Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn với trên 86.000ha. Năm nay, hạn hán, xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền ảnh hưởng tới khoảng 35.000 ha cây ăn trái, trong đó có khoảng 20.000 ha sầu riêng. Trước thực trạng trên người dân và chính quyền nơi đây đã chủ động tìm cách ứng phó.
Chính quyền chủ động
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, nước trên sông Tiền, kênh Chợ Gạo, sông Vàm Cỏ hiện nay tăng rất nhanh. Đáng lưu ý là có nhiều khu vực độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2016 như: tại cống Xuân Hòa(huyện Chợ Gạo) độ mặn đến 6,8 g/l (cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 2,14 g/l); công viên Lạc Hồng (thành phố Mỹ Tho) 4,2 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 1,95 g/l; cầu kênh Xáng Đồng Tâm (huyện Châu Thành) 0,9 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,33 g/l.
Mùa khô năm 2023 - 2024, tỉnh Tiền Giang có 35.000 ha cây ăn trái, trong đó có khoảng 20.000 ha sầu riêng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.
Đặc biệt hiện nay, nước mặn từ biển bắt đầu tấn công vào “lãnh địa” có nguy cơ uy hiếp vùng trồng vườn cây sầu riêng chuyên canh ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy theo 2 hướng của sông Tiền và sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre). Đối với cây sầu riêng rất nhạy cảm khi phun tưới nước mặn trên 0,5 g/l thì sẽ bị chết. Do đó, việc ngăn mặn, trữ nước ngọt để phục vụ hàng nghìn ha cây sầu riêng khu vực này đang được các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhà vườn quan tâm.
Theo đó, 7 hệ thống cống ngăn mặn có quy mô lớn ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Cai Lậy gồm: cống kênh Nguyễn Tấn Thành, cống Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Hai Tân, Cái Sơn… đều đã đóng kín; tiến hành làm đập tạm ngăn mặn tại xã Tam Bình, 5 đập dã chiến tại cù lao Ngũ Hiệp; lắp đặt hơn 30 cái bọng bê tông tại xã Tân Phong huyện Cai Lậy.
Sở Nông nghiệp và PTNT dự báo, triều cường và mặn sẽ xâm nhập sâu về phía thượng lưu sông Tiền trong tháng 3 và tháng 4 tới, Tiền Giang chủ động đề ra nhiều giải pháp tích cực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ các vùng trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân địa phương ứng phó, chăm sóc phục hồi vườn cây ăn quả trước, trong và sau thu hoạch.
Ngay từ đầu mùa khô 2023 - 2024, các cấp, các ngành địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi đến hộ dân những biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp trong mùa khô hạn như: tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoặc trung vi lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trồng. Cùng đó, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh cây trồng, dùng rơm rạ tủ gốc cây giữ ẩm cũng như chủ động trữ nước ngọt trong các ao mương vườn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước, phòng, tránh ô nhiễm….
Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh rạch và trong nội đồng để có biện pháp ứng phó hữu hiệu. Các cấp, các ngành hữu quan rà soát, củng cố hệ thống đê bao ngăn lũ, chống hạn hán và triểu cường, chống xâm nhập mặn cho các vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt là các địa phương có vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn, quan trọng.
Sở Nông nghiệp và PTNTcũng đã kết hợp cùng Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang lên kế hoạch cụ thể đóng các đập ngăn mặn ở các cửa kênh rạch thông ra sông Tiền phù hợp diễn biến tình hình xâm nhập mặn, nhất là thời điểm trước khi xuất hiện độ mặn 1,0 gr/lít trên cù lao Tân Phong, cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) nhằm bảo vệ hữu hiệu vùng trồng cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao phía Tây tỉnh.
Mặc dù sầu riêng là cây cho kinh tế cao nhưng khả năng chống chịu hạn mặn thấp (ảnh: VOV).
Đối với những những địa bàn khó khăn về nguồn nước, có nguy cơ đối mặt thiên tai gây hại khi thời tiết diễn biến phức tạp thì được yêu cầu thực hiện xử lý rải vụ trên diện tích khoảng 4.750 ha vườn cây ăn trái; trong đó, có 2.500 ha sầu riêng, 2.000 ha thanh long, còn lại là các cây trồng khác. Mục đích là tránh thời điểm cây mang trái lại bị ảnh hưởng hạn mặn, sẽ suy kiệt và thiệt hại khó lường.
Trong trường hợp hạn hán và xâm nhập mặn có diễn biến phức tạp hơn, tỉnh sẽ triển khai phương án dự phòng là đắp 3 đập thép tại đầu các sông: Trà Tân, Ba Rày và Phú An thông ra sông Tiền nhằm ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng, đồng thời trữ ngọt, phòng chống hạn, đảm bảo sản xuất, bảo vệ các vùng trọng điểm về trồng cây ăn quả xuất khẩu của địa phương đang vào vụ thu hoạch rộ trong các tháng sắp tới.
Chống hạn, mặn cho 20.000 ha sầu riêng
Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang thì trong tổng số 35.000 ha cây ăn trái chịu mặn kém của tỉnh thì có khoảng 20.000 ha là sầu riêng. Trong khi đó, sầu riêng được trồng nhiều ở các địa phương ven sông Tiền, chịu áp lực cao nhất mỗi khi mùa khô về. Đặc biệt, do năm nay, giá bán sầu riêng đứng ở mức rất cao nên nhà vườn duy trì sản xuất quanh năm. Vì vậy, vấn đề phòng chống hạn mặn càng được không chỉ các ngành, các cấp mà chính người dân cũng rất quan tâm.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, với quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái an toàn trong mùa khô hạn, các địa phương phía Tây tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó quyết liệt và chủ động.
Ông Trần Quốc Bình, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, địa phương có vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản trên 11.000 ha, chủ yếu là sầu riêng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp địa phương, triển khai đến các xã và hộ dân, kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình. Cai Lậy tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất kết hợp đắp các đập tạm ngăn mặn và triều cường tại các địa bàn trọng điểm.
Tiền Giang triển khai các giải pháp vượt qua hạn mặn mùa khô 2022-2023, bảo vệ tốt vườn cây ăn trái.
Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Hồng Thương cho biết, xã đầu tư hơn 7 tỷ đồng đắp thêm 5 đập tạm, đồng thời nạo vét các tuyến kênh nội đồng, sửa chữa các cửa cống trên tỉnh lộ, huyện lộ trong xã đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ gần 1.500 ha vườn sầu riêng chuyên canh và các cây trồng có giá trị kinh tế khác.
Là địa bàn cù lao nằm trên sông Tiền, Chủ tịch UBND xã Tân Phong Trần Văn Nhịn thông tin, địa phương triển khai đắp 16 đập ngăn mặn và triều cường với kinh phí gần 15 tỷ đồng bảo vệ gần 1.300 ha vườn cây ăn quả đặc sản. Mặt khác, vận hành 8 giếng khoan dự phòng khai thác nguồn nước ngầm tầng sâu kịp thời bồ sung nước tưới tiêu cho cây trồng khi nước mặt trên sông Tiền bị nhiễm mặn hoặc thiếu nguồn nước bơm tưới...
Các hộ nông dân cũng được khuyến cáo nạo vét ao mương vườn trữ ngọt phục vụ tưới tiêu phòng chống hạn mặn, áp dụng đồng bộ các biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa hạn mặn kết hợp xử lý cho trái rải vụ đã được Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các cấp, các ngành hữu quan tập huấn, hướng dẫn ngay từ đầu mùa khô, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Theo ông Nguyễn Văn Thật, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình, (huyện Cai Lậy), cụ thể hóa kế hoạch phòng, chống hạn mặn 2023 - 2024, địa phương nạo vét 2 tuyến kênh có tổng chiều dài gần 3.000 m trữ ngọt phục vụ tưới tiêu, gia cố các cống đập ngăn mặn, tu sửa các cống hư hỏng với quyết tâm bảo vệ trên 1.600 ha sầu riêng đang trong giai đoạn cho trái mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con.
Ông Dương Văn Đây, chủ hộ có hơn 2,5 ha vườn sầu riêng đang cho trái tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, tôi đã đóng cống hết, sợ nước mặn rỉ vào nên phải đóng trước, dự trữ nước ngọt bên trong nếu không xả nước thì đủ tưới 15 ngày. Sau đó, nếu không có nước cấp thì phải mua nước từ sà lan lấy miệt trên về. Tôi đang khống chế được.
Trong khi đó, anh Phạm Văn Tâm (ấp Phú Hưng, xã Phú Quý, TX. Cai Lậy) cho biết, mùa hạn, mặn năm 2020, vườn sầu riêng của gia đình bị chết khoảng 60 cây. Do mặn ảnh hưởng dẫn đến cây suy kiệt và chết nên vườn sầu riêng chỉ còn khoảng 100 cây. Một số cây sầu riêng còn sống đến nay vẫn chưa phục hồi tốt. Do đó, khi nghe mặn sẽ xâm nhập sâu tôi khá lo lắng. Vì thế, khi vừa thu hoạch lứa sầu riêng nghịch vụ đã tiến hành nạo vét mương vườn để tăng lượng nước tích trữ, phòng khi mặn gay gắt sẽ có đủ nước cho vườn sầu riêng.
Đúc kết kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu, Tiền Giang chủ động và linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ thành công các vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt là trên 20.000 ha sầu riêng đặc sản giá trị kinh tế cao trong mùa khô 2023 - 2024.
Được mùa, được giá nhà vườn vui Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện có trên 84.000 ha cây ăn quả cho sản lượng trái cây các loại mỗi năm gần 1,8 triệu tấn quả với nhiều chủng loại có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng như: sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh,… Trong hai tháng đầu năm, nông dân Tiền Giang đã thu hoạch được gần 280.000 tấn trái cây các loại, đạt khoảng 16% so kế hoạch cả năm và tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng mừng là không chỉ bội thu, trúng mùa trong tình hình thời tiết bất lợi, hạn hán và xâm nhập mặn uy hiếp các vùng chuyên canh cây ăn quả tại địa phương mà bà con còn trúng giá, lãi cao nên rất phấn khởi. Cũng theo ông Nam, theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và PTNT, sau Tết Nguyên đán, các loại trái cây chủ lực: thanh long, bưởi, sầu riêng…đều có giá cao, tiêu thụ thuận lợi. Điều này tạo động lực để nông dân tập trung chăm sóc, ứng dụng các biện pháp khoa học công nghệ thâm canh nhằm đạt năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, trong tháng 2, giá thanh long ruột đỏ tăng hơn 5.000 đồng/kg so với tháng trước và tăng hơn 14.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; giá bưởi thương lái thu mua trong tháng 2/2024 cũng tăng hơn 5.000 đồng/kg so với tháng trước và tăng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; mít thái giá tăng hơn 23.000 đồng/kg so với tháng trước và tăng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước…Đặc biệt giá sầu riêng tăng hơn 50.000 đồng/kg so tháng trước và tăng hơn 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Trúng mùa, được giá, mỗi ha cây ăn quả đặc sản cho thu nhập gấp nhiều lần so trồng lúa năng suất cao. Cao nhất lá sầu riêng, nông dân lãi từ 1,5-2 tỷ đồng sau vụ thu hoạch trong năm. Các loại cây ăn quả khác lãi từ vài trăm triệu đồng đến nửa tỷ đồng/ ha/ năm tùy theo chủng loại. |
Tổng hợp từ nguồn: VOV.VN, qdnd, TTXV, THTG
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.