Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 9 năm 2020 | 21:2

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đồng hành cùng Quỹ tín dụng nhân dân

Thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã triển khai chính sách BHTG đầy đủ, kịp thời đến các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Cụ thể là Cấp thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG; Thu phí BHTG; Giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ; Chi trả tiền gửi được bảo hiểm; Thông tin tuyên truyền… Qua đó, BHTGVN góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống QTDND, giúp người gửi tiền ở khu vực nông thôn yên tâm kinh doanh sản xuất, xóa đói giảm nghèo. 

quy-tin-dung-nhan.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Hệ thống QTDND trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo

Quỹ tín dụng nhân dân là một loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) hợp tác do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để thực hiện một số hoạt động ngân hàng, nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Những QTDND đầu tiên ở Việt Nam được thành lập vào năm 1993, trải qua quá trình hình thành và phát triển, hiện cả nước có 1.183 QTDND với gần 2 triệu thành viên chủ yếu ở khu vực nông thôn, ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công cuộc xóa đói, giảm nghèo nói riêng.

Bằng việc cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm và các dịch vụ phi tài chính… hệ thống QTDND không chỉ giúp người nghèo tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thức mà còn tạo dựng công việc, sản xuất kinh doanh, góp phần giúp người nghèo giảm thiểu rủi ro về kinh tế, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống; hỗ trợ tối ưu cho các hộ kinh doanh cá thể ở các vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp phục vụ sản xuất, tăng GDP vùng. Từ đó khắc phục được sự hạn chế của mạng lưới tài chính tại các ngân hàng ở khu vực vùng sâu vùng xa, cũng như giảm được tình trạng cho vay nặng lãi, hụi, họ trong nhân dân.

Song hành với đó là sự gắn bó mật thiết của BHTGVN với vòng đời hoạt động của các QTDND trên địa bàn khắp cả nước, từ khi bắt đầu hoạt động, đến giai đoạn xây dựng, phát triển và ngay cả khi gặp khó khăn. Là công cụ đắc lực của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước (NHNN) trong sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền, sự ra đời và hoạt động tích cực của BHTGVN thời gian qua đã và đang trở thành chỗ dựa quan trọng cho hệ thống QTDND trong việc củng cố, duy trì, làm gia tăng lòng tin của dân chúng và toàn xã hội.

BHTGVN góp phần duy trì sự ổn định, an toàn của hệ thống QTDND

Là tổ chức thực hiện chính sách BHTG tại Việt Nam, sau hơn 20 năm hoạt động, đến nay BHTGVN đã từng bước khẳng định được vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Với việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ của mình, BHTGVN đã góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống QTDND, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của các QTDND. Đến nay, BHTGVN đã tiến hành chi trả BHTG đối với người gửi tiền tại 39 QTDND trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố cho 1.793 người được BHTG

Theo quy định của Luật BHTG, BHTGVN sẽ xem xét hồ sơ đề nghị tham gia BHTG của các QTDND để cấp Chứng nhận tham gia BHTG. Đồng thời thực hiện thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG đối với những đơn vị bị NHNN thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động. BHTGVN thực hiện các hoạt động thu phí BHTG, theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với 100% QTDND.

Thực tế khẳng định công tác giám sát, kiểm tra thời gian qua đã giúp BHTGVN phát hiện nhiều trường hợp QTDND vi phạm các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, trong công tác huy động vốn, hạch toán, thu chi tiền mặt, quản lý tài khoản… và sai sót trong việc tính, nộp phí BHTG. Đối với các vi phạm, BHTGVN đều xác định rõ nguyên nhân để kiến nghị biện pháp xử lý, chấn chỉnh, qua đó giữ vững sự lành mạnh trong hoạt động của toàn hệ thống QTDND.

Bên cạnh đó, BHTGVN cũng thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về chính sách, pháp luật về BHTG, tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND khai thác nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Vai trò của BHTGVN trong quá trình tái cơ cấu hệ thống QTDND

Ngày 20/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD (có hiệu lực từ 15/01/2018), trong đó bổ sung, sửa đổi một số quy định cụ thể về thẩm quyền, cách thức cơ cấu lại TCTD yếu kém. Đặc biệt, Luật đã có những quy định cụ thể tạo hành lang pháp lý, nâng cao vai trò, vị thế của BHTGVN khi tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém (trước mắt tập trung đối với QTDND và tổ chức tài chính vi mô) với các nhiệm vụ cụ thể: Tham gia quá trình Kiểm soát đặc biệt (KSĐB); Tham gia đánh giá, thực hiện các phương án phục hồi TCTD yếu kém; Thực hiện cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB; Mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ TCTD được KSĐB; Tham gia quản lý, thanh lý tài sản tại TCTD theo quy định của pháp luật.

Với phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan của NHNN trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý đối với các QTDND. BHTGVN đã cử cán bộ tham gia các ban KSĐB với mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đối chiếu, xác minh số liệu về tiền gửi và người gửi tiền để lên được danh sách dự kiến chi trả trong trường hợp xảy ra đổ vỡ. Bên cạnh đó, hàng năm, BHTGVN xây dựng mức vốn dự phòng cho vay đặc biệt đối với QTDND được KSĐB để chủ động nguồn lực tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với QTDND được KSĐB đủ điều kiện vay vốn.

Đồng thời, BHTGVN ưu tiên tập trung vào nguồn nhân lực, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, đẩy mạnh công tác đào tạo trưởng đoàn kiểm tra để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, có đủ năng lực đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi, nắm chắc quy trình nghiệp vụ cho vay đặc biệt, tham gia xây dựng phương án phá sản...

Đến nay, thông qua những nỗ lực quản lý, thúc đẩy của Nhà nước, các QTDND đang dần từng bước thực hiện cơ cấu lại theo hướng phát triển về quy mô gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng điều hành, quản trị, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng hoạt động. Từ đó có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là phục vụ đắc lực cho chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, chứng minh được vai trò như một kênh huy động vốn quan trọng của quốc gia.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top