Công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã để lại những bài học lớn. Lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, nhưng bệnh dịch đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và ô nhiễm môi trường...
Hà Nam: Bài học từ phòng chống bệnh DTLCP
Sau 3 tháng bị xâm nhiễm DTLCP, hơn 73.150 con lợn mắc bệnh ở Hà Nam bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng khoảng 4.300 tấn. DTLCP đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các bệnh dịch truyền nhiễm, đồng thời đặt ra những vấn đề lớn đối với phát triển chăn.
Chỉ đạo về công tác phòng, chống bệnh DTLCP, ông Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Chủ trương của tỉnh là quyết liệt phòng chống dịch bệnh, nhưng cần thận trọng trong từng việc. Không tiêu hủy cả đàn, mà chỉ tiêu hủy lợn bệnh để giảm tổn thất về kinh tế.
Tính phức tạp và mức độ lây lan nhanh của DTLCP đã đặt ra những yêu cầu mới cả về nhận thức cũng như cách thức tổ chức phòng, chống những bệnh có nguy cơ truyền nhiễm cao. Nhất là khi, chăn nuôi lợn đang đóng góp tỷ trọng lớn (78%) vào mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Nếu như chăn nuôi lợn lâm vào tình trạng khủng hoảng thì ngành nông nghiệp không chỉ mất đi yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng, mà ngân sách nhà nước còn phải chi thêm cho địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh (phòng chống dịch, xử lý ô nhiễm môi trường...). Đây là thiệt hại kép.
Ông Nguyễn Thành Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, cho biết: Tính đến 28/5/2019, trên địa bàn huyện Lý Nhân có trên 25.000 con lợn mắc bệnh DTLCP bị tiêu hủy. Có ngày, huyện ghi nhận 5 xã có ổ dịch, cao điểm có ngày tới 14 xã. Dịch dồn dập, nhiều xã không đủ lực lượng hỗ trợ công tác kiểm đếm tổng đàn, không còn vị trí để chôn, tiêu hủy lợn bệnh. Công tác phòng, chống DTLCP gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Đến giờ có thể khẳng định, việc giữ tổng đàn và khống chế hoàn toàn bệnh DTLCP là rất khó. Nguyên nhân là do vi rút gây DTLCP tồn tại rất lâu trong môi trường. Véc-tơ lây lan đa dạng, nguồn lây nhiễm khó khống chế… Vấn đề cần quan tâm hàng đầu chính là thực hiện các giải pháp để giảm thiệt hại về kinh tế và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sau khi tiêu hủy lợn bệnh.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, công tác phòng, chống bệnh DTLCP đã để lại những bài học lớn. Một là, cần phải củng cố ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các địa phương, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên. Ban chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo phương châm “4 tại chỗ” như phương án phòng chống thiên tai.
Trong những ngày qua, mặc dù cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT đã xuống tận cơ sở hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống, xử lý dịch bệnh, nhưng nhiều địa phương vẫn còn rất lúng túng trong chỉ đạo, điều hành. Hai là, cần quy hoạch và thực hiện quy hoạch về phát triển chăn nuôi lợn. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học là những hộ có nguy cơ lớn bị dịch bệnh gây hại.
Về lâu dài, cần quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn sinh học nhằm giám sát, quản lý phát triển chăn nuôi tốt hơn. Để làm được điều đó, những hộ chăn nuôi phải thay đổi nhận thức về phát triển chăn nuôi. Ba là, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh. Điều này rất quan trọng. Trong đó, người dân và chính quyền cơ sở phải chủ động xử lý yếu tố gây bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan…
Đối với công tác quản lý, đòi hỏi sự quyết liệt trong chỉ đạo và quản lý phát triển chăn nuôi từ cơ sở, dựa trên những định hướng và quy hoạch phát triển ở từng vùng. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn là một trong những giải pháp hiệu quả, mang tính cấp thiết. Để làm được điều này, cần cơ cấu lại ngành chăn nuôi, từng bước loại bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, phát triển chăn nuôi tập trung.
Năm 2020, Luật Thú y chính thức có hiệu lực, đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho công tác quản lý về chăn nuôi bài bản hơn. Theo đó, những hộ muốn đầu tư chăn nuôi phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh mới được cấp phép đầu tư mở rộng sản xuất.
Thanh Hóa: Siết chặt việc quản lý vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 14 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, 2.018 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 488 chợ bán thực phẩm và 107 chợ, tụ điểm kinh doanh tự phát, mỗi ngày giết mổ trên 2.700 con lợn, 430 con trâu, bò, 30.000 con gia cầm các loại và có trên 150 lượt xe vận chuyển gia súc, gia cầm đi qua địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 6.000 con lợn được vận chuyển tiêu thụ. Nếu không tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, nguy cơ bùng phát và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh là rất lớn, đặc biệt là không thể phòng, chống đẩy lùi có hiệu quả bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh DTLCP, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm, Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt việc tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật, không được giết mổ động vật chết, bị bệnh để chế biến thực phẩm; chỉ vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan Thú y kiểm soát; đối với người tiêu dùng chỉ mua thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc xuất xứ, có dấu xác nhận của cơ quan Thú y; phải mua bán thực phẩm đúng nơi quy định, không mua bán tại các chợ, tụ điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tăng cường công tác quản lý hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hiệu quả tình trạng buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm; chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND và cán bộ Thú y xã, phường, thị trấn tập trung kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm 100% gia súc, gia cầm, đặc biệt là lợn đưa vào lưu thông, giết mổ phải qua kiểm soát và sản phẩm sau giết mổ phải được đóng dấu hoặc đánh dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt hoặc dán tem vệ sinh thú y theo quy định. Bảo đảm 100% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải có kiểm soát của Thú y; tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ sở giết mổ theo quy định của pháp luật.
Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất việc vận chuyển, giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn ở các chợ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời, tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xóa bỏ các tụ điểm kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT; xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và hỗ trợ các tiểu thương kinh doanh tại các tụ điểm kinh doanh tự phát đưa vào kinh doanh tại các chợ nằm trong quy hoạch.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 5%
Theo Bộ NN& PTNT, tổng đàn lợn cả nước 6 tháng đầu năm 2019 giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018 chủ yếu do ảnh hưởng từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 18-6, bệnh dịch đã xảy ra ở 58 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,6 triệu con.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 34/CT-TƯ ngày 20-5-2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trong vận chuyển, giết mổ lợn thịt, lợn giống sạch bệnh; chuẩn bị cung ứng đủ lợn giống phục vụ tái đàn sau khi bệnh dịch được khống chế.
Hải Phòng: Hỗ trợ 4,6 tỷ đồng xử lý hạt giống phòng, chống bệnh lùn sọc đen
Theo Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật Hải Phòng, để bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2019, UBND thành phố vừa có quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh lùn sọc đen là 4,6 tỷ đồng. Sở Tài chính cấp nguồn kinh phí này tới các quận, huyện theo quyết định phê duyệt cụ thể của UBND thành phố. Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện tại các quận, huyện liên quan; thanh, quyết toán theo đúng quy định.
Với nguồn kinh phí được hỗ trợ, Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật Hải Phòng yêu cầu UBND các huyện, quận có sản xuất nông nghiệp; Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế một số quận khẩn trương mua thuốc xử lý hạt giống cấp cho các xã, phường theo nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố.
Trong trường hợp mua thuốc xử lý hạt giống vượt kinh phí thành phố hỗ trợ; các xã, phường chủ động cân đối ngân sách của địa phương mua đủ thuốc để xử lý toàn hộ hạt giống theo quy định. Đối với các xã, phường không sử dụng hết kinh phí của thành phố hỗ trợ để mua thuốc xử lý hạt giống, phần kinh phí còn lại phải chuyển trả Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo thành phố.
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý hạt giống phòng chống bệnh lùn sọc đen kịp thời, hiệu quả theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.