Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng, đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GRDP của vùng. Từ đầu năm đến nay, ĐBSCL thu hút 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng 15% so với năm 2022. Dù tăng nhưng quy mô vốn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như dư địa phát triển của nông nghiệp của vùng đất “Chín Rồng”.
Còn nhiều bất cập
Những năm qua, nông nghiệp ĐBSCL đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp tích cực vào GDP của cả nước. Trong đó, nông nghiệp được xem là nền tảng của nền kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của vùng. Các thế mạnh của vùng về lúa gạo, thủy sản, trái cây đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Ngành hàng lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực của vùng.
Tuy nhiên, ĐBCSL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bởi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc; trình độ sản xuất, năng suất lao động còn thấp; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực của vùng ĐBSCL
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và PTNT diễn ra mới tại Cần Thơ, nhiều đại biểu nêu bất cập khi chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bởi ngành hàng này tiềm ẩn nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả đầu vào và đầu ra hay như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhãn hiệu nông sản gắn với thương hiệu chưa phổ biến.
Để khai thác tiềm năng của ngành nông nghiệp, Công ty TNHH San Hà (Long An) đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm... Để phát triển theo hướng công nghệ cao (CNC), Công ty phải đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, chuồng trại hiện đại... Tuy nhiên, cái khó của Công ty là việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi CNC trên đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết, để đầu tư vào chăn nuôi, doanh nghiệp phải khảo sát, tìm kiếm mặt bằng phù hợp, hội đủ điều kiện cho cây trồng, vật nuôi phát triển. Tiếp theo là thực hiện thương lượng, đền bù hoa màu, công trình trên đất để chuyển dịch quyền sử dụng đất, làm thủ tục đầu tư, xây dựng... Mỗi công đoạn đều phải qua nhiều cơ quan chức năng và mất nhiều thời gian, công sức.
Ông David John Whitehead, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham) cho rằng, cơ sở hạ tầng thông suốt nhằm giảm thời gian, chi phí logistics là điều mang tính tiên quyết để hút đầu tư vào miền Tây. Tuy nhiên, điều này lại là điểm nghẽn lớn của ĐBSCL. Một điểm trừ cho ĐBSCL là thủ tục hành chính. Thời gian qua, dù có nhiều thay đổi, nhưng quy trình, thủ tục xin cấp phép đầu tư cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số giấy phép khác vẫn chậm. Đặc biệt tình trạng “quan liêu” trong giải quyết thủ tục hành chính cần được chấn chỉnh để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp.
Công nhân kiểm tra chất lượng cá giống ở cơ sở chăn nuôi trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận, nhất là trong tiếp cận các chính sách ưu đãi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Việc quy định dự án có quy mô, công suất cao dẫn tới ít doanh nghiệp có khả năng đáp ứng điều kiện hỗ trợ; việc quy định các địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ cũng gặp nhiều khó khăn do tỉnh phải tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực khác. Tỉnh còn thiếu các ngành công nghiệp hỗ trợ, phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp nên chi phí đầu tư còn cao....
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, ĐBSCL thu hút 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng 15% so với năm 2022. Dù tăng nhưng quy mô vốn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như dư địa phát triển của nông nghiệp của vùng đất “Chín Rồng”.
Triển khai đồng bộ các chính sách
Để thu hút nhà đầu tư, bên cạnh "trải thảm đỏ" bằng các ưu đãi như áp dụng giảm thuế của TP. Cần Thơ hay hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường và nguồn nguyên liệu chế biến đạt chất lượng cao nếu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Hậu Giang... ngành chức năng cần sớm triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, có thể ban hành một số chính sách như bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường hay hỗ trợ phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.
Phát triển nông nghiệp bền vững luôn cần có cơ chế, chính sách phù hợp và ổn định. Chính vì vậy, giải pháp hiệu quả là kết hợp được giữa cơ chế, chính sách của Trung ương vận hành vào từng địa phương và từng địa phương có những cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư hiệu quả. Để làm được thì giữa các địa phương cần có cơ chế trao đổi thông tin. Khi có thông tin, hiểu được nhu cầu của nhà đầu tư, chủ thể tham gia sản xuất, lúc đó có thể đưa ra được những chính sách “Win-Win” (đôi bên cùng có lợi) thì sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp sẽ hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Ðề, để tạo điều kiện thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và PTNT, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ ngành Trung ương và địa phương cần ban hành công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án mời gọi đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc biệt, đặc thù, có tính chất dài hạn. Thu hút, tạo xu hướng đầu tư xanh trong nông nghiệp. Gắn mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp với bảo vệ môi trường, bảo vệ các vùng sinh thái để phát triển bền vững.
Nông nghiệp được xem là nền tảng của nền kinh tế vùng ĐBSCL nhưng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhằm tạo tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư thực sự hiệu quả, Cần Thơ đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách như: Nghị định số 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đó là xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Ông Hè cho biết thêm, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ sẽ khuyến khích hình thành mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”. Khi đầu tư vào dự án tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ doanh nghiệp sẽ được hưởng những chính sách, ưu đãi theo quy định.
Trung tâm sẽ thu hút các dự án đầu tư chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế đối với sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin, là nơi để để tập trung bảo quản chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực của vùng ĐBSCLcó lợi thế; Tính hệ thống hoàn chỉnh về kết cấu hạ tầng giao thông (đường biển, đường bộ, đường hàng không) là nơi kỳ vọng phẩm nông sản của ĐBSCL được vươn nhanh hơn, xa hơn, ông Hè nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ÐBSCL, Bộ đang hướng đến đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền kinh tế xanh và kinh tế số. Bộ cũng đang xây dựng nghị định về cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp và triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL", xây dựng đề án về logistics nông sản và đề án về kinh tế trang trại... Qua đó, thúc đẩy đầu tư, phát triển các vùng nguyên liệu nông sản theo hướng xanh, phát thải thấp gắn đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển các dịch vụ logistics hỗ trợ và công nghệ số để chuyển đổi mạnh từ sản lượng sang giá trị.
Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án logistics nông sản, trong đó tập trung vào 3 trung tâm lớn. Một là trung tâm logistics ở ngay vùng nguyên liệu để đảm bảo được kho chứa hàng, kho chứa nguyên liệu, rồi dịch vụ tư vấn về luật để giúp cho người nông dân, thì những trung tâm này nằm rải rác ở các quận, huyện. Trung tâm thứ hai là ở các thành phố lớn để vừa có chức năng chế biến sâu, vừa đảm bảo xuất khẩu. Mô hình thứ ba đó là mô hình ở các cửa khẩu thì chúng tôi cũng làm các trung tâm dịch vụ logistics chủ yếu là trữ hàng để mà xuất sang các nước, chính cái dịch vụ này giảm giá thành rất lớn cho chi phí sản xuất, Thứ trưởng Nam nêu rõ.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 10 tháng xuất khẩu nông sản đạt hơn 43 tỷ USD và ngành nông nghiệp đang cố gắng đạt mục tiêu năm nay xuất khẩu 45 tỷ USD. Hiện đã có những dấu hiện khởi sắc, đặc biệt là xuất khẩu rau quả đã đạt gần 5 tỷ USD, vượt dự báo. Còn về xuất khẩu gạo đến nay đạt gần 4 tỷ USD và đến giờ này là lượng gạo vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước và cân đối xuất khẩu. Xuất khẩu thủy sản đã đạt trên 7 tỷ USD và dự báo từ nay đến cuối năm cá tra và tôm sẽ khởi sắc trở lại, hiện đã bắt đầu có những tín hiệu tốt nhưng cũng cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đạt mục tiêu. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.