Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2022 | 20:40

Áp dụng khoa học công nghệ để đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lâm nghiệp

Ngày 16/5, Đại học Lâm nghiệp phối hợp các đơn vị tổ chức Hội thảo Định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022 - 2030.

Theo báo cáo của ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay ngành lâm nghiệp đang chú trọng nhiệm vụ phát triển rừng. Theo đó, trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng các loài cây bản địa, quý hiếm bình quân 4.000 - 6.000 ha/năm; phục hồi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trung bình 15.000 ha/năm; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 500.000ha vào năm 2025.

Để hoàn thành những mục tiêu này, ông Bảo nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

ln1.jpg
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

 

Cụ thể, ngành lâm nghiệp tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp. Tiến tới đến năm 2030, 100% chủ rừng là tổ chức có đủ năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng dựa trên khoa học công nghệ.

Nói về việc áp dụng công nghệ cho lĩnh vực Lâm Nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nhu cầu về đồ gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ ngày càng cao. Điều này thể hiện qua giá trị xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2021 đạt 15,87 tỷ USD, xuất siêu trên 13 tỷ USD. Con số này được dự báo tiếp đà tăng trong năm nay.

"Sức tăng trưởng này thể hiện rõ, dư địa cho ngành gỗ rất lớn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tiến dần đến việc chủ động nguyên liệu chế biến, nâng cao hơn nữa chất lượng gỗ từ rừng trồng", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Theo Thứ trưởng, ngành lâm nghiệp đang nhận sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương. Hiện hệ thống văn bản chính sách, quy phạm pháp luật cho ngành lâm nghiệp khá toàn diện. Bên cạnh đó, ngành đang triển khai nhiều đề án quan trọng như chế biến lâm sản, trồng 1 tỷ cây xanh, trồng rừng ven biển...

Ngành lâm nghiệp chủ trương duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%, nhưng quỹ đất phát triển cho ngành hiện không còn nhiều. Do đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định: "Đây là thời điểm thích hợp để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo" để tạo động lực cho ngành lâm nghiệp nói riêng, và cả hệ thống kinh tế - xã hội nói chung.

Khoa học công nghệ không những giải quyết được vấn đề quỹ đất mà còn giúp ngành lâm nghiệp tranh thủ được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, theo Thứ trưởng. Nhờ vốn kinh nghiệm quý báu từ các quốc gia như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức... Việt Nam đã hòa nhịp với cuộc cách mạng chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn thu từ rừng như bán tín chỉ các bon, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng...

Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Doanh, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp cho biết, tới đây, nhà trường sẽ đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất.

 

ln2.jpg
Lễ ký kết hợp tác giữa Đại học Lâm nghiệp với các đơn vị liên quan về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công ngh

 

Theo đó, nhà trường đã xây dựng định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022 - 2030 trên 6 lĩnh vực, gồm: Lâm nghiệp và Phát triển bền vững; Công nghiệp chế biến; Môi trường và Biến đổi khí hậu; Nông nghiệp và Công nghệ sinh học; Kinh tế, chính sách; Công nghệ cao, chuyển đổi số.

"Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về kiến thức và thực tiễn đáp ứng yêu cầu của ngành lâm nghiệp và phát triển nông thôn", GS.TS Trần Văn Chứ nói.

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng cho rằng ứng dụng khoa học công nghệ trước mắt nên tập trung vào khâu giống. Ông lý giải, đây là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng của cây trồng. Đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp, với đối tượng là cây dài ngày, khả năng tác động vào điều kiện hoàn cảnh bằng các biện pháp kỹ thuật như bón phân, tưới nước hạn chế, giống càng có vai trò quan trọng.

Thông qua kết quả các nghiên cứu thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã công nhận 229 giống, trong đó: 95 giống của 6 loài keo, 85 giống của 5 loài bạch đàn, 33 giống của 4 loài tràm, 4 giống thông Caribeae, 10 giống yhanh thất, chiêu liêu và 2 giống phi lao. Riêng giai đoạn 2010 - 2021, Bộ NN-PTNT đã công nhận tổng cộng 102 giống mới.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top