và giá lợn hơi đang trên đà tăng nên nhu cầu tái đàn của người dân tăng mạnh, tăng gấp đôi, gấp 3 so với trước. Vì thế, giá lợn giống theo quy luật cung - cầu cũng sẽ tăng”, chị Lê Na - một thương lái chuyên kinh doanh lợn giống cho biết.
Năm nay, sau Tết, thời tiết nắng ấm nên rất thuận lợi cho việc vào đàn các loại gia cầm. Vì thế, người dân cũng tập trung tái đàn khiến thị trường gà giống khá sôi động. Ngoài các giống gà bản địa (gà ác, gà cỏ) người dân tự nhân đàn bằng ấp truyền thống hoặc lò ấp thì các giống gà mía, gà vàng, gà ri được nhập về từ các công ty uy tín, được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
Chú trọng các giải pháp phòng, chống dịch bệnh
Theo dự báo năm 2024, ngành chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn tăng cao. Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý giống phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương tích cực rà soát, thống kê số lượng, đánh giá cơ cấu đàn gia súc, gia cầm để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt, không theo định hướng, không sát với nhu cầu thị trường. Tích cực hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh sau khi xuất bán gia súc, gia cầm.
Khi lựa chọn con giống, người chăn nuôi cần tìm hiểu các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Để giúp việc tái đàn sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sau Tết Nguyên đán đạt hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố phối hợp với phòng chuyên môn của UBND cấp huyện và UBND cấp xã, phân công cán bộ phụ trách địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tái đàn sản xuất với nội dung: Trước khi tái đàn, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin, dự báo diễn biến thị trường và lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế tránh tư tưởng nóng vội và xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu; đặc biệt đối với các cơ sở đã xảy ra dịch bệnh cần lưu ý không tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, khi tái đàn cần nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau khi ổn định mới tăng tiếp quy mô đàn vật nuôi.
Khi thực hiện tái đàn, về con giống, trước, người dân nên duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng. Đối với những cơ sở, hộ chăn nuôi nhập con giống bên ngoài, cần tìm hiểu các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh, tránh gây thiệt hại khi bước vào vụ chăn nuôi mới. Trong sản xuất và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, theo VietGAP để tăng năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Người chăn nuôi cần chú ý thị trường để tái đàn hợp lí
Hiện nay đang vào giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường, độ ẩm không khí cao là điều kiện để dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan, người chăn nuôi nên chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy những hiện tượng bất thường phải nhanh chóng nuôi nhốt cách ly để kiểm tra, theo dõi, điều trị; đồng thời, báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp phòng, trị bệnh thích hợp và xử lý kịp thời khi có nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định. Bên cạnh đó cần chú trọng thực hiện các biện pháp như cải tạo chuồng trại thông thoáng, tránh gió lùa, mưa dột; sử dụng vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng để phun, khử trùng chuồng trại... Bên cạnh đó, cung cấp thức ăn, nước uống sạch, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng.
Hy vọng rằng với sự chỉ đạo tích cực của cơ quan chuyên môn và việc áp dụng thành công nội dung hướng dẫn tái đàn chăn nuôi từ đó góp phần phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và đưa ngành chăn nuôi tỉnh phát triển bền vững.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…