Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 8 năm 2021 | 13:46

Bài học Thực hiện mục tiêu “kép” nhìn từ Bắc Ninh, Bắc Giang: Chủ động hóa giải áp lực, sáng tạo giải pháp mới

Trải qua giai đoạn từng là “tâm dịch” Covid -19, Bắc Giang và Bắc Ninh đã trở thành những địa phương ghi dấu thực hiện mục tiêu “kép” - vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh tế.

Đây là ví dụ điển hình cho nỗ lực thực hiện mục tiêu “kép” với nhiều bài học quý, địa phương khác có thể học tập.

tr11.jpg
Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) đang nhộn nhịp trở lại. Ảnh: Danh Lam

Áp lực chưa có tiền lệ

Dịch Covid -19 đã tấn công mạnh vào các khu công nghiệp (KCN). Đó là thực tế khắc nghiệt mà chúng ta đã và đang phải đối diện trong đợt bùng phát dịch Covid - 19 lần thứ tư bởi thể Delta của virus SARS-CoV-2 khiến dịch lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, khó lường hơn.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, cả nước đã có 369 KCN được thành lập; 26 khu kinh tế cửa khẩu và 18 khu kinh tế ven biển.

Tính đến hết tháng 10/2020, các KCN đã thu hút hơn 9.800 dự án trong nước và 10 nghìn dự án FDI còn hiệu lực.  Trong giai đoạn 2016-2019, KCN, khu kinh tế nộp ngân sách Nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước.

Các chuyên gia nhận định, vì quy mô lớn, vai trò quan trọng nên khi bị dịch Covid-19 tấn công, các KCN cần những biện pháp phòng chống khác biệt so với trước đây, thậm chí là “chưa có tiền lệ”.

Không chỉ áp lực trong việc lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly hàng chục nghìn công nhân và điều trị cùng lúc hàng nghìn bệnh nhân… mà còn áp lực về bài toán kinh tế.

Là hai địa phương có nhiều KCN, Bắc Ninh, Bắc Giang đã phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn khi Covid-19 xâm nhập vào các KCN. Quyết định đóng cửa, tạm ngừng hoạt động sản xuất tại các KCN là quyết định hết sức khó khăn, lãnh đạo hai địa phương đã thực sự phải “cân não” giữa mức độ thiệt hại và đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, cho biết: “Bắc Giang là tỉnh đầu tiên mà dịch bùng phát trong KCN, trong khi chúng ta chưa có kinh nghiệm, điều đó đặt ra những thách thức rất lớn. Quyết định dừng 4 KCN là quyết định rất khó khăn. Bởi khi ngừng sản xuất khiến giá trị sản xuất công nghiệp sụt giảm, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngày, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đến đời sống của hàng trăm nghìn công nhân lao động. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát hết sức phức tạp, việc dừng hoạt động sản xuất đã góp phần ngăn chặn và giảm tốc độ lây lan dịch bệnh, đồng thời cũng là thời điểm để doanh nghiệp bắt tay vào sắp xếp lại tổ chức sản xuất trong điều kiện có dịch”.

Hai bài toán trên mặt trận kinh tế đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khi tình hình dịch căng thẳng là làm sao để các doanh nghiệp trong KCN dần khôi phục sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là vải thiều khi loại đặc sản này bắt đầu vào chính vụ.

“Hàng xóm” Bắc Giang là Bắc Ninh cũng đã trải qua những ngày “gồng mình” chống dịch, phát triển sản xuất. Bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho biết, khi các KCN ngừng sản xuất, ước tính trung bình Bắc Ninh thiệt hại khoảng 3.600 tỷ đồng/ngày. Mức thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn. Bởi các KCN được xem là thành trì quyết định sự tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh.

Dịch Covid - 19 bùng phát, đời sống của công nhân bị ảnh hưởng, nhưng với những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, điều lo ngại nhất là nếu buộc phải tạm dừng sản xuất nhiều ngày có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử như tại Công ty Samsung, nếu dây chuyền sản xuất bị gián đoạn 1 ngày thì 1,8 triệu chiếc điện thoại sẽ không được hoàn thiện, trong khi đơn hàng đã ký với đối tác.

Theo bà Đào Hồng Lan, dịch xâm nhập KCN, không chỉ doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, công nhân mất việc làm, không có thu nhập, mà kinh tế địa phương cũng bị ảnh hưởng lớn.

Sáng tạo kích hoạt các giải pháp

Nhìn lại diễn biến của đợt dịch lần thứ tư này ở Bắc Giang, ông Mai Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Nhận rõ nguy cơ bùng phát dịch lớn trong các KCN, BCĐ PCD Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai xét nghiệm tầm soát trên diện rộng cả 4 KCN: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê-Nội Hoàng. Kết quả tầm soát đã phát hiện hàng trăm ca nhiễm SARS-CoV-2”.

Ngay lập tức, vấn đề phong tỏa 4 KCN được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức thảo luận với đại diện các doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Rất nhiều ý kiến được các đại biểu phân tích, lý giải. Phần lớn doanh nghiệp không muốn dừng sản xuất bởi thiệt hại là rất lớn với giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 600 tỷ đồng/ngày. Hơn nữa, dừng sản xuất đồng nghĩa với việc gián đoạn, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu không đóng cửa thì dịch bệnh bùng phát, hậu quả sẽ khôn lường, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân. Ngoài ra, dịch bệnh không chỉ lây lan trong tỉnh mà còn có nguy cơ lan rộng trong cả nước, bởi gần 1/3 số công nhân trong các KCN này là người ngoại tỉnh (khoảng 67.000 người). Mặt khác, nếu đóng cửa doanh nghiệp thì bài toán bảo đảm hậu cần cho công nhân trong KCN, khu nhà trọ là không hề đơn giản. Đóng cửa nhưng phải giữ công nhân ở lại để bảo đảm an toàn cho cả nước dù Bắc Giang phải chịu hậu quả nặng nề hơn. Và đóng cửa đến bao giờ là câu hỏi cần có lời giải để doanh nghiệp cũng như công nhân, người dân trên địa bàn yên tâm.

Ngay sau khi quyết định đóng cửa các KCN và phong tỏa một số địa phương, còn “một núi” công việc cần triển khai, UBND tỉnh, BCĐ PCD Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp PCD, thiết lập lại mô hình, phương thức sản xuất trong điều kiện mới với tinh thần “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”. Để giúp doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Giang thành lập 35 tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn PCD Covid-19 trong sản xuất nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm, từ đó có phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong điều kiện địa bàn có dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp bố trí nơi ăn ở cho người lao động (NLĐ) ngay trong doanh nghiệp, tách biệt với bên ngoài; chia tách, phân nhóm NLĐ theo phương châm “4 cùng”, đó là: NLĐ cùng làm việc tại một bộ phận sẽ được bố trí cùng ăn, cùng ở; khi di chuyển thì cùng đi chung một xe. Bố trí vách ngăn vật lý tạo sự tách biệt, khoảng cách giữa các bộ phận, khu vực sản xuất để nếu phát hiện ca nhiễm Covid-19 có thể nhanh chóng khoanh vùng cách ly bộ phận, khu vực đó. Thực hiện thiết lập vùng cách ly y tế ngay trong doanh nghiệp, thiết lập nhiều phòng tuyến cách ly từ khu vực, bộ phận có nguy cơ nhiễm dịch, doanh nghiệp có bộ phận nguy cơ nhiễm dịch đến quy mô KCN có doanh nghiệp nguy cơ nhiễm dịch Covid-19.

Khó khăn nữa là “tâm dịch” đúng vào thời điểm tiêu thụ vải thiều của “thủ phủ” vải Bắc Giang. Chính vì vậy, ngay khi dịch bùng phát tại các KCN, 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều đã được lên kế hoạch. “Vành đai bảo vệ vùng vải” được dựng lên. Hàng trăm lao động của Lục Ngạn là các trường hợp F0, F1 được giữ lại tại các khu cách ly của huyện Việt Yên (Bắc Giang), tránh nguy cơ lây lan dịch.

Nhiều chốt kiểm tra y tế được lập trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều tập trung. Các lao động liên quan như lái xe, người thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển vải từ địa phương khác đến đều phải xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang phối hợp với các bộ, ban, ngành cùng các địa phương thống nhất về phương án lưu thông vải an toàn. Vải, phương tiện bảo quản được phun khử khuẩn; chủ hàng, xe và lái xe vận chuyển đều được xét nghiệm. Tỉnh đẩy mạnh đưa quả vải lên nhiều sàn thương mại điện tử.

Song song các biện pháp phòng, chống dịch, công tác tiêu thụ vải được quan tâm hàng đầu với phương châm “Chống dịch để tiêu thụ nông sản, tiêu thụ nông sản để chống dịch.”

Vụ vải thiều của huyện Lục Ngạn đã thành công ngoài dự kiến và kết thúc sớm 20 ngày so với năm trước. Thành công của Lục Ngạn là bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch và tiêu thụ nông sản, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân với các cấp chính quyền.

Ông Mầu Quang Thắng, Phó trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, cho biết, siết chặt các quy trình phòng dịch, phát hiện sớm ca bệnh trong 3 ngày đầu nếu có đã trở thành mệnh lệnh đối với mỗi nhà máy trong KCN ở Bắc Ninh.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh đã “cô đọng” những mệnh lệnh đó bằng những cụm từ dễ nhớ như “dưới 30, 4 cùng”, “3 riêng”, “2 điểm - 1 đường”. Tức là mỗi nhóm sản xuất chỉ dưới 30 công nhân, cùng ăn, cùng ở, cùng đi, cùng về, chỉ trên 1 đường với điểm đầu là nhà trọ và điểm cuối là công ty và ngược lại. Mỗi nhóm cũng thực hiện 3 riêng, ăn khác ca, làm khác xưởng, ở tách biệt. Trong mỗi nhà trọ chỉ có công nhân của một công ty. Làm như vậy để khi một nhóm công nhân hay một công ty nào đó có ca F0 sẽ không ảnh hưởng đến nhóm khác, công ty khác.

“Thay vì để người lao động đi về giữa nhà máy và nhà trọ, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các nhà máy bố trí người lao động sau khi xét nghiệm âm tính thì làm việc và ăn nghỉ luôn tại chỗ. Những đơn vị khác đã phân ca phân kíp thì sau mỗi ca, công nhân được ăn rồi mới về nhà để không phải đi chợ, hạn chế tiếp xúc…”, ông Thắng cho biết thêm.

Xác định KCN là một thành trì trong cuộc chiến với dịch Covid-19, để bảo vệ “mục tiêu kép”, tỉnh Bắc Ninh còn kết hợp linh hoạt giữa test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm PCR.

Theo bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, chiến thuật “chủ động tiến công” trong xét nghiệm đã giúp phát hiện sớm ổ dịch trong các nhà máy để khống chế kịp thời.

“Xét nghiệm sàng lọc tại các khu, cụm công nghiệp bằng test nhanh chỉ sau 30 phút là có kết quả. Trong những trường hợp nghi ngờ thì chúng tôi làm lại lần 2, đồng thời cách ly trường hợp đó và lấy mẫu để đi làm PCR”, bà Hoa nói.

Áp dụng những phương pháp bài bản, khoa học và chưa từng có trong tiền lệ đã giúp nhiều KCN ở Bắc Ninh khống chế hoặc chặn đứng được Covid-19. Trong số hơn 1.000 doanh nghiệp tại 36 khu, cụm công nghiệp chỉ có hơn 30 công ty phải tạm dừng sản xuất trong thời gian ngắn và chủ yếu tại 1 - 2 phân xưởng.

Phát động thi đua thực hiện  thắng lợi mục tiêu “kép”

Cắt đứt được nguồn lây nhiễm trong KCN, từ chỗ phải giảm bớt số công nhân để đảm bảo giãn cách, đến cuối tháng 6 vừa qua, tất cả doanh nghiệp tại Bắc Ninh được hoạt động trở lại với tối đa số công nhân. Giữa tâm dịch, “mục tiêu kép” vẫn được Bắc Ninh thực hiện ngoạn mục khi 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 7,45%, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng cao nhất, 8,86%. Kinh nghiệm vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế ở Bắc Ninh đang được các địa phương học tập.

Trải qua những ngày áp lực nặng nề, nay kinh tế Bắc Giang đã bắt đầu khôi phục trở lại, tính từ đầu tháng 7, khoảng 99% doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp ước trong tháng 7 đạt khoảng 80% so với trước khi có dịch. Mặc dù những thiệt hại ban đầu không hề nhỏ, nhưng với tinh thần “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, phát triển kinh tế trong điều kiện mới, Bắc Giang đã có những thắng lợi đáng ghi nhận.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 3750/KH-UBND về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” kiểm soát tốt dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2021.

Theo đó, thi đua kiểm soát tốt dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gồm 6 nội dung chủ yếu, bao gồm: Thi đua thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, để giữ vững thành quả chống dịch. Tập trung toàn lực khôi phục nhanh hơn, toàn diện và an toàn các hoạt động kinh tế - xã hội; chủ động xây dựng kế hoạch, đặt ra mục tiêu rõ ràng, đảm bảo hết tháng 8/2021 lấy lại đà tăng trưởng trước khi có dịch và phấn đấu tăng trưởng mạnh hơn giai đoạn trước dịch.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại vẫn luôn hiện hữu. Bởi vậy, các địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt để thực hiện tốt hơn “mục tiêu kép”, không chủ quan, lơ là. Chiến lược và các nguyên tắc phòng chống dịch không thay đổi, nhưng cần có cách làm mới, phương pháp mới sát thực tế; không được chủ quan, tự mãn; duy trì tập trung cao độ, bảo vệ bằng được thành quả công tác phòng, chống dịch vì an toàn và sức khoẻ nhân dân.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top