Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 11 năm 2022 | 10:45

Sa nhân tím từng là cây làm giàu

Sa nhân từng được ca ngợi là cây thoát nghèo, làm giàu của người dân xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai). Tuy nhiên, những năm gần đây, cây sa nhân liên tục mất giá, nên người dân đã phá bỏ phần lớn diện tích.

Người dân Phìn Ngan làm giàu nhờ cây sa nhân tím

Từng là xã nghèo của huyện Bát Xát, nhưng kể từ khi “bén duyên” với cây sa nhân tím, nhiều hộ ở xã Phìn Ngan đã có thu nhập ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Cây sa nhân tím được trồng nhiều ở xã Phìn Ngan. Ảnh: Báo Lào Cai

Cách đây vài năm, ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Phìn Ngan là xã trồng nhiều sa nhân tím nhất huyện Bát Xát, với khoảng 200 ha, trong đó 150 ha đã cho thu hoạch. Năng suất trung bình của sa nhân tím năm nay khoảng 0,7 tấn quả tươi/ha và giá bán quả tươi từ 150 nghìn đồng/kg trở lên, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân của xã.

Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, ông Tả liền “kéo” tôi đến nhà ông Chảo Láo Khờ, ở thôn Van Hồ của xã. Gia đình ông Khờ trồng gần 4 ha sa nhân tím, trong đó hơn một nửa đã cho thu hoạch, năm nay dự tính thu khoảng 1,5 tấn quả tươi, bán được hơn 200 triệu đồng. Ông Khờ tâm sự: Nhà tôi trồng sa nhân tím đã gần chục năm, năm nay vừa được mùa vừa được giá. Cây sa nhân dễ trồng, dễ chăm sóc. Nhờ cây sa nhân tím mà gia đình tôi đã thoát nghèo, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt.

Ông Chảo Sành Tịnh, thôn Sùng Bang có hơn 3 ha cây sa nhân tím đã cho thu hoạch quả ổn định từ năm 2017. Năm 2019, ông dự tính thu khoảng 2 tấn quả tươi, bán được gần 300 triệu đồng. Ngoài tiền bán quả tươi, gia đình ông Tịnh còn thu được vài chục triệu đồng từ tiền bán cây giống. Theo ông Tịnh, trồng cây sa nhân tím không tốn nhiều công làm cỏ, phun thuốc trừ sâu bệnh như các loại cây khác. Hơn nữa, cây sa nhân tím sinh trưởng và phát triển khá nhanh, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 2 năm, thu hoạch ổn định từ năm thứ 3 trở đi. Sa nhân tím hồi đó là cây trồng hiệu quả nhất trên đất Phìn Ngan, hơn cả thảo quả.

Năm 2019, người dân Phìn Ngan thu gần 20 tỷ đồng từ tiền bán quả và cây giống sa nhân tím. Có thể khẳng định, cây sa nhân tím là cây trồng chủ lực của nông dân xã Phìn Ngan thời điểm này. Cây sa nhân tím được ngành chức năng đánh giá là phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của xã Phìn Ngan. Cây trồng ở độ cao vừa phải, khoảng 1.000 m so với mực nước biển nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi băng, tuyết. Một ưu điểm nữa là cây được trồng dưới tán rừng trồng nên không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng tự nhiên như cây thảo quả. Giá quả sa nhân tươi năm 2019, dao động khoảng 140 - 150 nghìn đồng/kg. Cây sa nhân đã góp phần nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo thôn bản của xã.

Không chỉ ông Khờ, ông Tịnh, mà trên địa bàn xã Phìn Ngan hiện có hơn 100 hộ trồng sa nhân tím, mỗi hộ trồng khoảng 1 - 3 ha, có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ sa nhân, nhiều hộ ở Phìn Ngan đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên trở thành hộ giàu nhờ loại cây này.

Thời hoàng kim đã qua

Trước đây, người dân Phìn Ngan tận dụng tất cả những diện tích đất rừng để trồng cây sa nhân. Cây sa nhân sinh trưởng và phát triển tốt, nên chỉ 2 - 3 năm là cho thu hoạch. Với giá bán có thời điểm cao nhất lên tới 900 nghìn đồng/kg quả khô, 200 nghìn đồng/kg quả tươi đã giúp nhiều hộ ở Phìn Ngan thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu chỉ trong một vài năm. Ông Tẩn Xành Tịnh, thôn Sùng Bang, xã Phìn Ngan cho biết: Thời điểm cao nhất gia đình tôi trồng 5 ha cây sa nhân. Những năm được mùa, được giá, cây sa nhân mang lại cho gia đình tôi khoảng 500 triệu đồng.

Người dân phơi quả sa nhân. Ảnh: Báo Lào Cai

Cây sa nhân rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc mà vẫn cho giá trị kinh tế cao, nên chỉ trong thời gian ngắn, xã Phìn Ngan đã có gần 400 ha, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Sùng Bang, Suối Chải, Lò Suối Tủng. Không chỉ có sản lượng quả lớn nhất tỉnh, Phìn Ngan còn trở thành thủ phủ phân phối cây sa nhân giống cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ông Tẩn A San, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phìn Ngan cho biết: Những năm trước, nhà nào ở Phìn Ngan cũng trồng sa nhân, ít thì vài nghìn m2, nhiều lên tới gần chục ha. Vào mùa thu hoạch sa nhân, thương lái đến tận nương thu mua quả tươi với giá cao.

Thời kỳ cao điểm, gia đình ông Chuẩn Duần Pẩu, thôn Sùng Bang có hơn 3 ha sa nhân đến tuổi cho thu hoạch. Năm được mùa, được giá, ông thu gần 300 triệu đồng từ bán quả sa nhân. Ông Pẩu cho biết: Trước khi có cây sa nhân, người dân chúng tôi chỉ trồng ngô, lúa, quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, không khá lên được. Từ khi trồng cây sa nhân, cuộc sống người dân được cải thiện, xây nhà cửa, mua sắm các thiết bị phục vụ sinh hoạt.

Tưởng rằng với lợi thế về thổ nhưỡng, thời tiết, cây sa nhân sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững của người dân Phìn Ngan. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, 3 năm trở lại đây, cây sa nhân khiến người dân Phìn Ngan thất vọng vì phần lớn diện tích bị thoái hóa, chậm phát triển, cho năng suất thấp. Đặc biệt, giá bán sa nhân “tuột dốc không phanh”, hiện ở mức trên dưới 30 nghìn đồng/kg quả tươi, 200 nghìn đồng/kg quả khô. “Vụ sa nhân năm 2022, gia đình tôi chỉ còn khoảng 3 ha, cho sản lượng khoảng 1 tấn quả tươi, bán được gần 40 triệu đồng. Đây là mức thu nhập thấp nhất từ khi trồng cây sa nhân đến nay. Nếu cứ tiếp đà này, trong thời gian tới gia đình tôi sẽ phá bỏ hầu hết diện tích cây sa nhân để chuyển sang trồng cây quế”, ông Tịnh cho biết thêm.

Được biết, thị trường tiêu thụ quả sa nhân chủ yếu là bên nước bạn Trung Quốc. 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ quả sa nhân gặp rất nhiều khó khăn, giá bán giảm mạnh. Trước đây, người dân thu hoạch sa nhân đến đâu, thương lái vào tận nơi thu mua đến đó, không phân biệt quả xấu hay đẹp, nhưng nay ngược lại. Nhiều thương lái vào thu mua sa nhân còn chê chất lượng quả thấp để ép giá người dân. Hiện xã Phìn Ngan chỉ còn khoảng 180 ha cây sa nhân, tổng sản lượng năm 2022 ước đạt khoảng 10 tấn quả tươi, giảm hơn 50% so với năm 2021.

Cây sa nhân liên tục mất mùa, mất giá khiến người dân xã Phìn Ngan gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để người dân Phìn Ngan chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Từ năm 2020 đến nay, người dân xã Phìn Ngan đã phá bỏ hơn 200 ha sa nhân để chuyển sang trồng quế. Quế là cây trồng đa dụng, mang lại thu nhập cao cho người dân; chính vì thế, xã Phìn Ngan đang khuyến khích người dân chuyển đổi dần diện tích sang trồng quế để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cần có phương án quản lý vùng trồng sa nhân tím

Mặc dù Lào Cai có điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích cây sa nhân tím nhưng đây là loại cây trồng gây hại đến rừng tự nhiên, đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và giá cả bấp bênh… nên các địa phương cần có phương án quản lý phù hợp.

Cách đây gần chục năm, gia đình ông Chảo Díu Kiêm (thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát) đầu tư hơn chục triệu đồng mua giống, phân bón để trồng gần 1 ha sa nhân tím. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, chưa đầy 2 năm, diện tích cây sa nhân tím của gia đình ông đã phát triển lên gần 3 ha. Ông Kiêm cho biết, cây sa nhân tím dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, được canh tác dưới tán rừng trồng, rừng tự nhiên và nương trồng ngô kém hiệu quả. Những năm được mùa, được giá, cây sa nhân tím đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông.

Cây sa nhân tím ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng. Ảnh: Báo Lào Cai

Xã Phìn Ngan có khoảng 180 ha sa nhân tím, trong đó 160 ha đã cho thu hoạch. Ông Tẩn A San, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phìn Ngan cho biết: Trước đây, cây sa nhân tím được giá nên người dân liên tục mở rộng diện tích. Nhiều gia đình ở xã Phìn Ngan đã thoát nghèo, có của ăn của để nhờ cây sa nhân tím. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá bán giảm mạnh, hiện còn khoảng 60 nghìn đồng/kg quả tươi nên người dân không còn mặn mà với loại cây này. Diện tích cây sa nhân tím trên địa bàn xã Phìn Ngan những năm qua cơ bản giữ nguyên và người dân đã phá bỏ một số diện tích kém hiệu quả để canh tác những cây trồng khác.

Huyện Bát Xát hiện có khoảng 308 ha sa nhân tím, tập trung chủ yếu ở các xã Phìn Ngan, Bản Qua, Mường Vi, Tòng Sành… với 734 hộ trồng. Phần lớn diện tích được trồng dưới tán rừng tự nhiên. Huyện đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích cây sa nhân tím.

Mường Khương là địa phương có diện tích cây sa nhân tím lớn nhất tỉnh (khoảng 1.367 ha), trong đó có khoảng 838 ha đã cho thu hoạch. Cây sa nhân tím được trồng nhiều ở các xã: Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Thanh Bình và thị trấn Mường Khương. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Khương cho biết, những năm qua, nhiều diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả được người dân trong huyện chuyển đổi sang trồng cây sa nhân tím. Những năm được mùa và được giá, 1 ha cây sa nhân tím đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho người trồng. Tuy nhiên, do đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giá bấp bênh nên địa phương không khuyến khích người dân mở rộng diện tích. “Huyện Mường Khương hiện đã có quy hoạch vùng trồng cây sa nhân tím, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến rừng, vừa giúp người dân phát triển kinh tế. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương sẽ phối hợp với các cấp, ngành tìm kiếm đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm bao tiêu sản phẩm sa nhân tím cho người dân”, ông Hoa nói.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.100 ha sa nhân tím, tập trung ở các huyện Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Trước đây, giá trị của quả sa nhân tím rất cao, thường ở mức 150 - 250 nghìn đồng/kg quả khô, thậm chí có thời điểm đạt gần 300 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, hàng nghìn hộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các thôn, bản vùng cao đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, giàu. 3 năm gần đây, giá sa nhân tím rất thấp (khoảng 50 - 60 nghìn đồng/kg), trong khi thời tiết cực đoan, thường xuất hiện băng tuyết dẫn đến năng suất sa nhân tím giảm đáng kể, nhiều hộ đã không còn mặn mà.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Cây sa nhân tím nếu trồng dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của rừng. Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động để người dân không mở rộng diện tích; kiên quyết phá bỏ diện tích cây sa nhân tím trồng mới dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

Cũng như cây thảo quả, cây sa nhân tím có tốc độ phát triển rất nhanh, chỉ cần trồng một diện tích nhỏ, sau thời gian ngắn có thể lan rộng lên hàng hecta. Để cây sa nhân tím không còn trồng dưới tán rừng trồng và rừng phòng hộ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; thường xuyên tuần tra, kiểm soát để phát hiện cây sa nhân trồng mới dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nhằm kịp thời xử lý; tạo sinh kế để người dân sinh sống gần khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ có thu nhập bền vững.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top