Chuyển đổi số sẽ giải quyết nỗi đau của ngành Nông nghiệp và người nông dân, xóa đi những "hố đen" của ngành này.
Số hóa tiết kiệm cả nghìn tỷ đồng
Tại “Diễn đàn kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp”, ngày 4/11, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, cho biết, trước khi thực hiện số hóa, một bộ hồ sơ về sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) từ huyện lên tỉnh dày tới 400-500 trang. Một lần nộp hồ sơ tối thiểu mất 10 triệu đồng.
Năm 2020, nhận thấy quá tốn kém nên các công đoạn này được số hóa. Kết quả, thay vì mất khoảng 850 tỷ đồng chi phí làm hồ sơ cho hơn 8.500 sản phẩm OCOP theo kiểu cũ, thì chi phí đầu tư cho phần mềm chấm và đánh giá sản phẩm không lớn.
Ngoài ra, trung tâm từng bước đưa số liệu từ cấp đăng ký, nhập liệu, chứng nhận VietGAP... vào hệ thống dữ liệu của 8.500 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm sẽ có đầy đủ thông tin từ sản lượng, nguồn nguyên liệu, phân phối...
Số hóa quản lý sản phẩm OCOP giúp thông tin minh bạch, tiết kiệm 850 tỷ đồng (ảnh: Tâm An)
"Chuyển đổi số ngay từ khâu đăng ký giúp giám sát đường đi, truy xuất và thấy các sản phẩm đã được cải tiến, nâng cao chất lượng thông qua thang điểm đánh giá", ông nói.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Bagico, nhận định, một trong những đối tượng hưởng lợi là người dân và doanh nghiệp, song cách khai thác chương trình ứng dụng chuyển đổi số vẫn còn một số hạn chế.
Bà lấy ví dụ từ Trung Quốc, nền tảng được đầu tư bài bản và là bắt buộc từ quản lý vùng trồng, thu mua, khai báo, lưu thông, sàn thương mại điện tử... Nhưng quản lý hồ sơ thì đối với Việt Nam lại gặp rào cản lớn về mặt nhận thức, nên cần tăng cường đào tạo cán bộ cấp thôn, xã, cộng tác viên nông nghiệp... vì đây là cánh tay nối dài để đưa chuyển đổi số vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, thừa nhận, các hợp tác xã và nông dân ứng dụng công nghệ trong sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn. Cần xây dựng chương trình đào tạo phát triển nhóm lao động có tri thức cao để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân là "rất cấp thiết". Qua đó, thay đổi vị thế của nông dân bằng chuyển đổi số.
Nông dân chuyên nghiệp làm chủ không gian số
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường - nhắc lại lời của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan: Chuyển đổi số sẽ giải quyết nỗi đau của ngành nông nghiệp và người nông dân, xóa đi những "hố đen" của ngành này trong sản xuất, trong tư duy.
Ông cho biết, có 12.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường mà lý do chính là bởi chưa có hệ sinh thái ngành hàng, sinh thái thông tin, chưa có cơ sở dữ liệu đánh giá thị trường, chưa kết nối được với nhau.
Chuyển đổi số giúp xóa dần "hố đen" về thông tin dữ liệu, truy xuất nguồn gốc... trong nông nghiệp (Ảnh: Tâm An)
Về cơ sở dữ liệu, Bộ đang chỉ đạo hai mũi nhọn đầu tiên áp dụng là trồng trọt và chăn nuôi. Mã hóa vùng trồng, mã hóa thức ăn chăn nuôi. Nếu các hợp tác xã không có nền tảng dữ liệu, không có các sản phẩm được định danh, không truy xuất được nguồn gốc thì gần như không thể đưa hàng hóa lên không gian mạng.
Hiện mới có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trên nền tảng Alibaba, năm tới phấn đấu thêm 1.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng hơn là kỹ năng đưa hàng hóa lên mạng. Mỗi hợp tác xã là nền tảng để xã viên tiếp cận cơ sở số hóa dữ liệu, ông lưu ý.
Cũng theo ông Toản, cả nước có khoảng 5.000 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề nông nghiệp. "Đây là dư địa rất lớn, cần có cơ sở dữ liệu làng nghề. Bởi, giá trị văn hóa sẽ lan tỏa bằng công nghệ. Khách du lịch đến với làng nghề qua không gian mạng trước tiên, cũng là dữ liệu để chúng ta mang ra thế giới.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…