Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 4 năm 2023 | 10:41

Sơn La: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, tiêu thụ trái cây

Còn hơn một tháng nữa, nông dân Sơn La sẽ bước vào chính vụ thu hoạch các loại trái cây chủ lực, như xoài, nhãn, mận hậu... Hiện, các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tập trung kết nối, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá bằng nhiều hình thức để tiêu thụ nông sản cho người sản xuất.

Chăm sóc nhãn thời kỳ đậu quả

Tháng 4, những diện tích nhãn chính vụ ở Sông Mã bắt đầu vào thời kỳ đậu quả non. Để tăng khả năng đậu quả, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu, huyện đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn cùng các xã, thị trấn, tập trung chăm sóc, cắt tỉa cành, bón phân và tưới nước; quản lý vùng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Chiềng Cang chăm sóc nhãn.

Vườn nhãn hơn 10 năm tuổi của anh Lò Văn Châm, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong đang được chăm sóc theo quy trình VietGAP. Anh Châm chia sẻ: Năm nay, thời tiết ít mưa nên tôi phải thường xuyên tưới nước đảm bảo độ ẩm cho cây. Vào thời điểm cây ra hoa đến đậu quả non thường hay bị mắc bệnh sương mai, thán thư và sâu đục cuống quả. Bệnh lan truyền nhanh, phát triển mạnh nhất là khi có mưa phùn, độ ẩm không khí cao, trời âm u, chúng tôi tổ chức phun thuốc định kỳ 1 lần/tháng.

Cũng như anh Châm, hiện nay, thành viên và các hộ tham gia liên kết sản xuất ở HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, cũng đang tích cực triển khai các biện pháp chăm sóc 90 ha nhãn, trong đó, 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã được cấp 10 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Úc, Trung Quốc, EU. HTX đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi khắt khe, nhưng cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả đều, đẹp, năng suất và chất lượng quả ngon hơn so với trồng theo phương pháp truyền thống; giá bán cao hơn.

Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Hữu Dậu, bản Anh Chung, xã Chiềng Cang tích cực thăm vườn, chăm sóc hơn 5 ha nhãn. Theo ông Dậu, chăm sóc nhãn là việc quanh năm, nhưng khi thời kỳ ra hoa, đậu quả cần được chú ý hơn. Để nhãn cho năng suất cao, cần kết hợp kinh nghiệm truyền thống với kỹ thuật chăm sóc hiện đại, nhất là việc đảm bảo dinh dưỡng cho cây.

Theo chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm bón của các HTX, hộ dân, ở giai đoạn nhãn đậu quả non tùy theo khả năng sinh trưởng, phát triển của cây để xác định lượng quả cần để lại cho hợp lý. Do vậy, công đoạn cắt tỉa là rất quan trọng. Theo đó, việc cắt tỉa đợt 1 được tiến hành khi đậu quả non và giai đoạn 2 khi quả nhãn to bằng đầu đũa. Có như vậy, cây mới tập trung dinh dưỡng nuôi quả, cho quả to đều, mã đẹp, cùi dày và nước ngọt sắc...

Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Phòng đã hướng dẫn HTX, hộ dân quy trình chăm sóc nhãn từ khi ra hoa đến thu hoạch, bảo quản. Khuyến cáo bà con chủ động nắm bắt diễn biến thời tiết để có biện pháp xử lý sâu bệnh kịp thời, tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Đồng thời, tuyên truyền người trồng nhãn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiêm cấm sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc.

HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương, có 46 ha nhãn được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, 10 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Úc, Trung Quốc. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX, thông tin: Căn cứ vào hiện trạng sinh trưởng của cây, sản lượng quả cho thu hoạch năm, các thành viên sẽ chú ý đến việc lựa chọn phân bón. Ngay từ đầu tháng 4, HTX đã chỉ đạo các thành viên đồng loạt tiến hành cắt tỉa cành; đồng thời sử dụng phân bón hữu cơ từ đỗ tương ngâm và chất thải động vật ủ hoai mục để bón cho nhãn.

Là vùng trọng điểm nhãn của tỉnh, huyện Sông Mã có trên 7.500 ha nhãn, trong đó hơn 452 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand. Xây dựng vùng sản xuất an toàn, chất lượng, hiệu quả cao, huyện Sông Mã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền người trồng nhãn thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiêm cấm sử dụng chất kích thích, chất cấm.

Đồng thời, huyện chỉ đạo cơ quan liên quan, các xã tiếp tục rà soát diện tích sản xuất các loại cây ăn quả đủ tiêu chuẩn để đề nghị cấp chứng nhận VietGAP theo quy định, phấn đấu năm nay, nâng diện tích được chứng nhận VietGAP của huyện lên 1.500 ha; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Chiềng Khương, từng bước mở rộng diện tích ra các xã khác trên địa bàn... Với sự chủ động của HTX, của hộ dân, vụ nhãn 2023 ở huyện sẽ cho năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn.

Xây dựng "thương hiệu" sản phẩm nông sản

Sơn La có nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương, nhất là các sản phẩm từ nông nghiệp. Việc xây dựng, quản lý và phát triển "thương hiệu" sản phẩm nông sản ngày càng được các cấp, các ngành, địa phương và người sản xuất quan tâm. Đây được xem giải pháp quan trọng tạo chỗ đứng cho sản phẩm hàng hoá trên thị trường và niềm tin của người tiêu dùng.

Sản phẩm xoài tròn Yên Châu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Đặc sản xoài tròn nổi tiếng ở huyện Yên Châu, là giống xoài bản địa, được người dân trồng từ lâu với đặc điểm quả nhỏ, tròn, khi chín thịt xoài có màu vàng cam, vị ngọt đậm, thơm. Hiện nay, huyện Yên Châu có gần 600 ha xoài tròn, sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm. Với sự giúp đỡ của các sở, ngành và những nỗ lực của chính quyền địa phương, năm 2012, xoài tròn Yên Châu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu” với diện tích xoài trồng ở 3 xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt. Chính thức tháng 7/2020, sản phẩm xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu. Nhờ "thương hiệu" mà thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập cho các hộ trồng xoài được nâng cao.

Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc Xuân Tiến, xã Sặp Vạt cho biết: HTX có 60 ha xoài tròn, 100% diện tích nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý. Từ khi đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu”, sản phẩm xoài tròn tạo thương hiệu riêng và nâng tầm giá trị, nhờ đó giá bán cao hơn trước và được thị trường ưa chuộng. Mở rộng sản xuất, HTX đã thử nghiệm sản xuất thành công sản phẩm “Xoài sấy dẻo” từ quả xoài tròn, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, quả tươi và sản phẩm xoài sấy dẻo được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh và điểm du lịch trong cả nước, doanh thu hàng năm tăng từ 25-30%.

Khác với Yên Châu, huyện Thuận Châu có lợi thế phát triển cây chè. Năm 2018, sản phẩm chè của huyện Thuận Châu được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, đây là động lực để bà con mở rộng diện tích, phát triển vùng chè nguyên liệu lên gần 800 ha. Không chỉ tạo nguồn thu cho gần 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè, giúp địa phương giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, nâng cao đời sống người dân.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, chia sẻ: Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu giúp sản phẩm chè Phổng Lái nói chung và sản phẩm chè của HTX nói riêng khẳng định "thương hiệu" và uy tín trên thị trường. Năm 2019, HTX xây dựng thành thương hiệu “Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu”, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm vinh dự tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Tiếp tục giữ vững thương hiệu, HTX đẩy mạnh hướng dẫn hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng mới và thâm canh các giống chè chất lượng cao; sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trung bình, HTX bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi/năm cho bà con; sản xuất 600 tấn chè khô cung cấp thị trường trong nước; xuất khẩu sang Đài Loan.

Nhận thấy, điểm chung các sản phẩm sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, văn bằng bảo hộ, chất lượng sản phẩm nâng lên, diện tích canh tác mở rộng, sản lượng tiêu thụ tăng cao, tăng thu nhập cho người sản xuất; thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm. Việc xây dựng "thương hiệu" cho sản phẩm đã thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp, HTX; gắn kết với chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Kết nối, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu nông sản

Gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê của huyện Mai Sơn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 84.784 ha cây ăn quả, sản lượng quả năm 2023 ước đạt gần 451.780 tấn, tăng 28% so với năm 2022; có 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương; 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; 83 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Nhằm đưa sản phẩm trái cây Sơn La chinh phục được các thị trường: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Nga, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông và Asean chấp nhận, việc đầu tiên là phải cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất và quản lý tốt mã số vùng trồng, quản lý và sử dụng có hiệu quả thương hiệu sản phẩm.

Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử được quan tâm, chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp và cách làm mới, góp phần hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu, kết nối thêm nhiều bạn hàng. Đến nay, sản phẩm nông sản của tỉnh đã giới thiệu và xuất khẩu sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ.

Để hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa; thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ngày 7/3/2022, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La năm 2023.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành đã triển khai công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử và xuất khẩu hàng hóa, kế hoạch tập huấn về thương mại điện tử năm 2023 để định hướng tổ chức triển khai thực hiện. Trong quý I, phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương, địa phương, kết nối với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại và doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh: Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Đầu tháng 4, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức chuỗi hội nghị tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp sản xuất, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn Thành phố và huyện Yên Châu về quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trên nền tảng Tiktok trực tiếp tại vườn.

Là một trong những học viên tham gia lớp tập huấn, ông Lê Đình Hiệp, Phó Giám đốc HTX nông sản Sơn La, tại thành phố Sơn La, chia sẻ: HTX trồng 12 ha rau các loại tại huyện Mai Sơn, Mộc Châu. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với các HTX, hộ sản xuất các loại nông sản sạch trên địa bàn tỉnh để bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả. Tham gia lớp tập huấn, giúp chúng tôi hiểu về thương mại điện tử, nhất là tính năng bán hàng trên Tiktok, giúp kết nối khách hàng trên toàn quốc và cả nước ngoài. HTX đang có kế hoạch đào tạo các thành viên HTX về kỹ năng bán hàng online bằng việc quay các video clip giới thiệu quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, đóng gói, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản để đưa tới khách hàng những hình ảnh chân thực nhất về sản phẩm.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố đã xây dựng ban hành kế hoạch tổ chức và tham gia sự kiện xúc tiến thương mại năm 2023. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia các chương trình, sự kiện. Cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX quản lý sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP tham gia chuỗi sự kiện, đủ điều kiện đưa vào các siêu thị và xuất khẩu.

Hiện nay, trên website của tỉnh, Sở Công Thương và các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các cơ quan báo, đài của tỉnh đã mở các chuyên mục, cửa sổ để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của địa phương thông qua các video, hình ảnh, bài viết giới thiệu các sản phẩm nông sản của Sơn La. Trong đó, tập trung vào sản phẩm nông sản chủ lực, như xoài, nhãn, mận hậu, cà phê, chè…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với Bưu điện tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và UBND các huyện, thành phố lựa chọn các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản tham gia hội chợ triển lãm trực tuyến tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử PostMart. Các huyện, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các hộ dân thực hiện livestream bán hàng trực tuyến tại vườn, hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Trong kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023, Sơn La dự kiến tổ chức chuỗi các hoạt động xúc tiến, quảng bá nông sản. Trong đó, đặc biệt là Tuần lễ thương mại, nông sản, du lịch, đầu tư tỉnh Sơn La triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại phố đi bộ thành phố Hà Nội với chủ đề “Sơn La trong lòng Hà Nội”.

Tại thị trường nước ngoài, Sơn La sẽ tổ chức Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2023; tham gia Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 (CAEXPO 2023); tham gia “Hội chợ trà, cà phê, rượu, công nghiệp thực phẩm quốc tế Đài Bắc 2023; tham gia Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar 2023, Hội chợ triển lãm thực phẩm quốc tế Seoul 2023; tham gia đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại Vương quốc Anh, Đức và Ý; tham gia đoàn giao dịch thương mại chuyên ngành nông sản tại Hà Lan...

 

V.N (tổng hợp)/baosonla.org.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top