Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả nước ta phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng. Trong đó, một số địa phương khu vực trung du miền núi phía Bắc đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô lớn.
Nhiều vùng cây ăn quả được cấp chỉ dẫn địa lý, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng... phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Phong Thổ phát triển cây ăn quả
Tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương, những năm qua, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đẩy mạnh phát triển vùng cây ăn quả. Hướng đi này đã và đang tạo việc làm, tăng thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân.
Trồng và phát triển cây lương thực là hướng phát triển kinh tế chính của người dân vùng “đất gió” Phong Thổ hơn 10 năm trở về trước. Tuy nhiên, với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện chú trọng phát triển cây ăn quả theo từng vùng. Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế thấp, đất hoang hóa, đồi dốc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế.
Ông Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân, Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để triển khai phát triển diện tích trồng cây ăn quả.
Cân đối, bố trí lồng ghép các nguồn vốn (Nghị quyết 07, Chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến nông...) để tập trung đầu tư trồng mới 77,51ha cây ăn quả tập trung; trong đó, 31,5ha cây xoài, 42,01ha chanh leo. Đồng thời, hỗ trợ cải tạo vườn tạp với diện tích 122,86ha/95ha chủ yếu là cây xoài, lê tại các xã: Hoang Thèn, Dào San. Xây dựng hỗ trợ chuỗi liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm lê VH 6 tại xã: Dào San, Sin Suối Hồ với quy mô 60ha.
Người dân xã Mường So chăm sóc cây bưởi.
Để nông dân trên địa bàn tin tưởng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, huyện đẩy mạnh thực hiện liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông). Thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh vào địa bàn để phát triển các mô hình, vùng trồng cây ăn quả.
Điển hình như, phối hợp với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tiến hành khảo sát, đánh giá vùng trồng cây chanh leo, dứa; Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu triển khai trồng 1ha nho công nghệ cao tại thôn Vàng Bó. Các mô hình đều do các Công ty thuê đất, thuê người dân trên địa bàn trồng, chăm sóc; cử cán bộ kỹ thuật “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc; áp dụng cách trồng trong nhà lưới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng. Đồng thời ký kết bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch.
Cùng với đó, phát triển các mô hình trồng mía theo hình thức liên kết giữa hợp tác xã với người dân. Đến nay, trên địa bàn có tổng 105ha trồng mía, trong đó 64,5ha đã cho thu hoạch. Chú trọng phát triển, hình thành vùng trồng chuối tập trung ở các xã: Huổi Luông, Ma Li Pho, Bản Lang... Hiện, toàn huyện có 2.700ha chuối cho sản phẩm với năng suất đạt 4,71 tấn/ha. Ngoài ra, các sản phẩm chuối đang được huyện phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm thương hiệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như hỗ trợ dây chuyền sản xuất chuối sấy dẻo cho nhóm thanh niên trên địa bàn các xã: Khổng Lào, Bản Lang.
Tới xã Mường So, hỏi thăm mô hình trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Tây An ai cũng biết. Bởi đây là một trong những mô hình trồng cây ăn quả điển hình trên địa bàn khi anh Dũng đã áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng tới chăm sóc. Anh Dũng chia sẻ: “Hiện, tôi đang trồng hơn 800 cây mít; khoảng 100 cây bưởi. Hướng tới phát triển nông nghiệp sạch nên trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch đều sử dụng phân bón hữu cơ, các phân từ động vật; giống cây mua tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Hiện, 400 cây mít và toàn bộ cây bưởi đã cho thu hoạch. Từ trồng cây ăn quả tôi và các thành viên trong gia đình có việc làm, đem lại thu nhập ổn định từ 300-350 triệu đồng/năm.
Với những định hướng, cách làm thiết thực trong phát triển cây ăn quả, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện tăng theo từng năm. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện là 3.898ha (trong đó: diện tích cây ăn quả cho sản phẩm lF 3.021,59ha); sản lượng ước đạt 38.989 tấn. Việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn góp phần nâng cao chuỗi giá trị cây ăn quả, đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Triển vọng mở rộng quy mô xuất khẩu bưởi đỏ
Vừa qua, chuyến sản phẩm bưởi đỏ đầu tiên của nông dân huyện Tân Lạc (Hòa Bình) được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc. Xe chở hàng lăn bánh là chở những ngọt thơm của vùng Mường Bi và vừa đem theo cả sự kỳ vọng, phấn khởi của nông dân, các HTX trồng bưởi trên địa bàn huyện. Ai cũng mong rằng, từ bước tiến mới này sẽ mở ra cơ hội, thị trường mới, hướng phát triển bền vững cho cây bưởi nói chung và bưởi đỏ nói riêng.
Thành viên HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ Tân Đông, xã Đông Lai tích cực ứng dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng bưởi đỏ.
Lô bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên của tỉnh cũng là lô bưởi đỏ Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu với trọng lượng khoảng 7 tấn, do các thành viên của HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc (xóm 3, xã Tử Nê) sản xuất. Sản phẩm được đóng gói, vận chuyển sang thị trường xuất khẩu bởi Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA.
Để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu, các hộ trồng bưởi không ngừng nâng cao trình độ thâm canh, giám sát nghiêm ngặt về dịch bệnh, canh tác và phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng. Đặc biệt, trước ngày diễn ra lễ xuất hàng, toàn bộ 6 mẫu bưởi đỏ đều đạt yêu cầu kỹ thuật của 821 chỉ tiêu kiểm định về ATTP theo yêu cầu của EU và Anh quốc. Đồng thời, sản phẩm cũng được cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam công nhận không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Ông Dương Đức Tính, thành viên HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc cho biết: Chuyến xuất khẩu bưởi đỏ lần đầu tiên này là điểm xuất phát quan trọng, chắp cánh cho sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc vươn xa trên thị trường quốc tế. Đến nay, HTX có tổng diện tích trồng bưởi 50 ha. Toàn bộ cây trồng được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; doanh thu ước đạt khoảng 7 tỷ đồng/năm. Mong rằng không chỉ có chuyến xuất khẩu lần này, mà thời gian tới, HTX tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương để lại có những đơn hàng lớn đưa bưởi đỏ "xuất ngoại”, giúp sản phẩm bưởi đỏ của huyện nhà từng bước khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường quốc tế.
Bưởi đỏ là giống cây trồng bản địa của Hòa Bình, được người dân xã Đông Lai (Tân Lạc) chọn lọc, nhân giống từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, cây bưởi đỏ hầu như chỉ dừng lại ở hình thức trồng phân tán với quy mô nông hộ. Sau này, bưởi đỏ mới được lan rộng sang các xã, thị trấn trong huyện và dần được nhiều người tiêu dùng biết tới.
Kể từ năm 2010 là giai đoạn phát triển mạnh về quy mô, diện tích bưởi đỏ với hàng loạt sự kiện. Điểm nhấn trong đó là năm 2014, Bộ NN&PTNT công nhận giống cây trồng bưởi đỏ Hòa Bình; năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển sản xuất bưởi đỏ trên địa bàn tỉnh tại 3 huyện (Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi) với quy mô đến năm 2020 khoảng 2.000 ha; năm 2017, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu cho bưởi đỏ Tân Lạc. Tính đến thời điểm này, tổng diện tích bưởi đỏ của tỉnh khoảng 2.600 ha. Trong đó, riêng huyện Tân Lạc có 240 ha bưởi đỏ được chứng nhận VietGAP, hữu cơ; có 6 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU được cấp cho 140 ha bưởi đỏ trồng tập trung.
Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Đến nay, Hiệp định thương mại tự do UKVFTA ký giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len đã được gần 2 năm. Trong thời gian đó, mới chỉ có 10 lô bưởi với khối lượng trên 200 tấn được xuất khẩu sang Anh, nhưng hầu hết đều là bưởi da xanh ở các tỉnh phía Nam. Do đó sự kiện xuất khẩu bưởi đỏ lần này sẽ là nguồn cổ vũ, khích lệ để huyện Tân Lạc cũng như tỉnh ta tiếp tục có những chuyến hàng xuất khẩu tiếp theo. Từng bước đưa xuất khẩu trở thành một trong những kênh tiêu thụ đối với những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Qua nhiều năm, sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc đã tranh thủ được thời cơ, vượt qua nhiều thách thức, ngày càng hoàn thiện và nâng cao quy trình canh tác, sản xuất, đáp ứng những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật để thành công trong việc chinh phục thị trường Anh quốc. Để sản phẩm bưởi đỏ được tổ chức sản xuất, đóng gói theo chuỗi, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng ở nhiều thị trường, góp phần nâng tầm giá trị nông sản đặc hữu của địa phương, thời gian tới, ngành NN&PTNT phối hợp với các ngành tiếp tục phát triển cây bưởi đỏ theo quy hoạch, bài bản theo đề án "Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; tăng cường liên kết 4 nhà; tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm, phát triển đa dạng giá trị của sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu...
Hình thành vùng cây ăn quả quy mô lớn
Cục Trồng trọt cho biết, hết năm 2021, diện tích cây ăn quả vùng trung du miền núi phía bắc đạt khoảng 266,7 nghìn ha, sản lượng 1.978 nghìn tấn. So với cả nước, đây là vùng cây ăn quả lớn thứ hai về diện tích và sản lượng, chỉ sau đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này có tám loại quả chủ lực như: Vải, nhãn, cam, bưởi, chuối, xoài, na và dứa phục vụ nhu cầu tại thị trường trong nước và xuất khẩu với diện tích 196,8 nghìn hecta.
Cùng với đó, một số cây ăn quả mới như bơ, chanh leo cũng đang được một số địa phương phát triển. Cây ăn quả đang đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân ở các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu,…
Thu hoạch quýt ngọt ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Với sự quan tâm của các địa phương trong thời gian qua, sản xuất quả an toàn, theo hướng VietGAP, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ được chú trọng thực hiện và đạt những kết quả bước đầu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, đến hết tháng 6/2022, diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt khoảng 82.815ha. Trong đó, diện tích được cấp 241 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu là 3.865ha.
Toàn tỉnh có 156 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, cam, bưởi, dâu tây, thanh long...) với diện tích 3.449ha, sản lượng 40.599 tấn/năm. Hiện nay, các chuỗi liên kết đã cơ bản phát huy được hiệu quả khi tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, các sản phẩm sản xuất trong chuỗi có thị trường tiêu thụ ổn định. Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, nhất là sản phẩm quả, luôn được Sơn La đẩy mạnh bằng nhiều hình thức và cách làm mới mang tính đột phá, hiệu quả cao. Thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh được mở rộng đến các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, EU, Mỹ... Nhờ đưa giống cây ăn quả mới cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cho nên giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt khá cao.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, thời gian qua, người dân đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương như: chanh leo tím, bơ ghép, na hoàng hậu ghép... Trong đó, chanh leo tím và bơ ghép có thu nhập 600 triệu đồng/ha, na hoàng hậu ghép đạt một tỷ đồng/ha. Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết, năm 2021, các thành viên trong hợp tác xã trồng 100ha cây ăn quả, chủ lực là nhãn chín muộn, xoài, chuối tiêu hồng, sản lượng khoảng 4.000 tấn. Qua sản xuất cây ăn quả, nhiều hộ có thu nhập hơn tỷ đồng, cá biệt có hộ trồng 6ha xoài và nhãn mỗi năm thu nhập từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 3.340ha trồng cây ăn quả, trong đó nhiều giống mới, canh tác theo hướng tiên tiến được nông dân ứng dụng trong sản xuất; nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đất nương rẫy sang trồng cây ăn quả có hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân chủ động đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ổn định.
Một số cây ăn quả mới đang phát triển tốt do phù hợp điều kiện sinh thái của địa phương, bước đầu cho năng suất, hiệu quả cao. Điển hình như: mô hình trồng xoài Đài Loan với diện tích 399ha. Đến nay, một số diện tích đã cho thu hoạch, năng suất khoảng 68 tạ/ha, lợi nhuận ban đầu ước đạt 37 triệu đồng/ha; mô hình trồng bưởi da xanh với diện tích 251ha, năng suất khoảng 100 tạ/ha, lợi nhuận khoảng 213 triệu đồng/ha.
Theo Cục Trồng trọt, thời gian tới các địa phương vùng trung du miền núi phía bắc cần căn cứ vào định hướng phát triển chung, mỗi tỉnh chọn một số chủng loại cây chủ lực, lợi thế xây dựng vùng sản xuất tập trung; đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, chế biến; hạn chế tình trạng gia tăng diện tích tự phát, theo phong trào; khuyến cáo nông dân không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng tiêu thụ; tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả có chất lượng, có thị trường tiêu thụ ổn định; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây ăn quả chủ lực trồng tập trung theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu để tạo sản phẩm an toàn, hiệu quả cao, bền vững; ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Khuyến khích doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp lớn, đầu tư liên kết người nông dân xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm quả…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.