Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 8 năm 2023 | 14:55

Sớm có giải pháp để muối đáp ứng ngành công nghiệp

Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, Việt Nam có đường bờ biển dài nhưng diện tích làm muối đang giảm dần qua từng năm. Diêm dân cố giữ nghề nhưng khó sống bằng nghề.

Đồng muối bỏ hoang

Bà Nguyễn Thị Châu (53 tuổi, trú tại thôn 6, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) - một trong ít hộ còn lại ở xã Đỉnh Bàn đang đeo bám nghề làm muối truyền thống của địa phương trên cánh đồng muối bạt ngàn phần lớn đã bỏ hoang - chia sẻ, nghề muối vất vả, hàng ngày phải phơi mình giữa nắng nóng nhưng thu nhập thấp nên nhiều diêm dân ở đây đã bỏ nghề.

Diêm dân sản xuất muối trên cánh đồng muối thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn

“Mỗi ngày tôi làm được khoảng 2 tạ muối, bán được 400.000 đồng. Với mức này cũng tương đương người đi phụ hồ hoặc làm thuê, làm mướn ở thành phố nhưng làm muối vất vả hơn, phải dầm mình cả ngày giữa nắng nóng, nếu sức khỏe yếu khó mà trụ được” - bà Châu chia sẻ.

Ông Trần Văn Phượng (58 tuổi, trú thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn) cũng than phiền nghề làm muối vất vả quá mà thu nhập thấp, nên đã ở cái tuổi này, ông chẳng muốn theo nghề nữa.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, nghề muối tại Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn như thời gian sản xuất muối trong năm ngắn, mỗi vụ khoảng 3-4 tháng. Thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh, thu nhập từ 60.000-80.000 đồng/người/ngày, không đủ ăn phải làm thêm nhiều nghề khác.

Ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn - cho hay, hiện diện tích đất muối của xã làm 49ha nhưng chỉ có 28 hộ đang sản xuất muối với diện tích 38 sào (gần 2ha), còn phần lớn đang bỏ hoang.

Ông Tùng tính toán, mỗi sào muối một ngày cho khoảng 2 tạ muối, bán giá 250.000 đồng/tạ thu được 500.000 đồng. Một vụ muối vào hè thường cho khoảng gần 100 ngày nắng để sản xuất muối.

Ông Trương Bá Khanh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) - cho biết, toàn xã Hộ Độ hiện chỉ có 2,5ha đất ruộng muối đang được người dân duy trì sản xuất muối trong tổng số 30ha đất làm muối. Hiện phần lớn đất ruộng muối của xã đang bỏ hoang.

Cũng theo ông Khanh, có thời kỳ cao điểm, toàn xã Hộ Độ có đến 120ha sản xuất muối. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề muối vất vả mà thu nhập bấp bênh, đầu ra khó khăn nên nhiều người dân bỏ nghề đi làm thuê, làm mướn, làm công nhân, làm thợ xây và đi xuất khẩu lao động.

Do đó, này xã Hộ Độ chỉ quy hoạch 30ha làm muối, còn lại quy hoạch nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi một phần sang đất kinh doanh thương mại dịch vụ.

Nhiều giải pháp để “cứu” nghề muối

Ngày 22/8, một lãnh đạo Chi cục Phát triển Nông thôn thuộc Sở NNPTNT Hà Tĩnh - cho hay, sau khi có Quyết định số 1325 ngày 31.8.2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 tại văn bản số 458 ngày 23.11.2022. Tổ chức cho diêm dân trao đổi học hỏi kinh nghiệm, các mô hình sản xuất muối trên địa bàn và các tỉnh bạn.

Vị lãnh đạo Chi cục PTNT Hà Tĩnh chia sẻ, năm 2022 toàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ sản xuất 40,6ha chủ yếu ở xã Thạch Châu, xã Hộ Độ huyện Lộc Hà; xã Đỉnh Bàn huyện Thạch Hà; xã Cẩm Nhượng, thị trấn Thiên Cầm huyện Cẩm Xuyên và xã Kỳ Hà thị xã Kỳ Anh. Sản lượng 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.700 tấn.

Trong khi đó, diện tích theo quy hoạch sử dụng đất của các địa phương có sản xuất muối (Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và thị xã Kỳ Anh) đến năm 2030 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là 173,6ha.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục rà soát diện tích đất sản xuất muối, quy hoạch các đồng muối, hệ thống kho chứa muối, những vùng đất làm muối có năng suất, chất lượng cao phải được bảo vệ và ưu tiên cho việc sản xuất muối.

Đồng thời xây dựng đề án chuyển đổi những đồng muối không có hiệu quả và khả năng cạnh tranh thấp sang phát triển ngành nghề khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Về nơi có diện tích muối lớn nhất nước

Huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có diện tích muối 1.280ha, được xem là lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Thanh Tuấn cho biết, năm 2020 khi được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm muối được Trung ương và tỉnh rất quan tâm và hỗ trợ cho huyện tổng kinh phí 130 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng muối chất lượng cao, sản xuất muối theo cách cơ giới hóa và sản xuất hiện đại như trải bạt.

Thu hoạch muối tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Theo anh Nguyễn Thanh Tuấn, diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải: “Năm nào mưa nhiều, muối ít, giá tăng. Ngược lại nắng to, muối nhiều giá hạ. Ở đây khi mùa mưa, người dân lấy đất muối nuôi cá kèo, nuôi tôm. Đến mùa nắng mới làm muối”.

Ông Nguyễn Hồng Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Diêm nghiệp Huy Điền xã Điền Hải, huyện Đông Hải - cho hay, sản lượng muối Bạc Liêu rất nhiều, chất lượng rất tốt, nhưng chỉ chế biến muối ăn nên giá trị chưa được cao. HTX đã xây dựng thương hiệu, nhằm đưa hạt muối Bạc Liêu ra các thị trường khác để diêm dân khá hơn.

Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có hơn 3.000ha sản xuất, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm thì đến năm 2022 chỉ còn 1.411ha. Tình trạng này là do việc sản xuất muối không mang lại hiệu quả kinh tế.

Những cánh đồng muối hẹp dần

Số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, diện tích sản xuất muối tại Việt Nam liên tục giảm qua từng năm: năm 2017 đạt 13.158 hécta; đến năm 2022 chỉ còn 11.009 hécta.

Hiện nay 19 tỉnh có sản xuất muối phê duyệt còn hơn 8.200 hécta. Những tỉnh có diện tích muối giảm nhiều nhất là Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bạc Liêu.

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - cho biết, theo Quyết định số 1325/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 hécta. Đến năm 2030 tổng diện tích sản xuất muối 14.244 hécta với sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm.

"Làm thế nào để "giữ" diện tích sản xuất muối, để diêm dân sống được bằng nghề, sản xuất đủ muối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước để không phải nhập khẩu?", trả lời câu hỏi này, ông Lê Đức Thịnh thông tin, Việt Nam có nhu cầu sử dụng 1,5 - 1,6 triệu tấn muối và phải nhập khẩu 600.000 tấn muối. Có điều số lượng muối nhập khẩu là muối công nghiệp, khi nhập về có giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn cả muối trong nước sản xuất.

Lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thừa nhận, sản xuất muối thủ công trong nước hiện nay, bà con nông dân rất khó khăn để cạnh tranh với các nước khác.

"Nước ta sản xuất 60 - 80 tấn/hécta muối thủ công, nhưng nước ngoài là 200 tấn/hécta. Vì vậy giá thành rất rẻ, nhưng muối đó dùng cho công nghiệp"- ông Thịnh nói.

Về giải pháp lâu dài, để giúp bà con diêm dân sống được bằng nghề, đại diện Bộ NNPTNT cho biết, hiện bộ đang nghiên cứu có giải pháp công nghệ để muối đáp ứng ngành công nghiệp và có giá trị hơn.

Đồng thời chuyển đổi từ tư duy sản xuất muối sang tư duy xây dựng nền kinh tế muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.

Theo laodong.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top