Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 12 năm 2022 | 10:0

Tận dụng tốt lợi thế từ các FTA: Cùng phải thay đổi

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT được Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu nông sản đạt 50 tỷ USD. Hết tháng 11, xuất khẩu nông sản chạm mốc 49 tỷ USD.

Năm 2022 đang đi đến những thời khắc cuối cùng. Tuy là năm xảy ra những biến động khó dự báo nhưng với những định hướng có tầm nhìn xa, sự chủ động ứng phó với “vạn biến” tình hình của Đảng, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, sát thực tế của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương, sự đồng thuận, nỗ lực và sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất, chúng ta vừa hạn chế được nhiều rủi ro, vừa khơi thông không ít cơ hội, nhất là khai thác những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) để đạt những kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 8,0% (chỉ tiêu 6-6,5%), đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu, tổng kim ngạch xuất -nhập khẩu đạt trên 700 tỷ USD... Đóng góp vào kết quả đó, kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn đã khẳng định vị trí nền tảng quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân,...

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT được Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu nông sản đạt 50 tỷ USD. Đến hết tháng 11 năm 2022, xuất khẩu nông sản chạm mốc 49 tỷ USD. Nếu tiếp tục duy trì được đà xuất khẩu trong tháng cuối cùng của năm thì khả năng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả năm 2022 ước đạt 53 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao và vượt kỷ lục được lập năm 2021 (48,6 tỷ USD).

Ngành hàng trái cây vùng ĐBSCL có tiềm năng to lớn, mỗi năm xuất khẩu đã mang về giá trị tỷ USD cho Việt Nam.

Đi cùng kỷ lục mới của ngành, lần đầu thủy sản chạm mốc 10 tỷ USD, trong đó cá tra cán mốc 2,4 tỷ USD, trở thành “tân binh tỷ đô”. Xuất siêu nông sản 11 tháng đạt 7,82 tỷ USD, cũng là một kỷ lục mới. Không chỉ mở rộng thị trường, tăng giá trị kim ngạch, giá trị xuất siêu mà 2022 còn là “năm thắng lớn” của ngành Nông nghiệp, khi những quốc gia - thị trường lớn của nông sản Việt như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zaeland,… cho phép nhiều nông sản Việt Nam được vào đường chính gạch. Đây là cơ hội để chúng ta tổ chức lại sản xuất ngành kinh tế trụ cột và tiếp tục tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn những ưu đãi của các FTA, nhất là những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP... thì số lượng hàng hoá xuất khẩu và giá trị kim ngạch còn cao hơn nhiều. Và nếu sản phẩm nông sản đa dạng hơn, bảo quản tươi tốt hơn, chế biến sâu hơn, quảng bá hiệu quả hơn, tiếp cận thị trường phù hợp hơn, chi phí logistícs thấp hơn thì số lượng nông sản, số lượng mặt hàng sẽ nhiều hơn, giá trị xuất siêu nông sản cũng sẽ cao hơn nhiều.

Nói về những hạn chế trong khai thác các FTA, Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên” của Đoàn giám sát (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nêu rõ: Hàng hóa của Việt Nam chưa tận dụng được những ưu đãi về thuế, cơ cấu hàng hóa xuất - nhập khẩu chưa hợp lý khi các loại hàng hóa xuất khẩu thường có giá trị thấp so với hàng hóa nhập khẩu. Số doanh nghiệp hiểu kỹ và rõ những cam kết và cách thức áp dụng các FTA còn ít. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng nắm bắt, vận dụng các quy định khi triển khai, nhất là tận dụng ưu đãi thuế quan. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau cũng như giữa bộ máy nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp còn manh mún, chưa rõ ràng. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế; thiếu định vị thương hiệu tại thị trường…

Qua thực tế có thể khẳng định, nếu khai thác tốt những lợi thế về điều kiện tự nhiên trên cơ sở chuỗi liên kết ngành hàng đồng bộ và tận dụng được những ưu đãi về thuế quan của các FTA, xuất khẩu năm 2023 nói chung, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, trái cây nói riêng sẽ tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nền kinh tế toàn cầu mới đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất một cách có trách nhiệm, đặc biệt là trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải để giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Thêm nữa, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều quy định phi thuế quan (hàng rào về kỹ thuật và hành chính) ngặt nghèo hơn từ các thị trường, nhất là các FTA thế hệ mới. Đáng chú ý là việc siết chặt các vấn đề về môi trường/khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Xu hướng này được nhận định sẽ tác động lớn đến xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong thời gian tới.

Để tận dụng những ưu đãi từ các FTA, doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh về chất lượng và tạo được chỗ đứng tại thị trường. Đó chính là việc đầu tư đúng mức cho chất lượng và thương hiệu. Người sản xuất được hướng dẫn và phải tuân thủ nghiêm túc về xây dựng mã số vùng trồng, quy trình canh tác, nhất là bảo quản sau thu hoạch…

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần đẩy mạnh thực thi chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia cho rằng, trước đây “bền vững” và “xanh hóa” chỉ là xu hướng dành cho thị trường cao cấp, thì nay đã trở thành yêu cầu tất yếu của rất nhiều quốc gia. 

Để làm tốt những việc đó, cần sự thay đổi về cách tiếp cận và hành động mạnh mẽ, quết liệt hơn từ cả Nhà nước, Doanh nghiệp và Người sản xuất.

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top