Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 8 năm 2017 | 2:2

Ấm áp tình người

Trận lũ quét đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân Yên Bái, Sơn La, Điện Biên,... Nhưng điều ấm lòng là dường như tấm lòng của tất cả người dân trên mọi miền đất nước đều hướng về những nơi này, chia sẻ, động viên từ những điều nhỏ nhất.

500 thanh niên cõng gạo, nước đi bộ 10 km tiếp tế người dân bị cô lập ở Sơn La. Ảnh: Thanh Trang.

Thiệt hại nặng nề

Phải rất khó khăn chúng tôi mới có thể đến được Lao Chải (Mù Căng Chải - Yên Bái), xã ảnh hưởng nặng nề của lũ quét, nơi hầu hết dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Chỉ vào những tảng đá to bằng gian nhà án ngữ giữa lòng suối, Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải Trần Minh Vấn ngậm ngùi: Chỗ này trước có cây cầu dân sinh bắc ngang, nhưng chỉ sau một đêm bị tảng đá này nghiền nát. Toàn xã có 17 nhà bị lũ cuốn hoàn toàn, một em nhỏ bị chết do sạt đất. Nhà cửa, ruộng lúa, hoa màu đều bị lũ cuốn phăng, mất trắng.

Tiếp tục men theo con đường mòn toàn đất đá, đi khoảng 5km đường dốc thẳng đứng, chúng tôi đến trung tâm xã Kim Nọi, nơi bị thiệt hại khá nặng nề: 4 nhà bị nước cuốn trôi hoàn toàn; 3 người mất tích, 2 người chết, 1 người bị thương, đặc biệt, toàn trẻ em bị mất tích. Từ trung tâm thị trấn đi tới các bản, nhiều đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng, phương tiện duy nhất để vào bản là... cuốc bộ.

Anh Sùng A Hờ ở bản Kháo Giống cho biết, đây là trận lũ ống lịch sử, kinh hoàng chưa từng thấy, nước đổ về quá nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã cuốn đi nhiều nhà và tài sản của người dân. Nhiều hộ may mắn chạy thoát nhưng mất hết, đến nền nhà cũng không còn, ở đó giờ chỉ là đất đá.

Nằm cạnh dòng Nậm Mơ, chính tâm của lũ quét cho nên Trường tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải đã biến thành  bãi rác khổng lồ. Sân trường ngổn ngang những viên đá lăn từ núi xuống, bùn ngập cao, rác thải chất đầy sân và các phòng học. Toàn bộ khu nhà tập thể của giáo viên gồm năm phòng ở, khu nhà bếp, hai công trình vệ sinh, nhà để xe, hệ thống đường dẫn nước sạch, bốn phòng học cùng nhiều công trình phụ trợ khác bị biến dạng hoàn toàn, còn trơ nền gạch. Cả chín phòng học đã ngập hoàn toàn trong bùn đất khi cơn lũ tràn qua. Bàn ghế hư hỏng, toàn bộ hệ thống hàng rào, cổng, tường, bờ kè đã bị phá hủy. Khu vực sân chơi ngoài trời cho trẻ em bị ngập bùn hoặc bị nước lũ cuốn phăng, không thể sử dụng. Các thiết bị, đồ dùng học tập, loa đài, tám máy vi tính, tủ đồ dùng học sinh, chăn, gối, đồ dùng nhà bếp dành cho học sinh bán trú hỏng toàn bộ do ngập nước. Nhà trường có một học sinh bị mất tích do nước lũ cuốn, bốn gia đình học sinh mất hoàn toàn nhà cửa.

Sát cánh để vượt qua nỗi đau

Ông Vũ Trọng Khang, Phó trưởng Ban tìm kiếm cứu nạn huyện Mù Cang Chải, cho biết, đã huy động 400 cán bộ chiến sĩ, hai xuồng chuyên dụng rà soát ở khu vực lòng hồ. Ngoài ra, 2.000 người địa phương cũng được huy động dọn dẹp vệ sinh sau lũ, tạo điều kiện cho việc tìm kiếm người mất tích.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, đến ngày 7/8, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh đã làm 26 người chết, 15 người mất tích, 27 người bị thương, 231 căn nhà bị cuốn trôi, sập đổ. Sạt lở 25.141m3 đường quốc lộ; đường tỉnh và huyện sạt lở 117.706m3. Về thủy lợi: 145 công trình và 2.072 m kè bờ suối bị thiệt hại. Tổng thiệt hại về vật chất ước tính hơn 940 tỷ đồng.

Đại tá Phạm Hồng Chương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, chia sẻ, sau khi nhận được tin báo lũ ống xảy ra, chỉ hơn 2 tiếng sau lực lượng quân đội đã được triển khai tới địa bàn để tìm kiếm cứu nạn.

Đến nay đã huy động các lực lượng của địa phương phối hợp với lực lượng tăng cường của quân sự tỉnh, lực lượng Quân khu 2 với tổng số 2.100 người (Bộ đội 350, dân quân 500, công an 100, các ban ngành địa phương 150 và nhân dân 1.000 người); huy động 10 xe công trình, 90 xe ô tô các loại, 2 xuồng cứu hộ, 3 máy bơm công suất lớn tập trung tìm kiếm khu vực lũ ống, lũ quét và dọc theo suối Nậm Kim.

Bộ đội hiện đang phải khoan nở đá để tìm kiếm xem có người mắc kẹt bên dưới không. Hiện tất cả lực lượng đang tập trung tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tập trung khắc phục hậu quả sau lũ quét, với khối lượng đất, đá khổng lồ như vậy, chắc chắn mất khoảng thời gian dài để xử lý.

Trong những người túc trực cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ người dân sau lũ tại khu vực tổ 8, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đi lại như con thoi, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, trong đó tập trung vào các địa bàn trọng yếu như: Khu vực tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải, xã Kim Nọi, xã Lao Chải…

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, đến nay các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tiếp tục tăng cường lực lượng, tập trung tìm kiếm người mất tích, ổn định đời sống cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; phối hợp với huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu để tìm kiếm và giải quyết thủ tục khi tìm kiếm người mất tích; bố trí phương tiện, vật dụng để vận chuyển và lo thủ tục mai táng cho những người bị chết và tổ chức thăm hỏi động viên, hỗ trợ tiền, lương thực, thuốc men, vật dụng cần thiết cho các gia đình bị thiệt hại một cách kịp thời để sớm ổn định đời sống của nhân dân; tăng cường nắm bắt tình hình cơ sở đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.

Theo ông Đỗ Đức Duy, thống kê cho thấy, cơn lũ đã khiến Mù Cang Chải có 4 người chết, 10 người mất tích và 9 người bị thương; 56 nhà bị thiệt hại, trong đó nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn là 51. Tại thị trấn Mù Cang Chải, 6 công trình bị hư hỏng nặng: Trường Mầm non Hoa Lan, Trường Tiểu học và THCS thị trấn, Trung tâm Chính trị huyện, Khu tập thể trường THPT, sân vận động huyện Mù Cang Chải, Phòng Văn hóa thông tin. Xã Lao Chải bị thiệt hại 1 điểm trường của bản Tà Ghênh…

Tình người trong lũ

Trong suốt mấy ngày qua, chị Nguyễn Thúy Hà ở TP. Sơn La (Sơn La) đã cùng với nhiều bạn trẻ trên địa bàn tất bật gom và soạn hàng hóa do nhiều bạn bè từ khắp các tỉnh thành gửi về ủng hộ bà con vùng lũ Mường La. Đó là quần áo, chăn màn, sách vở, mì tôm..., những đồ dùng thiết yếu nhất lúc này để bà con không bị đói, bị rét. Chị Hà nói: “Chúng tôi rất đau xót trước những mất mát của bà con và đã kêu gọi được nhiều bạn bè ủng hộ. Bạn bè từ các tỉnh và Hà Nội đã gửi hàng qua xe khách lên lên Sơn La, sau đó chúng tôi vận chuyển vào Mường La để trao cho bà con”.

Tại điểm tiếp nhận cứu trợ của UBND huyện Mường La đặt tại tiểu khu 1, thị trấn Ít Ong có nhiều đoàn cứu trợ đến đây thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của bà con. Người dân ở các xã lân cận của huyện Mường La cũng có mặt từ nhiều ngày nay để “mỗi người một tay” cùng vận chuyển lương thực, thực phẩm tới các địa bàn đang bị chia cắt.

Chị Lê Thị Hương, người dân thị trấn Ít Ong, nói: Trong lúc khó khăn thế này , tôi và tất cả mọi người đều mong muốn được chia sẻ với bà con, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Với quyết tâm không để người dân nào bị đói, các hộ bị cuốn trôi nhà cửa phải được bố trí chỗ ở tạm, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, ngành, lực lượng vũ trang huy động lực lượng cùng với huyện Mường La tập trung khắc phục, bằng mọi cách tiếp cận những bản còn đang bị cô lập để đưa lương thực, quần, áo, nước uống và thuốc men vào cho bà con.

Tại Sở chỉ huy, đại tá Trần Xuân Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La, cho biết: Từ sáng 3/8, Bộ CHQS tỉnh đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ, 2 xe cấp cứu, 2 tổ phòng dịch, một xuồng máy cấp cứu, 36 nhà bạt 5 cơ số thuốc và các thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu, khám - chữa bệnh cho nhân dân vào hỗ trợ cho huyện. Cùng với Sở chỉ huy của huyện, Bộ CHQS tỉnh đã thành lập sở chỉ huy tại trung tâm xã Nặm Păm và bố trí 3 tổng đài phục vụ công tác thông tin liên lạc và chỉ huy. Ưu tiên số một hiện nay là tập trung lực lượng tìm kiếm những người còn bị mất tích và lo chỗ ở cho các gia đình bị thiệt hại về nhà.

Đến nay, hàng cứu trợ đã đến được tận tay bà con, tất cả những gia đình bị lũ cuốn trôi mất nhà đều được bố trí ở tại những hộ không bị ảnh hưởng hoặc lều bạt của quân đội. Đồng thời, huyện đã chi hơn 3 tỉ đồng hỗ trợ đối với những gia đình có người bị chết, bị thương, thiệt hại về nhà cửa và đang tiếp tục rà soát để hỗ trợ kịp thời.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mường La, mưa lũ đã làm 10 người chết, 5 người mất tích, 12 người bị thương; cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn 183 ngôi nhà, hư hỏng, sạt lở phải di chuyển gấp 143 nhà, vùi lấp 43 nhà. Thiệt hại khoảng 672 tỉ đồng. 

Đến thời điểm này, tỉnh Sơn La và huyện Mường La vẫn đang tập trung cho công tác khắc phục hậu quả, nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường. Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước diễn biến bất thường của thời tiết và nguy cơ có thể tiếp tục xảy ra các đợt lũ lớn.

Ngay sau khi trận lũ lịch sử xảy ra, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các địa phương đã kêu gọi cán bộ, viên chức ủng hộ ít nhất một ngày lương để chia sẻ khó khăn với đồng bào; trong đó Văn phòng Trung ương Đảng quyên góp được 421 triệu đồng; Văn phòng Quốc hội 360 triệu đồng; Văn phòng Chính phủ 400 triệu đồng... Theo thống kê sơ bộ, đến nay, Ban Cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận hơn 3,5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá 1 tỉ 50 triệu đồng cho các tỉnh Yên Bái, Sơn La và Lai Châu.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top