Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 6 năm 2023 | 8:4

Tư lệnh ngành nông nghiệp và những trăn trở về nông nghiệp công nghệ cao và công tác đào tạo nghề

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã giải trình và nêu những trăn trở trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công tác đào tạo nghề lao động nông thôn trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

“Phủ” tri thức, khoa học công nghệ trên những cánh đồng

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vấn đề được các địa phương rất quan tâm, trăn trở. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại Hậu Giang được phê duyệt năm 2012, cách đây 11 năm, với 5.200ha, đến giờ vẫn là một cánh đồng. 5 khu nông nghiệp công nghệ cao còn lại có tổng diện tích khoảng 7.000ha.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Doãn Tấn

 

Cho rằng cần có cách hiểu thống nhất khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thế nào là công nghệ cao, Bộ trưởng nêu rõ, chúng ta đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm, khi cứ quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt cộng thêm một chút tự động hóa.

“Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải là khu nghiên cứu, thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, chứ không phải là nơi sản xuất. Sản xuất chỉ là phụ. Từ thành quả nghiên cứu, thực nghiệm, kết quả rồi mới đưa ra khu nông nghiệp cao, hoặc chuyển giao cho bà con nông dân theo từng mức độ. Chúng ta không nhầm lẫn giống như công nghiệp là kêu gọi người ta đến sản xuất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cũng cần hiểu rõ thế nào là “cao”? Các nước không dùng từ công nghệ cao, mà là nền nông nghiệp công nghệ. Tức là bất kỳ một công nghệ nào phù hợp với trình độ sản xuất, năng lực sản xuất, tạo ra giá trị, chất lượng, đạt được kết quả tối ưu nhất trên sản phẩm nông nghiệp, cạnh tranh được trên thị trường, tạo ra thu nhập cho nông dân, tăng năng suất cạnh tranh thì các nước xem đó là nông nghiệp công nghệ cao. Chúng ta không thể lấy nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp lớn như TH, Vinamilk… để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho từng hộ nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được, kể cả trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi…

Trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần bình tĩnh một chút, chúng ta phải định vị lại nó là cái gì, phương thức đầu tư như thế nào, hợp tác công tư như thế nào, quản trị ra sao. Nhiều địa phương đề nghị Chính phủ phải có vốn đầu tư hạ tầng, không có kinh phí đầu tư hạ tầng nên doanh nghiệp không giàu. Như vậy là hiểu sai. Chỉ có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công nhất, đúng bản chất là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, đó là nơi nghiên cứu, thực nghiệm, lan tỏa và đào tạo, huấn luyện cho những đối tượng tiếp nhận thành quả nghiên cứu từ các viện, trường nằm trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cái lõi của khu nông nghiệp công nghệ cao là từ các viện, trường, bên cạnh đó là các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả nghiên cứu của các viện, trường để nhân ra và chuyển giao cho một hệ sinh thái của những người nông dân cùng hợp tác với doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có nhiều hướng đi tiếp cận nền nông nghiệp giá trị. “Chúng ta cũng thống nhất là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, công nghệ góp phần rất lớn, bên cạnh đó có nghiên cứu của nông dân – những “nhà khoa học chân đất”, kết hợp với nghiên cứu của viện, trường sẽ giải được bài toán phủ tri thức, phủ khoa học công nghệ trên những cánh đồng, trên những bờ ao của bà con nông dân”.

Hợp tác xã nông sản Mỹ An ở xã Mỹ An (Chợ Mới - An Giang) có hơn 20ha trồng ngô bao tử, năng suất đạt 2,5 tấn/ha/vụ. Ảnh: Vũ Sinh

 

Tạo chuỗi nghiên cứu ứng dụng

Tư lệnh ngành nông nghiệp đặt vấn đề, điều gì đã khiến nền nông nghiệp của nước ta, vốn có đặc thù là manh mún, nhỏ lẻ, đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 150 nước trên thế giới, với mặt hàng lúa gạo đứng top đầu thế giới, cà phê đứng thứ nhì thế giới? Đó chính là vì chúng ta đã có các nông trại lớn, đã tiếp cận và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ lâu.

Những thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua được minh chứng bằng sức sống của nền nông nghiệp, là trụ đỡ, là lợi thế của quốc gia như trong Nghị quyết của Đảng. Ngành nông nghiệp hiện nay đang trên hành trình tìm kiếm con đường từ viện, trường ra các tổ chức khuyến nông, để đưa đến người dân thông qua những mô hình chuyển giao trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, bất kỳ công trình nghiên cứu nào cũng đều tốt nếu nó tạo ra được giá trị cho nền kinh tế và chuyển giao cho người nông dân. Bản thân viện, trường cũng phải trở thành đơn vị khuyến nông, thông qua các bộ phận để quan hệ với người nông dân. Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng khởi tạo và kích hoạt thị trường ở đó, những sản phẩm nghiên cứu có thể đi vào đời sống của người nông dân. Việc này cần làm ở cấp độ vừa phải, phù hợp với nguồn lực đất nước.

Giải pháp cho việc đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất, cần có nhiều cấp độ nghiên cứu từ Trung ương đến địa phương và ở cộng đồng, tạo thành chuỗi nghiên cứu ứng dụng. Đồng thời, kết hợp với các đơn vị sự nghiệp công lập để tăng thêm sức mạnh, nguồn lực xã hội. Với quy trình như vậy, các doanh nghiệp cũng sẽ sẵn sàng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu để đưa đến với người nông dân bằng con đường ngắn nhất. Khi đó, vai trò của Nhà nước chỉ là kết nối, điều tiết trên chuỗi như vậy.

Tỉnh Bắc Ninh ưu tiên phát triển chăn nuôi trang trại đảm bảo an toàn sinh học; khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ảnh Vũ Sinh.

 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ nghề nông

Giải trình trước Quốc hội các vấn đề về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ đã thiết kế phát triển khu vực kinh tế nông thôn gắn với nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động nông nghiệp, lao động phi nông nghiệp là yêu cầu bức thiết.

Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội thiết kế hệ thống chương trình, nhưng nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của từng cấp xã, cấp huyện, tỉnh. Bộ trưởng khẳng định, đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là đào tạo nghề nông, mà đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp là một chuỗi ngành hàng và những giá trị tích hợp, cần thêm những ngành nghề khác.

Căn cứ vào nhu cầu của địa phương, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung đào tạo theo nhu cầu gắn với sự phát triển của địa phương. Bộ cũng đã đề ra kế hoạch tái cấu trúc đào tạo nghề nông thôn gắn với sự phát triển nông thôn. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những giải pháp đầu tiên là nâng cao năng lực của người nông dân, gắn liền với kiến thức và kỹ năng làm nghề nông cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp, với tư duy của nền kinh tế nông nghiệp chứ không chỉ là tư duy sản xuất nông nghiệp.

Do vậy, cần đào tạo nghề theo chuỗi ngành hàng, từ sản xuất đến bảo quản, thu hoạch, chế biến, thương mại điện tử; mỗi khâu có ngành nghề kèm theo… Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng 5 vùng nguyên liệu và đào tạo theo đúng quy trình để phát huy tất cả nguồn nhân lực phục vụ cho vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, Bộ cũng cấu trúc lại hệ thống các trường của Bộ, trong đó đã đặt hàng, giao nhiệm vụ, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ cũng yêu cầu các trường, viện nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật - đây cũng là cách để đào tạo nghề cho nông dân, để người nông dân nhận những giải pháp hữu ích, cũng được đào tạo, sử dụng nguồn lực đó hiệu quả…

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top