Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 4 năm 2023 | 11:16

Thực hiện Đề án 1 triệu heca lúa chất lượng cao ở ĐBSCL cần tới 40.000 tỷ đồng

Để thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, cần tới 40.000 tỷ đồng.

Trong đó, khoảng 25.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn xã hội hóa, còn lại khoảng 15.000 tỷ đồng vốn từ người dân. Giai đoạn từ năm 2023 - 2025 sẽ đầu tư 20.000 tỷ đồng, số còn lại sẽ đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030.

Cần nguồn vốn lớn

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năng suất lúa ở ĐBSCL hiện đạt khoảng 6,2 tấn/ha, đây là mức năng suất cao trên thế giới, khả năng gia tăng năng suất và sản lượng lúa của Việt Nam sẽ giảm dần do gần chạm ngưỡng năng suất và sản lượng. Với 1 triệu ha lúa trong đề án là thực hiện đa mục tiêu, mục tiêu đầu tiên là phải thích ứng được với biến đổi khí hậu. Mục tiêu thứ hai là giảm lượng khí mê tan (một trong những loại khí nhà kính) do canh tác lúa gây ra, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam. Tạo ra thu nhập cao hơn cho người trồng lúa.

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL cần tới 40.000 tỷ đồng.

Để thực hiện các mục tiêu này, việc canh tác lúa cần phải tuân thủ theo quy trình sản xuất tốt (GAP), chẳng hạn “Một phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận, 5 giảm: Nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, thất thoát sau thu hoạch). Đây là những thách thức lớn đối với ngành hàng lúa gạo đặc biệt là lúa gạo ở ĐBSCL, do đó, cần có sự tham gia tích cực của người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp.

Khi tham gia vào đề án, nông dân sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa; được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ sản xuất (thời gian vay trong 6 tháng) trong thời gian tham gia liên kết. Các hợp tác xã được ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng; được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa, để phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất của hợp tác xã hoặc các cơ sở chế biến phụ phẩm lúa gạo.

Các doanh nghiệp sẽ được vay ngân hàng đủ vốn ngắn hạn cho tiêu thụ lúa từ vùng liên kết và đủ vốn dài hạn cho đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản xuất tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế và 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn cacbon thấp.

Một trong những giải pháp được ông Tùng đưa ra là ưu tiên phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, xác lập các mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa; ứng dụng hệ thống quản lý minh bạch cho chuỗi giá trị lúa gạo; ứng dụng công nghệ sử dụng, tái chế phụ phẩm lúa gạo (rơm rạ, trấu) và chế biến sâu từ nguyên liệu cám, gạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, để thực hiện Đề án sẽ cần tới 40.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 25.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Còn lại khoảng 15.000 tỷ đồng vốn từ người dân. Giai đoạn từ năm 2023 - 2025 sẽ đầu tư 20.000 tỷ đồng. Số còn lại sẽ đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030.

Nếu chỉ dùng ngân sách thì không thể đủ, do đó đòi hỏi huy động nguồn lực xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tín dụng. Nguồn lực sẽ tập trung vào các chủ thể chính của đề án là nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp, để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, ông Nam nhấn mạnh.

Năng suất lúa ở ĐBSCL hiện đạt khoảng 6,2 tấn/ha, đây là mức năng suất cao trên thế giới.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, ĐBSCL là vùng có lợi thế để xây dựng “cánh đồng lớn” song chưa được phát huy do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL lại thiếu vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, logistics, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ... Nông dân trồng lúa phụ thuộc nhiều vào đầu vào phân bón, thuốc trừ sâu. Đôi khi nông dân còn không nghe theo sự hướng dẫn của các cơ quan khuyến nông bằng các đơn vị bán thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Cường nhấn mạnh, cần xác định các điểm nghẽn và có cơ chế, chính sách để giải quyết. Tín dụng cho nông dân, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao này. Đây là điểm nghẽn cần được tháo gỡ để Đề án đạt được kết quả như kỳ vọng.

Sự quan tâm của tổ chức quốc tế

Đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) cho biết, tổ chức này đã phối hợp với Cục Trồng trọt triển khai dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA trị giá 15 triệu USD là đòn bẩy để huy động đầu tư của khu vực tư nhân trong đẩy mạnh công nghệ sản xuất lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới tính đa mục tiêu, đa giá trị của Đề án 1 triệu ha lúa.

“Qua khảo sát ban đầu, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL cam kết triển khai từ 200-300.000 ha đất lúa chất lượng cao. Chúng tôi mong muốn dự án này sẽ gắn với Đề án 1 triệu ha lúa”, đại diện SNV cho biết. Đại diện SNV cũng cho rằng, đề án cần cân nhắc về vấn đề chi trả tín chỉ carbon cho vùng nhân rộng từ dự án VnSAT trong khuôn khổ 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ông  Li Guo, Điều phối viên Chương trình quốc gia về nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, World Bank có thể hỗ trợ về các chuyên gia trong xây dựng tín chỉ carbon. World Bank đã huy động 40 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động liên quan đến tín chỉ carbon cho đề án 1 triệu ha lúa.

ĐBSCL cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Cùng với đó, có thể huy động 20 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại từ dự án hệ thống lương thực, thực phẩm, để làm tiền cam kết hỗ trợ nông dân tiếp cận các vốn vay từ BIDV hoặc các ngân hàng tư nhân khác. Sau năm 2027, World Bank tiếp tục dự kiến dành ra 60 triệu USD để phục vụ chương trình tín chỉ carbon.

Như vậy, World Bank có tổng 120 triệu USD hỗ trợ Việt Nam thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Chúng tôi mong muốn làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT, BIDV và các ngân hàng tư nhân khác để sớm thực hiện các hỗ trợ, ông  Li Guo cho biết thêm.

Chia sẻ ý kiến về đề án ông Cao Thăng Bình, chuyên gia của World Bank (WB) cho rằng, đề án cần quy định rõ thêm giải pháp về vốn, trong đó khuyến khích sự tham gia đầu tư của tư nhân với các cơ chế rõ ràng. Cơ chế, chính sách tiếp nhận các nguồn vốn từ các quỹ khí hậu, quỹ carbon, quỹ nông thôn cũng cần nêu rõ. Nhất là cơ chế chi trả carbon, quy định rõ phần nào cho tái đầu tư, phần nào cho người sản xuất.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, tổng dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn lên tới 1 triệu tỷ đồng. Đối với ĐBSCL, có đến 80% dư nợ của nông thôn nông nghiệp dành cho lúa gạo. Ngân hàng Agribank đã thành lập được nhiều tổ vay vốn để truyền tải vốn đến các nông hộ. Nông dân tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa xác nhận, được ngân hàng cho vay không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ. Thời gian vay 6 tháng, được hỗ trợ bảo hiểm với cây lúa.

Thứ trưởng Bộ   Nông nghiệp và PTNT  Trần Thanh Nam thông tin, các địa phương đã đăng ký tham gia đề án với diện tích lên đến 700.000ha và chắc chắn sẽ còn mở rộng trong thời gian tới.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí, trên cơ sở đó đưa ra cho các địa phương, địa phương nào đảm bảo đủ tiêu chí thì tham gia.

Dự kiến, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ trình Chính phủ thông qua trong tháng 4/2023 và được triển khai từ năm 2024. Lộ trình đến năm 2024, Đề án có thể bán tín chỉ carbon trước mắt ở 200.000ha lúa và sau đó nhân rộng.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top