Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 4 năm 2022 | 7:57

Sản phẩm OCOP lên “sàn” - tín hiệu mới trong chuyển đổi số ở Thái Bình

Thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế trong lĩnh vực bán lẻ, đây cũng là xu thế phát triển của thương mại hiện đại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử là một trong những mục tiêu số hóa nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình trong thời gian tới.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP của Thái Bình đã được đăng bán trên sàn thương mại điện tử voso.vn của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel.

 

Từ lâu, nhắc đến bánh cáy làng Nguyễn là nhắc đến Thái Bình. Phát huy lợi thế của thương hiệu truyền thống cùng sự nhạy bén trong cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, bánh cáy mang nhãn hiệu Thiên Đức của cơ sở sản xuất bánh kẹo Thiên Đức, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020. Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng, cơ sở chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, ngoài hệ thống cửa hàng phân phối ở trong và ngoài tỉnh, cơ sở còn đẩy mạnh bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội và đưa sản phẩm bánh cáy Thiên Đức lên sàn thương mại điện tử. Anh Trần Văn Đông, cơ sở sản xuất bánh kẹo Thiên Đức cho biết: Sự phát triển của internet đã mở ra nhiều cơ hội cho mọi người kinh doanh online, đặc biệt qua các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống như đại lý, siêu thị, cửa hàng phân phối, cơ sở chú trọng quảng bá sản phẩm trực tuyến qua website, zalo, facebook và các sàn thương mại điện tử có đông lượng tương tác. Đơn cử như qua googlemap, lượng người biết đến địa điểm tăng 100% trong tháng đầu và duy trì ổn định 10% vào những tháng sau. Các mối bán buôn, bán lẻ trên các nền tảng như shopee, sendo... cũng tăng dần, doanh thu ngày một ổn định hơn.

Được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh là “tấm vé” mở ra nhiều cơ hội trong tiêu thụ đối với sản phẩm bánh đa Quỳnh Côi của cơ sở sản xuất Hoàng Phó Nam, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ). Chứng nhận sản phẩm OCOP cũng giúp anh Nam dễ dàng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Anh cho biết: Không chỉ được miễn phí thuê gian hàng, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, chúng tôi còn được hỗ trợ truyền thông, quảng bá nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng. Thay vì mang ra chợ, bán cho thương lái..., hiện nay tôi chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet là có thể đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Sàn thương mại điện tử được hiểu là hình thức bán hàng trên internet, bán hàng online. Để cung cấp sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, đơn vị sản xuất chỉ cần có giấy chứng nhận, đăng ký sản phẩm; số tài khoản ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên quan đến sản phẩm như hình ảnh, giá bán... Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 17 sản phẩm được công nhận 4 sao và có 47 sản phẩm của 32 chủ thể đăng ký tham gia OCOP năm 2021 đã được Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm điểm, dự kiến có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Cùng với việc hỗ trợ các chủ thể trong việc chuẩn hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu, tem mác, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, trong đó có việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart.vn...

Bà Đào Thị Phú, Phó Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Bình cho biết: Sàn thương mại điện tử voso.vn của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel ra đời với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Việt Nam đến tay người tiêu dùng không qua trung gian và không bị ép giá. Đến nay chúng tôi đã tiếp xúc trực tiếp với các hộ sản xuất, kinh doanh thông qua danh sách do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan phối hợp cung cấp. Hiện đã có trên 400 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh lên sàn thương mại điện tử, trong đó có 15/17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận năm 2020 tham gia sàn voso.vn. Thực hiện kế hoạch số hóa nông nghiệp của tỉnh, thời gian tới, Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Bình sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo tập trung, online cho các hộ về việc triển khai bán hàng trên sàn, trong đó tập trung vào cách chụp ảnh đưa sản phẩm lên sàn; viết bài, thông tin sản phẩm; đóng gói; cách giao nhận hàng...

2.jpg
Bánh cáy Thiên Đức được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020.

 

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá trong giai đoạn dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng gặp không ít khó khăn vì đây là phương thức bán hàng mới với nhiều hộ sản xuất, HTX.

Do vậy, để việc tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử tiếp tục mang lại hiệu quả, thời gian tới, cơ quan chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết để đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, nâng cao ý thức của chủ thể trong sản xuất nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng đã cam kết với các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, cần tiếp tục kết nối, tăng số lượng các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Trước mắt, tăng cường đưa hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn...

 

Ngân Huyền - Mạnh Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top