Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 9 năm 2023 | 21:17

Vượt thách thức, ngành nông nghiệp vững vàng tận dụng cơ hội mới

Hội nhập quốc tế giúp nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường, đối tác phù hợp, có nhiều lợi thế hơn trong thương mại. Nông sản, thực phẩm đã có sự bứt phá bất chấp những khó khăn chung.

Sơ chế nông sản ở Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (Lâm Đồng). (Ảnh: Quang Hiếu)

Nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu

Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực nhờ cắt giảm thuế quan như các mặt hàng gạo, cà phê, thủy sản, rau quả. Nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường, đối tác phù hợp, có nhiều lợi thế hơn trong thương mại.

Bên cạnh đó, với những lợi thế về nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, nông sản Việt Nam có những thế mạnh nhất định để cạnh tranh trên thị trường thế giới với nông sản xuất khẩu.

Thứ nhất là nhu cầu về lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng mạnh. Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự mất ổn định và biến động về kinh tế, chính trị thế giới, mối lo ngại về an ninh lương thực mở ra nhiều cơ hội trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang rất nhiều thị trường trên thế giới đặc biệt là những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản… Với nhiều thuận lợi trong sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như hoa quả vùng nhiệt đới đặc trưng cho khí hậu của Việt Nam và nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu nhiều thị trường, trữ lượng ngày càng lớn và có thể cung cấp cho những thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao như Trung Quốc. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ những vị trí đứng đầu trong xuất khẩu trên thế giới như cà phê, lúa gạo, hạt điều…

 Thứ hai là Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có nhiều cam kết rất chặt chẽ. Trước tiên là lộ trình giảm thuế về 0% cho hầu hết các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời có nhiều quy định mới về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường. Các FTA thế hệ mới tác động tích cực tới hoạt động thương mại, xuất khẩu thông qua thúc đẩy các dòng thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ.

Như hiệp định EVFTA từ khi có hiệu lực từ tháng 8/2020, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất sang EU đã tăng lên hơn 20% trong những năm vừa qua. Các FTA thế hệ mới cũng góp phần giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các nước trong thị trường nội khối có mức tăng trưởng khá cao.

Thứ ba là sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ của khoa học công nghệ với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhều cơ hội cho chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản Việt Nam. Công nghệ số sẽ hỗ trợ, góp phần chuyển từ hệ thống canh tác và phân phối truyền thống sang hệ thống canh tác thông minh, phân phối hiện đại tích hợp với các nền tảng trực tuyến và kết nối các quốc gia với nhau.

Thứ tư là phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu. Chuỗi cung ứng nông sản bao gồm doanh nghiệp, nhà thu gom hàng nông sản, nhà sản xuất, chế biến và phân phối, các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics tham gia vào quá trình chuyển đổi hàng nông sản từ trang trại nuôi trồng cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Mục tiêu của chuỗi là đảm bảo cung cấp một cách hiệu quả cho thị trường quốc tế sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, tiện lợi với mức giá phù hợp và sự lựa chọn đa dạng, cũng như thân thiện với môi trường, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trên thị trường.

Những “gương mặt” sáng

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD, xuất siêu 6,73 tỷ USD, tăng 6,4%.

Việc đạt 100 điểm SRP giúp Lộc Trời tạo ấn tượng mạnh với các nhà mua hàng quốc tế. (Ảnh: L.T)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, xuất siêu của nông nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao trong xuất siêu của cả nền kinh tế. Năm 2022, xuất siêu của ngành nông nghiệp đạt 8,76 tỷ USD, chiếm 77,41%, đây là nguồn ngoại tệ để mua trang thiết bị công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 - 55 tỷ USD, đồng thời thặng dư thương mại tương đối tốt để góp phần vào công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước và ngành nông nghiệp nói riêng.

Đáng chú ý, hiện Việt Nam có 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên với trị giá 11,89 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 mặt hàng này chiếm tới 88% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong đó, có 3 mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm, bao gồm rau quả, cà phê và gạo. Cụ thể, mặt hàng rau quả đạt 3,49 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 4,99 lần so với năm 2013 (đạt 0,7 tỷ USD).

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2023, trong khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ, Việt Nam vẫn còn vùng sầu riêng ở Tây Nguyên chưa khai thác, cùng với một số mặt hàng trái cây khác dự đoán xuất khẩu rau quả cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch sẽ bằng dự đoán quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho năm 2025 - sớm hơn kế hoạch 2 năm.

Ngoài rau quả, tính đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo cũng đã đạt 5,85 triệu tấn và 3,17 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kỷ lục mà ngành gạo đạt được cả về sản lượng, giá trị và đơn giá xuất khẩu nhờ cơn sốt lương thực toàn cầu của năm nay và Việt Nam đã tận dụng được lợi thế. Thị trường gạo dự báo sẽ biến động tăng khi Indonesia vừa thông báo mở thầu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm từ các nước: Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia. Như vậy, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo đạt mức 5 triệu tấn và 3 tỷ USD chỉ trong vòng 8 tháng. Nếu tiếp tục đà tăng trưởng như hiện tại, năm 2023 Việt Nam chắc chắn sẽ vượt mốc 3,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 (là mốc cao nhất trong vòng 10 năm trở lại) và dự kiến lượng xuất khẩu sẽ vượt mốc 7,1 triệu tấn của năm 2022.

Không ít thách thức

Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới trong thời gian tới.

Trước hết là quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng cạnh tranh. Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 FTA. Tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là một thách thức lớn đặt ra, xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường.

 Với lợi ích thu được từ Hiệp định, nhất là những ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Khi đó nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm.

Quá trình hội nhập làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp. Các nước đang phát triển mạnh sản xuất nông sản với chất lượng cao cũng trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu gạo như Campuchia, Myanmar; xuất khẩu thủy sản như Ấn Độ, Mexico, Indonesia.

Tiếp đến là yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao. Thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác hợp lý, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm như thủy sản, rau quả, gỗ...

Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

Ngoài ra, nông sản cũng sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội.

Thứ ba là chủ nghĩa bảo hộ thương mại xuất hiện trở lại. Những biến động kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới như dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga-Ukraine, xung đột thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, xung đột lãnh thổ trong các khu vực và giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia dẫn đến xu hướng bảo hộ gia tăng. Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và hiệu quả sản xuất, giảm sức cạnh tranh về giá của nông sản Việt Nam, giá xăng dầu biến động tạo bất ổn trong hệ thống sản xuất kinh doanh.

Thứ tư là phải đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ. Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn đối với phát triển công nghệ ngành nông nghiệp. Việt Nam có nông nghiệp chưa thực sự phát triển, sản xuất còn manh mún, năng suất thấp, công nghệ lạc hậu.

Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về môi trường đối với xuất khẩu nông sản chủ lực, cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là công nghệ số như hiện nay.

Để làm được cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh, đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Thách thức cuối cùng là nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm cùng với biến đổi khí hậu. Nguồn tài nguyên đang dần bị suy thoái và cạn kiệt, sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, đô thị hóa làm thu hẹp diện tích đất đai, diện tích rừng đầu nguồn. Nước sông, biển đang bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do có nhiều độc tố từ các chất thải kim loại nặng, chất thải hữu cơ, vô cơ từ sinh hoạt, sản xuất, các dư lượng hóa dược nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các tác động của thiên tai như biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết xảy ra bất thường, nhiệt độ tăng cao, mưa đá, nước biển dâng, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh hàng nông sản trong đó đặc biệt là các hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, rau quả, thủy sản, gỗ.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Cửu Long An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giữ vững đà tăng

Dù đối diện nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng để có thể đặt niềm tin vào tăng trưởng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nông sản, thực phẩm đã có sự bứt phá trong những năm gần đây bất chấp những khó khăn chung cũng như biến động khó lường của thị trường thế giới và sự xáo trộn của chuỗi cung ứng. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỷ USD. Việt Nam hiện là nhà cung ứng trong Top 3 thế giới về cà phê, gạo, lớn thứ nhất về hạt điều, hạt tiêu…

Đặc biệt, nhiều loại nông sản của Việt Nam như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây.

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc SPS Việt Nam, đánh giá với việc Việt Nam gia nhập WTO, nước ta đã hoàn thiện mọi khuôn khổ pháp lý, quy định liên quan đến quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, là những lĩnh vực quan trọng đối với thương mại nông sản và thực phẩm quốc tế.

Việc hoàn thiện các khuôn khổ này đã nâng cao đáng kể khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định để hướng dẫn và khuyến khích đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản và thiết lập chuỗi cung ứng từ sản xuất đến xuất khẩu. Nhờ đó, các chuỗi cung ứng sẽ tăng tính cạnh tranh về giá của sản phẩm Việt Nam.

Trong thời gian tới, để giữ vững đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông sản, ông Hòa cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập toàn cầu. Theo đó, nguồn lực sẽ được phân bổ ưu tiên cho công tác quản lý giám sát an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch đến bảo quản, chế biến. Cùng với đó, sẽ tập trung kết nối tiêu dùng trong nước và quốc tế. Các quy định, thông tin phân tích thị trường và sở thích của người tiêu dùng sẽ được cập nhật để phát triển các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thành lập các vùng nguyên liệu để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng logistics trong chuỗi cung ứng nông nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra còn có những giải pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản.

Trên thực tế, nhiều DN Việt Nam như Lộc Trời, Pan Group, TTC AgriS… đã có sự đầu tư bài bản về vùng nguyên liệu và công nghệ sản xuất, chế biến đáp ứng các yêu cầu không chỉ về chất lượng mà cả các tiêu chuẩn về xanh, bền vững của các thị trường khó tính. Trong đó, Lộc Trời là DN đầu tiên trên thế giới đạt 100 điểm trong chương trình canh tác lúa gạo bền vững (SRP). Lộc Trời đã xuất khẩu thành công sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng lên kệ 2 siêu thị lớn tại Pháp. Các sản phẩm đường chế biến sâu của TTC AgriS cũng đã xuất khẩu đi gần 30 thị trường, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, châu Âu… Còn tại PAN Group, các công ty thành viên ngày càng gia tăng dấu ấn tại các thị trường lớn đối với hàng loạt sản phẩm nông sản được chễ biến sâu như hạt điều, cà phê, hoa, thủy sản…/.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top