Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 3 năm 2021 | 11:12

APCI 2020: Dư địa cải cách TTHC còn rất lớn

Sáng nay (17/3), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).

 

truong-gia-binh.jpg
Ông Trương Gia Bình tại buổi họp báo

Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra phương châm hành động là kiến tạo, liêm khiết, hành động, phục vụ vì người dân, vì doanh nghiệp. Trong những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, chúng ta đã làm được khối lượng công việc lớn. 

Những nỗ lực cải cách đã góp phần giúp Chính phủ đạt được các chỉ tiêu kinh tế. Theo ông Trương Gia Bình, nỗ lực cải cách TTHC, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo dõi sự tiến bộ về thực thi công tác hành chính của nhà nước là để giảm chi phí thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp trong các thủ tục họ cần phải làm. Báo cáo APCI tập trung vào 9 thủ tục quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, là cơ sở cho các bộ, ban ngành, địa phương thấy được những cơ hội để tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Khảo sát ở 63 địa phương

Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp nối mạch đánh giá này, APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng gồm: Đầu tư, Giao dịch thương mại qua biên giới, Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh, Môi trường, Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, Đất đai, Xây dựng, Thuế và Kiểm tra chuyên ngành.

 

hop-bao.jpg

Bên cạnh đó, trong bối cảnh năm cuối cùng của Nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, APCI 2020 còn mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thời gian tới.

Bốn bài học sâu sắc

Bên cạnh những bài học vẫn còn nguyên giá trị từ APCI 2018, 2019, ông Dũng nhấn mạnh, APCI 2020 tiếp tục cho thấy dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và bổ sung những bài học sâu sắc để thúc đẩy cải cách:

Thứ nhất, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ “cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân”.

Thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC. Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường,… là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không chỉ đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép” mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cũng như là thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm kinh doanh của mình. Khảo sát APCI tại các địa phương cho thấy doanh nghiệp mong mỏi cần có những quy định, khuôn khổ, phương thức cụ thể, rõ ràng và bảo đảm các tiêu chí giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong công tác hậu kiểm. Doanh nghiệp mong muốn công tác này mang tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp để tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát “lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt. Doanh nghiệp cũng mong muốn các quy phạm pháp luật cần rõ ràng, thống nhất và có thể dự đoán được để các doanh nghiệp có thể tự kiểm soát về khả năng tuân thủ pháp luật. Như vậy, công tác “hậu kiểm” thực sự có ý nghĩa trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực tư nhân như Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Thứ tư, APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC phụ thuộc vào không chỉ các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các TTHC đó. Và để cải thiện điều này, song song với việc thúc đẩy chuyển đổi từ thái độ và trách nhiệm công vụ sang thái độ và trách nhiệm phục vụ người dân của các cơ quan, công chức nhà nước, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử sẽ hỗ trợ cắt giảm các áp lực tiếp xúc trực tiếp, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn hiệu quả hơn.

Những bài học rút ra từ APCI năm nay đều được đặt trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch, vừa phải đối mặt với các thách thức to lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để nhận thấy các giá trị căn cơ từ cải cách.

Với phương pháp luận phù hợp và cách làm nghiêm túc của Nhóm nghiên cứu, APCI 2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan có được kênh thông tin tham khảo hiệu quả nhằm tiếp tục đưa ra các quyết sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top