Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 4 năm 2023 | 2:36

Thúc đẩy nông nghiệp tỉnh Hà Giang phát triển bứt phá, bền vững

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ rõ: Hà Giang cần xác định phát triển nông nghiệp, du lịch không chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào của quê hương Hà Giang, vùng đất “nở hoa trên đá”…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang vừa tổ chức Hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến)

Hà Giang xác định, trong giai đoạn 2021-2025, vẫn là tỉnh nông nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sinh kế bền vững cho hơn 80% lao động nông thôn. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 31% cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Về định hướng phát triển đến năm 2030, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Tỉnh phát triển nông nghiệp theo hai trục chính. Trục thứ nhất, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm với các nhóm cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô tại bốn huyện phía bắc sang trồng cây khác có giá trị cao hơn. Trục thứ hai là ưu tiên thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu chất lượng cao theo chuỗi giá trị.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang - ông Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; nhất là đối với Hà Giang, tỉnh địa đầu Tổ quốc có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia.

Ông Khánh cho biết: Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vẫn xác định Hà Giang là tỉnh nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 3 đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII có 02 đột phá liên quan đến ngành Nông nghiệp, đó là: Tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân; Phát triển Du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành các quyết chuyên đề về lĩnh vực nông lâm nghiệp, được cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đã đi vào cuộc sống, tạo ra giá trị, thu nhập cho người dân và nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể về phát triển nông nghiệp, tỉnh Hà Giang vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định về điều kiện về tự nhiên, địa hình, khí hậu tiểu vùng hết sức phức tạp; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ; là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phong tục, tập quán sản xuất, canh tác còn theo phương thức truyền thống; sản xuất manh mún, tự cung tự cấp vẫn là chủ yếu; chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch thân thiện với môi trường…

Với mong muốn và kỳ vọng phát triển Nông nghiệp của tỉnh nhanh, bền vững, hiệu quả; đích đến cuối cùng là nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho trên 80% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang để đồng bào yên tâm “Bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc, giữ đất, giữ rừng”, ông Khánh bày tỏ mong muốn được hiến kế, định hướng các nhóm giải pháp, cơ chế, chính sách để khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động nguồn lực, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển, đặc biệt là các nhóm vấn đề liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng như thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị; công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế rừng để người dân sống được từ nghề rừng; giải pháp để đảm bảo được An ninh nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày một nhanh hơn.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nhận định: Hà Giang có nhiều sự khác biệt và có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Do đó, các nhà khoa học, các đơn vị cần tiếp thêm trí lực, nguồn lực cho Hà Giang khởi tạo giá trị mới. Không được dừng lại ở báo cáo mà cần hành động, mở rộng tư duy, kiến tạo hệ sinh thái đa giá trị từ nông nghiệp để tạo giá trị cao, nâng cao đời sống người dân. Tìm kiếm giải pháp thực sự hiệu quả để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với du lịch; đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Có sự linh hoạt, chuyển hóa, chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả.

Bộ trường Lê Minh Hoan chỉ rõ, tỉnh Hà Giang cần xác định phát triển nông nghiệp, du lịch không chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào của quê hương Hà Giang, vùng đất “nở hoa trên đá”. Chú trọng giữ gìn, phát huy không gian văn hóa để tạo giá trị, xây dựng thương hiệu. Liên kết trong sản xuất từng ngành hàng, từ khâu giống đến sau thu hoạch để tạo các chuỗi giá trị của các sản phẩm nông sản; cần đi cùng nhau để đi xa, để tối đa hóa giá trị, chuẩn hóa quy trình sản xuất ngành hàng…

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ một số vấn đề về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030 theo phương án quy hoạch; giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, nhất là chuyển đổi cây ngô sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; giải pháp để phát triển các cây con đặc trưng, đặc sản có lợi thế so sánh của tỉnh; giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhất là đối với 4 huyện vùng cao nguyên đá của tỉnh; phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu bế mạc Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến)

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, kỹ thuật; triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học cấp nhà nước, cấp bộ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất giống tại các trung tâm khoa học; đầu tư hạ tầng thủy lợi, cấp nước cho sản xuất và người dân bằng các nguồn vốn đầu tư của bộ làm chủ đầu tư. Mong muốn, tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị của T.Ư để nông nghiệp của Hà Giang có sự bứt phá trong thời gian tới.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top