Những biến động về kinh tế và nhu cầu tiêu thụ giảm đã tác động mạnh đến chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, dù biến động, nhưng ngành cá tra cũng chỉ biến động trong biên độ của chu kì 2022-2023, trên tổng thể thời gian 3 năm, biến động xuất khẩu cá tra Việt Nam của năm 2023 được đánh giá là kì vọng của sự tăng trưởng trong năm 2024.
Nhiều tín hiệu khả quan
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Mặc dù xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường giảm, đặc biệt là thị trường châu Âu và Trung Quốc nhưng ngành cá tra được các chuyên gia đánh giá vẫn có nhiều tín hiệu khả quan trong năm sau.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: hiện tại dù giảm thị phần tại một số thị trường nhưng xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh…Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, .
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2023 ước đạt hơn 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu cá tra tại các thị trường trong thời gian tới vẫn còn rất lớn, nhất là các sản phẩm cá tra chế biến sâu. Cụ thể, Mỹ thuộc Top đầu các thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Trong những tháng cuối năm, nhu cầu cá tra tại thị trường này sẽ tăng, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh nhập khẩu cá tra để phục vụ người tiêu dùng dịp năm mới.
Tại thị trường châu Âu (EU), nhu cầu về cá tra Việt Nam đã tăng trở lại. Việt Nam cũng kỳ vọng thị trường EU sẽ là điểm sáng xuất khẩu trong năm sau khi được đánh giá là có nền kinh tế ổn định hơn so với các thị trường trọng điểm khác.
Đánh giá về những triển vọng của ngành cá tra, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, mặc dù năm 2024 còn nhiều khó khăn thách thức, song ngành cá tra vẫn đề ra mục tiêu sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD… Để đáp ứng mục tiêu này, ngành thủy sản cần sẵn sàng các phương án để ứng phó tốt hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khó khăn, các quy định, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe.
Theo đó, ngành thủy sản cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng cá tra theo nhu cầu thị trường; bảo đảm cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất giống, nhất là các cơ sở ương dưỡng giống cá tra và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định. Các cơ quan quản lý tại địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường để tạo ra con cá tra chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Triển vọng thị trường truyền thống
Là một trong những thị trường truyền thống nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc là thị trường được kì vọng phát triển con cá tra trong năm 2024. Những năm gần đây, thị trường này luôn nằm trong Top 3 nhà nhập khẩu cá tra nhiều nhất, sau Mỹ và Nhật Bản.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết, trong thời điểm “nóng” sụt giảm các đơn hàng của Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc và Hong Kong ổn định, tăng trưởng dương trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 11/2023. Nhìn chung tổng thể cả năm không bị ảnh hưởng nhiều. Đây là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong các thị trường truyền thống.
Mặc dù đối diện với nhiều sự cạnh tranh khác nhưng con cá tra Việt Nam vẫn là sự lựa chọn ổn định khi nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia ngành cá tra đánh giá, giai đoạn cuối năm 2023 Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm. Thêm vào đó, dịch COVID-19 đã được khống chế, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhưng không dành nhiều ngân sách cho sản xuất thủy sản nội địa vì đây là ngành hàng không cho lợi nhuận cao. Chính vì vậy, con cá tra Việt Nam có thêm cơ hội với thị trường này, và Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu. Cũng theo thông tin từ VASEP, Trung Quốc hiện nay đang sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam; trong đó, có con cá tra.
Đặc biệt, con cá tra hiện đang có lợi thế tại các thị trường khác như châu Âu, Algeria… Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp với hệ thống siêu thị Carrefour tại Algeria tổ chức hoạt động giới thiệu và quảng bá các sản phẩm của Việt Nam là cà phê và phi lê cá tra-basa tại đại siêu thị Carrefour thuộc Trung tâm thương mại City Center ở Thủ đô Algiers.
Theo VASEP, mặc dù có bờ biển dài hơn 1.000 km2 và bắt đầu nuôi cá biển song Algeria mỗi năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thủy hải sản các loại, chủ yếu là cá phi lê với kim ngạch khoảng 100 triệu USD/năm. Cá tra-basa phi lê đông lạnh của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường này với giá bán tại các cửa hàng, chợ và siêu thị dao động từ 7,5-13,8 USD/kg (khoảng 180.000- 330.000 đồng/kg). Các khách hàng địa phương sau khi dùng thử sản phẩm Việt Nam đều có cảm nhận tốt và đánh giá cao hương vị cũng như chất lượng sản phẩm; trong đó, có sản phẩm cá tra Việt Nam. Đây được xem như một tín hiệu tốt cho con cá tra trong năm 2024.
Bên cạnh triển vọng từ các thị trường quốc tế, thị trường nội địa vẫn là một thị trường luôn ủng hộ ngành cá tra, trong bất kì hoàn cảnh nào. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vĩnh Hoàn cho biết: Thuỷ sản Vĩnh Hoàn hiện là doanh nghiệp đứng đầu ngành trong chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước.
Trong giai đoạn cuối năm 2023, tình hình tiêu thụ cá tra tại các thị trường xuất khẩu có biến động giảm, như doanh thu xuất khẩu sang Mỹ - vốn là thị trường chủ lực của thuỷ sản Vĩnh Hoàn chỉ đạt 213 tỷ đồng (chiếm 40% tổng doanh thu xuất khẩu), giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, còn Trung Quốc đạt 63 tỷ đồng, giảm nhẹ 3%.
Trong khi đó, thị trường nội địa tiếp tục trở thành bệ đỡ cho thuỷ sản Vĩnh Hoàn trong tháng 12/2023 với doanh thu ước đạt 325 tỷ đồng (chiếm 38% tổng doanh thu), tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Vĩnh Hoàn kỳ vọng thị trường nội địa vẫn giữ được vị thế vệ đỡ cho con cá tra Việt Nam trong năm 2024 để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-ca-tra-viet-nam-ky-vong-nam-2024-20240101123036180.htm
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…