Sáng nay, 20/3, tại Hội trường UBND xã Tráng Việt, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Mê Linh cùng sở ngành của Hà Nội tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân xã Tráng Việt.
Trên địa bàn xã Tráng Việt hiện có nhiều sản phẩm nông sản như: củ cải, bắp cải, su hào... đến thời điểm thu hoạch nhưng rất khó khăn trong công tác kết nối, tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm củ cải. Với diện tích sản xuất rau khoảng 305ha, trong đó sản xuất củ cải khoảng 80ha theo hướng sản xuất an toàn, VietGAP, chiếm 26,3% diện tích sản xuất rau.
Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản (khoảng 1.200 tấn củ cải trồng tại xã Tráng Việt đang gặp khó khăn khi tiêu thụ), các sở, ngành, UBND huyện Mê Linh đã kêu gọi và nhận được sự giúp đỡ của nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố, bước đầu hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.
Nguyên nhân tồn đọng lượng lớn củ cải tại vùng sản xuất dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa nhất thời đối với sản phẩm củ cải là do người nông dân sản xuất gối vụ đúng vào dịp Tết, các đơn vị kinh doanh nghỉ nhiều, sức mua giảm; do thời tiết sau Tết thuận lợi cho các loại rau phát triển, sản lượng cao; một số gia đình nông dân, thương lái gom hàng chờ giá cao nên dẫn đến tồn đọng lại một khối lượng sản phẩm lớn không kịp bán trong khi giá càng ngày càng xuống thấp.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình sản xuất rau củ trên địa bàn xã Tráng Việt, nghe báo cáo của các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và công thương cũng như nghe những quan điểm thúc đẩy tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo HTX rau an toàn Đông Cao (Tráng Việt) lưu ý tới kế hoạch sản xuất rau cho nông dân; UBND xã khẩn trương xây dựng đề án rau an toàn trên địa bàn, cần nắm bắt cung - cầu thị trường để định hướng sản xuất sản phẩm cho nhân dân (đủ số lượng, chất lượng, thời vụ, đa dạng mặt hàng...), việc sản xuất sản phẩm nông sản cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật để sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn vào kênh phân phối hiện đại ; các doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với HTX rau Đông Cao để việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con; ngành Nông nghiệp cần tổ chức hướng dẫn hợp tác xã, hộ sản xuất theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nông sản. Hướng dẫn việc áp dụng công tác chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đào tạo nghề cho người dân về chế biến nông sản nhằm đa dạng mặt hàng, sản phẩm cung ứng ra thị trường. Hướng dẫn các hợp tác xã thành lập nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm nông sản để nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, hướng dẫn các điều kiện để đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại; phát triển sản xuất theo mô hình sản xuất du lịch để phát triển du lịch đồng thời quảng bá, nâng cao giá trị hàng hóa. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm sau thu hoạch, tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.