Năm 2024, dự báo sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ cây công nghiệp sẽ phải đối mặt những thách thức mới, đòi hỏi mỗi ngành hàng cần có cách ứng phó linh hoạt từ sản xuất đến chế biến, phát triển thị trường...
Tăng, giảm đan xen
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, năm 2023, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá cà-phê Robusta tăng mạnh. Theo ước tính, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 1,61 triệu tấn, với giá bình quân đạt 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022.
Dự báo năm 2024, ngành cà-phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà-phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh mới do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Về thị trường, tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà-phê sang nhiều thị trường truyền thống và tiềm năng tăng, gồm: Italia, Nhật Bản, Tây Ban Nha… nhưng xuất khẩu sang các thị trường Ðức, Mỹ, Nga lại giảm. Trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà-phê Robusta và chế biến tăng lần lượt 3,7% và 27,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi kim ngạch xuất khẩu cà-phê Arabica và Excelsa giảm lần lượt 37,3% và 5,7%.
Nguyên nhân là năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với khó khăn do hậu quả kép từ đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lạm phát duy trì ở mức cao khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm nhập khẩu cà-phê Arabica, tăng nhập cà-phê Robusta do giá thành thấp hơn. Ðây cũng chính là cơ hội cho Việt Nam nhờ lợi thế về sản xuất cà-phê Robusta.
Ðối với ngành điều, năm 2023 đạt kim ngạch 3,63 tỷ USD. Ðây là kết quả đáng mừng trong bối cảnh kinh tế suy giảm, lạm phát cao khiến người tiêu dùng nhiều quốc gia trên thế giới giảm tiêu thụ hạt điều do không phải là sản phẩm thiết yếu. Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang tất cả các thị trường truyền thống đều tăng.
Mức tăng trưởng 2 con số ghi nhận cho kết quả xuất khẩu tới các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan, Ðức, Anh, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất… Theo Hiệp hội Ðiều Việt Nam (Vinacas), mức tiêu thụ mặt hàng có lợi cho sức khỏe này sẽ tăng dần trong năm 2024, trong khi năng suất và sản lượng thu hoạch khá ổn định.
Trong khi cà-phê và hạt điều có kim ngạch xuất khẩu tăng thì kết thúc năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm về trị giá dù tăng về lượng so với năm 2022. Theo ước tính, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt 267.000 tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6,0% về trị giá so với năm 2022. Nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu thụ thấp tại các thị trường trọng điểm đã kéo giá hạt tiêu giảm sâu, chỉ đạt khoảng 3.420 USD/tấn, giảm 19,4% so với năm 2022.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Phát triển nông nghiệp bền vững, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Ðắk Lắk cho biết: Ðối với ngành cà-phê, thách thức lớn nhất hiện nay chính là đáp ứng đúng và đủ các tiêu chí phát triển bền vững, nhất là quy định chống phá rừng của EU (EUDR). Bởi hiện nay châu Âu là thị trường nhập khẩu cà-phê lớn nhất thế giới và cũng là thị trường lớn, tiềm năng của cà-phê Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian qua, công ty đã tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật về sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm cho nhiều nông dân thông qua các chủ đề: quản lý dinh dưỡng đất, quản lý cỏ dại, tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật ủ phân hữu cơ, kỹ thuật tái canh và trồng xen canh, thu hoạch chế biến cà-phê chất lượng cao, an toàn lao động, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ một phần nhu cầu tái canh cà-phê và cây trồng xen cho nông dân một số vùng. Ðơn vị cung cấp cây giống được lựa chọn bảo đảm uy tín và chất lượng cây giống. Ðây là một phần trong mục tiêu tổng thể hướng tới sản xuất xanh và bền vững, cải thiện sinh kế, bảo tồn nguồn tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính.
Với mặt hàng tiêu, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Lê Việt Anh cho rằng, lạm phát kinh tế cũng ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân cho mặt hàng này. Sản phẩm hồ tiêu Việt Nam cũng đang phải đối mặt rào cản kỹ thuật ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng từ các cường quốc sản xuất khác như Indonesia, Brazil… cũng tác động đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam.
Năm 2024, xu hướng giá hạt tiêu thế giới sẽ tăng cao do sản lượng hạt tiêu toàn cầu niên vụ 2023/2024 sẽ giảm. Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng hạt tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10-15% xuống còn 160.000-165.000 tấn; Ấn Ðộ giảm 20%, Indonesia giảm 20-30% và Brazil giảm 15%.
Trong khi đó, ngành hàng sản xuất và xuất khẩu hạt điều cũng đang phải đối mặt với áp lực dịch chuyển sang sản xuất xanh để đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội của đối tác nhập khẩu.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc và các nước châu Âu… Ðây đều là các thị trường có yêu cầu về chất lượng, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật thường xuyên thay đổi và nâng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải cập nhật nhanh chóng để kịp thời đáp ứng.
Ngoài ra, hạt điều Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thời gian qua, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà, cụ thể tính trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 59,5% về lượng và tăng 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, ngành điều cần chú trọng chất lượng và đa dạng sản phẩm chế biến sâu để tăng lợi thế cạnh tranh.