Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 12 năm 2022 | 13:26

Nông dân trồng quất, mai miền Trung tất bật vào vụ

Vào những ngày cận Tết Nguyên đán này, không chỉ có những vùng trồng quất cảnh ở miền Bắc người trồng hoa, cây cảnh mới tất bật, mà bà con nông dân ở những vựa hoa miền Trung cũng đang hối hả vào vụ thu hoạch. Năm nay bà con trồng hoa, cây cảnh có nơi vui mừng nhưng cũng có nơi người trồng hoa đang như “ngồi trên đống lửa”.

Thủ phủ mai vàng Bình Định, người trồng mai “đứng ngồi không yên”

Do thời tiết thất thường nên nhiều vườn mai tại Bình Định nở sớm, vì thế người trồng mai ở đây đang rất lo lắng.

Nhiều người trồng hoa có thâm niên lâu năm ở đây đều cho rằng, chưa có năm nào mai lại nở rộ nhiều như năm nay.

Hàng ngàn chậu mai tại Bình Định đã bung nở dù còn hơn 1 tháng mới đến Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Nguyễn Tri

Theo ông Đặng Văn Đi (62 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định) các năm trước, có tình trạng mai sau khi lặt lá, gặp nắng khiến hoa bung nở, dẫn đến khan hiếm hoa dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay, còn hơn 1 tháng mới Tết Nguyên đán 2023, mai còn chưa lặt lá mà hoa đã bung nở.

"Vụ mai này, gia đình tôi có khoảng 700 chậu bán nhưng hiện có khoảng 300 chậu đã bung nở. Năm nay, thời tiết quá thất thường, nếu cứ nắng rồi mưa kiểu này thì không cần lặt lá, đến Tết mai cũng nở gần hết", ông Đi chia sẻ.

Trường hợp hoa nở sớm như hiện nay, nhà vườn cũng "hết cách chữa". Ảnh: Nguyễn Tri

Ông Lê Ngọc Lan (47 tuổi, thôn Trung Định) cho hay, nếu cây mai được chăm sóc tốt vào khoảng tháng 8 - 9 âm lịch, "sung" lắm cũng chỉ nở vài ba búp. Vậy mà năm nay, hoa bung nở nhiều vào thời điểm đầu tháng Chạp.

Xã An Nhơn có các thôn Trung Định, Háo Đức, Thanh Liêm người nông dân ở đây đều trồng mai, vào thời điểm này khi qua đây không khó để bắt gặp hình ảnh của những vườn mai đang nở rộ.

Nhiều nhà vườn trồng mai ở đây cho biết, mai đã nở thì không còn cách nào để hãm cho mai nở đúng dịp, vì thế thương lái ít đến xem mai để mua như mọi năm. Với tình hình như thế này khả năng người trồng mai ở đây sẽ thất thu.

 Được mệnh danh là "thủ phủ" mai vàng của miền Trung, nơi đây có hàng ngàn hộ dân trồng mai. Hằng năm ước tính trồng khoảng 2 triệu chậu mai kiểng trên diện tích khoảng 145 ha. Hầu hết các hộ trồng mai chủ yếu ở 2 xã Nhơn An và Nhơn Phong.

Những năm gần đây, doanh thu từ cây mai Tết của thị xã An Nhơn đạt bình quân khoảng 100 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, dịp Tết Nhâm Dần 2022, nghề mai vàng thị xã An Nhơn thu về khoảng 112 tỷ đồng từ việc bán mai kiểng.

Bình Định được mệnh danh là "thủ phủ" mai vàng của miền Trung, hằng năm ước tính trồng khoảng 2 triệu chậu mai kiểng trên diện tích khoảng 145 ha. Ảnh: Nguyễn Tri

Nghề trồng mai góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn. Bước vào vụ Tết, ngoài các lao động trong nhà, chủ vườn còn thuê thêm lao động ở ngoài để lặt lá.

Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn cho biết, do thời tiết năm nay nắng nóng nhiều, nên chu kỳ của mai không đảm bảo, một số cây cũng bắt đầu bung nở. Số lượng mai bung nở sớm là những cây có nụ lớn, lượng nụ nhỏ vẫn còn rất nhiều.

"Với thời tiết hiện tại cũng khó đoán thời gian để lặt lá. Vì vậy, người dân giờ phải dựa vào thời tiết, cũng như kinh nghiệm của mình để xuống lá cho đảm bảo", ông Cư nói thêm.

Vựa Quất miền Trung “cháy hàng”

Hội An không chỉ nổi tiếng là một thương cảng cổ của Đàng Trong bởi nơi đây còn lưu giữ được nhiều kiến trúc có giá trị, bên cạnh đó có nhiều làng nghề trồng cây cảnh, rau màu cung cấp cho thị trường. Không những thế TP Hội An còn là vựa quất cảnh của miền Trung.

Vườn quất cảnh ở Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, quất dần ngả sang màu vàng chín, báo hiệu vụ Tết đang cận kề. 

Hiện, TP Hội An, Quảng Nam có hơn 600 người trồng quất, nhiều nhà vườn đã được thương lái đến đặt hàng nhiều tháng trước. Năm nay, giá quất cảnh tăng 20-30% vì cây giống và chi phí tăng.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, năm nay có hơn 600 hộ dân trồng khoảng 60.000 chậu quất cảnh. TP Hội An là vùng trồng quất cảnh lớn nhất miền Trung.

Nhiều nhà vườn hiện đã chuyển quất từ chậu trồng sang chậu mới để bán lẻ. Chủ các nhà vườn cho biết quất bán sỉ cho những thương lái từ các nơi đã cháy hàng cách đây khoảng một tháng. Hiện chỉ còn số ít quất để bán lẻ cho người địa phương.

Ông Nguyễn Văn Dũng (ở phường Thanh Hà, TP Hội An) trồng 200 chậu quất. Tuy nhiên, do hư hại nên chỉ còn khoảng 150 chậu, ông đã thuê người vận chuyển quất ra mặt tiền đường để bán lẻ.

Giá quất cảnh năm nay tăng 20-30% so với các năm. "Chi phí quất giống mỗi cây đã 300.000 đồng, ngoài ra, chúng tôi chịu chi phí chăm sóc, phân bón, chậu... nên giá năm nay cao hơn. Nếu thương lái từ các nơi đến mua phải đặt cọc trước từ tháng 9, tháng 10 âm lịch", ông Dũng cho hay.

Gia đình có hơn 1.000 chậu quất cảnh của gia đình, ông Nguyễn Dõng cho biết rất vui khi giá quất năm nay tăng cao, thương lái cũng đặt mua từ sớm. Theo Hội nông dân TP Hội An, hiện hàng chục nghìn chậu quất cảnh tại địa phương đã được thương lái đặt mua.

Ông Nguyễn Nhành (58 tuổi, thôn Bàu Ốc, xã Cẩm Hà) đang chăm sóc vườn quất của mình

Còn ông Nguyễn Nhành (58 tuổi, thôn Bàu Ốc, xã Cẩm Hà) hồ hởi khoe, toàn bộ 200 chậu quất với đủ các loại từ nhỏ đến lớn trong khu vườn rộng 1.000m2 của gia đình đã được thương lái đặt cọc từ tháng 11 Âm lịch.

"Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, sâu bệnh ít tàn phá nên quất sinh trưởng, phát triển tốt. Vườn quất nhà tôi đạt năng suất gần như tuyệt đối. Giá một chậu quất nhỏ dao động từ 600-700 nghìn đồng, còn loại lớn tầm 5-6 triệu đồng/chậu. Trừ đi các khoản chi phí như phân bón, vụ quất Tết này, tôi thu lãi trên dưới 200 triệu đồng", ông Nhành nói.

Theo thống kê của UBND xã Cẩm Hà, đến thời điểm hiện tại, 90% quất của hơn 200 hộ nông dân chuyên trồng quất trên địa bàn xã đã được thương lái cọc mua. "Những ngày qua, rất đông thương lái tìm đến Cẩm Hà để chốt số quất còn lại. So với năm ngoái, vụ quất năm nay, giá quất cao hơn khoảng 20-30%", ông Nguyễn Thành Được - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho hay.

Ông Nguyễn Anh - Chủ tịch Hội Nông dân TP Hội An, vụ quất Tết năm nay, toàn thành phố dự kiến xuất bán ra thị trường khoảng 120.000 chậu quất cảnh. Trong đó, xã Cẩm Hà chiếm sản lượng phần lớn và bà con đang rất phấn khởi vì giá quất tăng cao.

Cứ mỗi năm khi Tết đến, Xuân về nhu cầu của người chơi hoa, cây cảnh trên khắp mọi miền của Đất nước tăng cao, do đó nghề trồng hoa, cây cảnh càng ngày càng phát triển, thu nhập của những người nông dân được ổn định và kinh tế phát triển thay đổi từng ngày.

Tuy nhiên, hầu hết việc trồng và chăm sóc các loại hoa và cây cảnh này phần lớn vẫn phải tuân theo các quy luật của thời tiết, nếu “mưa thuận gió hòa” cây và hoa sẽ cho trái ngọt, đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ thu lời lớn cho một năm chăm sóc của mình, còn nếu không người nông dân sẽ thất thu, thậm chí sẽ mất trắng.

Vui vì một số cây cảnh được mùa, nhưng cũng buồn vì một số loại hoa cảnh trưng vào dịp Tết lại nở hoa quá sớm hoặc quá muộn, đây là điều không thể tránh khỏi. Chỉ mong sao người trồng hoa và cây cảnh được “mưa thuận, gió hòa”.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top