Hơn 30 năm đổi mới nông nghiệp VN đã có những bước chuyển biến tích cực, ngoài việc cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm, cải thiện cuộc sống cho hơn 90 triệu dân, hàng năm đã đóng góp 18%-20% GDP, 23%-35% giá trị xuất khẩu cho nền kinh tế.
Vườn bưởi da xanh có giá trị tiền tỷ của gia đình bác Đàm Văn Long được hình thành từ nguồn vốn vay Agribank.
Thành tựu của nông nghiệp Việt Nam đạt được bên cạnh chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có vai trò quan trọng của người Nông dân – chủ thể của hoạt động, cùng sự đồng hành tích cực của các Tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển “Tam nông” chiếm đến trên 51% thị phần toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.
Cùng Nông dân “vươn ra biển lớn”
Tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do vào năm 2015 vừa mở ra cho Việt Nam vận hội mới để hội nhập và phát triển, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là đối với nền nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xác định là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào người nông dân đóng vai trò trụ cột và là “mắt xích” then chốt trong quá trình này.
Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm… đòi hỏi người nông dân phải biết cách làm ăn, hay nói cách khác, họ phải là những nông dân trí thức, khi biết định hướng trong sản xuất, đảm bảo đầu ra của sản phẩm, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt từ sự đầu tư đầy đủ về giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái, chế biến và bảo quản; biết liên kết với nhau thành một tổ hợp hay hợp tác xã để có vùng sản xuất với quy mô, diện tích lớn, chấm dứt tình trạng manh mún, riêng lẻ...
Với 30 năm gắn bó đồng hành thủy chung cùng bà con nông dân, nhận thấy những thách thức cũng như sự “bấp bênh” người nông dân phải đối mặt trên hành trình hội nhập “sân chơi” chung toàn cầu của nền nông nghiệp nước nhà, Agribank kiên định mục tiêu đồng hành cùng bà con nông dân, hằng năm luôn dành trên 70%/tổng dư nợ đầu tư phát triển “Tam nông”. Nhiều mô hình sản xuất lớn trên khắp mọi vùng miền cả nước được hình thành, xuất hiện ngày càng nhiều nông dân triệu phú, tỷ phú.
Tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình bác Đàm Văn Long (ấp 7, xã An Phú) là một điển hình về tính liên kết giữa Nông dân – Ngân hàng- Nhà khoa học. Đến nay, gia đình bác Đàm Văn Long có quan hệ vay vốn với Agribank (chi nhánh Châu Thành, Bến Tre) đã hơn 20 năm và hiện tại vẫn đang tiếp tục duy trì quan hệ tín dụng với Agribank.
Trên khu vườn rộng 4ha, chủ yếu đất đai của ông bà để lại và mua một phần, hiện nay, gia đình bác trồng gần 2.000 cây bưởi da xanh, đem lại giá trị kinh tế rất cao. Để có vườn bưởi da xanh giá trị này, gia đình bác Long đã trải qua nhiều lần cải tạo vườn, thay đổi giống cây ăn trái liên tục.
Mỗi lần thay đổi như vậy rất khó khăn về vốn bởi giai đoạn đầu chuyển đổi phải mất 3-4 năm mới cho trái thành quả, trong khi phải đầu tư cơ sở hạ tầng với chi phí nhất định, do đó rất cần Ngân hàng hỗ trợ vốn. Và trên thực tế, Agribank đã hỗ trợ kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Với sự đồng hành gắn bó của Agribank, trên cả nước ngày càng xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú Nhờ có nguồn vốn được cung ứng kịp thời, đầy đủ, gia đình yên tâm từng bước cải tạo vườn, thay đổi giống, mạnh dạn đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục như hệ thống tưới tiêu, hàng rào… Dừa lão hóa, nhãn lỗi thời, ca cao thu nhập ko bằng cây bưởi nên gia đình mạnh dạn chặt bỏ.
Theo bác Đàm Văn Long, để trồng cây ăn trái đạt chất lượng, đối với nông dân trước tiên phải học hỏi kỹ thuật cho đúng mức và áp dụng vào mảnh vườn canh tác; Chọn giống cho chuẩn, biết sử dụng đất cho phù hợp với từng loại cây; Chú trọng bón phân, nước đầy đủ; đảm bảo vệ sinh thường xuyên để hạn chế sâu bệnh. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật này phải dựa vào các nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp… Bưởi da xanh có chất lượng hàng đầu của gia đình bác được thương lái đến tận vườn thu mua đưa xuất khẩu đi nhiều nước.
Tại một tỉnh thuần nông như Bến Tre, những mô hình sản xuất giỏi như gia đình bác Đàm Văn Long không phải là hiếm. Với sự đồng hành của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn, riêng Agribank Bến Tre, đến 31/3/2018, dư nợ của Chi nhánh là 11.083,9 tỷ đồng, trong đó dư nợ hộ sản xuất và cá nhân chiếm đến 10.625,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,9%; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 10.557,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,2% với 87.991 khách hàng.
Chi nhánh quán triệt áp dụng chính sách cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho khách hàng khu vực nông thôn tiếp cận vốn vay, giảm bớt hồ sơ thủ tục vay vốn, chi phí cho khách hàng.
Đồng hành cùng nông dân thời hội nhập, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, Agribank Bến Tre đã triển khai mô hình cho vay theo chuỗi liên kết các sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất, nhà cung ứng đầu vào-đầu ra và ngân hàng đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh (8 loại cây, con theo Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre).
Đến nay, Chi nhánh đã ký hợp đồng tham gia 11 chuỗi liên kết gồm 07 chuỗi thủy sản, 03 chuỗi trái cây, 01 chuỗi nuôi bò… Chi nhánh chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh ký kết và thực hiện Chương trình Hợp tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; chú trọng cho vay qua tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề truyền thống đối với các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp của tỉnh (theo Chương trình hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng đối với các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp năm 2016 UBND tỉnh Bến Tre)…
Nhờ đó, nông dân Bến Tre có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, chí thú làm ăn, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt thu nhập cao. Bên cạnh làm kinh tế giỏi, các nông dân còn góp phần tích cực trong giải quyết việc làm tại địa phương, tham gia tốt các hoạt động xã hội trên địa bàn, góp phần đưa Bến Tre trở thành một trong số địa phương có mô hình trồng cây ăn quả lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Ngân hàng duy trì hoạt động tốt, cung ứng các sản phẩm dịch vụ đa dạng, phong phú, được đổi mới, cải tiến phù hợp với môi trường, điều kiện và dân trí khu vực nông thôn, hanh thông các kênh dẫn vốn đến trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đều có thể tiếp cận được nguồn vốn vay an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, qua đó tích cực góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, đảm bảo tình hình trật tự an toàn xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Còn đó những trăn trở, mong muốn sự sẻ chia
Mặc dù nông nghiệp Việt Nam thời gian vừa qua đạt được những kỳ tích, song những trăn trở về một nền nông nghiệp phát triển bền vững vẫn hiện diện ở những người nông dân tâm huyết. Có vườn bưởi da xanh 2.000 cây đem lại lợi nhuận lớn, nhưng lão nông Đàm Văn Long mong muốn tham gia GAP (sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu và tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) để mỗi nhà vườn có thương hiệu riêng, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa của nông sản.
Đây cũng là mong muốn của nhiều bà con nông dân nơi đây. Tuy nhiên, điều ông Long băn khoăn, trăn trở và chưa thật sự yên tâm tham gia vì quy trình này không hề dễ bởi phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí khắt khe, khó, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các “Nhà”…
Agribank hanh thông nhiều kênh dẫn vốn trực tiếp đến người dân
Chia sẻ cùng với những trăn trở của người nông dân về các vấn đề liên quan như thị trường, đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tình trạng dư thừa nông sản, “được mùa mất giá”, đầu ra tiêu thụ sản phẩm, tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, đồng thời với nhận thức sâu sắc những thách thức đặt ra đối với mục tiêu phát triển xanh, sạch, an toàn, bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Agribank luôn chú trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Đồng hành cùng nông dân bứt phá phát triển bền vững thời hội nhập là một trong những mục tiêu kiên định của Agribank. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, bản thân Agribank cũng mong muốn được chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Mặc dù cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường bình đẳng với các ngân hàng khác, song Agribank lại gánh trách nhiệm hoạt động trong lĩnh vực có tỷ trọng sinh lời thấp, chi phí cao, một lĩnh vực chịu khá nhiều rủi ro lớn bởi thời tiết thất thường, thị trường bấp bênh… Chưa kể, mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù rất nỗ lực triển khai hiệu quả Nghị định 55 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp những bất cập nhất định trong việc xác định tài sản thế chấp, bất cập trong cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp nông thôn, bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp (như nhà xưởng sản xuất hay các hạng mục công trình ao cá) theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; Tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro…
Hiện nay, người nông dân vẫn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của kinh tế hộ, sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, giá thành cao, không thương hiệu và chưa thoát khỏi điệp khúc “được mùa rớt giá”. Với phương thức sản xuất hiện nay đã làm cho chi phí vốn tăng cao và hoạt động của ngân hàng trở nên quá tải. Mỗi cán bộ tín dụng Agribank hiện nay đang phải phục vụ từ 500 đến 1000 hộ nông dân vay vốn và có nơi còn cao hơn.
Để hỗ trợ người nông dân cũng như nâng cao giá trị nông sản, Agribank mong muốn sớm có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia đối với nông sản Việt, đồng thời phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng, tái bảo hiểm các khoản vay lớn để hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cây trồng vật nuôi tạo điều kiện cho người nông dân.
Với 30 năm gắn bó cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mong muốn cùng lực lượng nông dân cả nước “vươn ra biển lớn”, hội nhập thành công trong “sân chơi” toàn cầu, Agribank mong muốn những bất cập của nền nông nghiệp, những trăn trở của người nông dân sớm được tháo gỡ, cùng vì mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển an toàn, bền vững./.
Viết Chung