Biển Đông và chủ quyền Biển Đông đang là vấn đề hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đối với khu vực, thế giới cũng như nước ta. Trong ý thức của mỗi người dân đất Việt, dù là người miền núi, vùng cao hay đồng bằng duyên hải, hải đảo, hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và rộng hơn nữa là Biển Đông luôn là một phần máu thịt Việt Nam. Và cũng chính vì vậy, đối với giới báo chí cả nước, biển đảo cũng là chủ đề xuyên suốt, gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ.
Phóng viên tác nghiệp tại Trường Sa năm 2008. Ảnh: Phạm Danh.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền
Bằng tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc, thời gian qua, báo chí cách mạng Việt Nam là một trong những lực lượng đi đầu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Bằng nhiều hình thức khác nhau, báo chí trở thành tiếng nói mạnh mẽ trong việc định hướng dư luận, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các cơ quan báo chí tuyên truyền nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc và người Việt ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế chung tay góp sức, lên tiếng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn, động viên lực lượng chấp pháp và ngư dân của Việt Nam yên tâm thực thi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặc biệt, thời gian gần đây, tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phức tạp khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta (năm 2014), kéo thêm những hành động ngang ngược, tàn bạo, vô nhân đạo…, hàng loạt cơ quan báo chí đã cử phóng viên trực tiếp bám theo tàu của lực lượng chấp pháp và ngư dân đến tác nghiệp để tuyên truyền kịp thời cho người dân về cuộc đấu tranh chính nghĩa, đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc ra khỏi vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
TS. Mai Đức Lộc, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, trong thời gian qua, nhiều phóng viên, nhà báo sẵn sàng xông pha vào những điểm nóng trên biển bằng tất cả nhiệt huyết của người làm báo và bằng cả tình yêu biển đảo, trở thành sợi dây kết nối giữa biển và bờ, tạo nên điểm tựa của niềm tin, nâng cao ý thức trách nhiệm cho mỗi ngư dân, cho mỗi công dân Việt Nam trong việc chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên biển Đông. Qua hàng ngàn bài viết, hàng trăm phóng sự chân thật và sinh động, thật sự lôi cuốn người đọc, người xem, người nghe có thái độ trách nhiệm trong việc khẳng định chủ quyền, đồng thời khơi dậy và thôi thúc tinh thần yêu nước, khơi ngợi lòng tự hào dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng hướng về Biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa…, góp phần tạo thành những phong trào thật sự lôi cuốn và lan tỏa.
TS. Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), đánh giá: “Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tham gia rất tích cực và có hiệu quả trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam, cũng như trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia của toàn xã hội. Thông tin trên báo chí đã góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước; nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế”.
Với lực lượng hùng hậu gồm 857 cơ quan báo in với hơn 1.000 ấn phẩm, 67 đài phát thanh - truyền hình với trên 90 kênh phát thanh, 104 kênh truyền hình hiện nay và đội ngũ nhà báo gần 18.000 người, báo chí cả nước đã tích cực làm tốt nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng - bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Tạp chí Người làm báo phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức hội thảo với chủ đề: “Báo chí miền Trung tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
Đây là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn báo chí phản ánh về biển, đảo; chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông, góp phần khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
TS. Mai Đức Lộc nhấn mạnh: “Những người làm báo phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đồng thời tìm ra các phương thức tuyên truyền để đấu tranh hiệu quả hơn, đưa các kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị chính sách đi vào cuộc sống. Bởi lẽ, chủ đề và nhiệm vụ tuyên truyền về biển, đảo rất rộng lớn, nhiều khía cạnh ngày càng phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh đấu tranh thông tin quốc tế hiện nay. Sự chính xác, kịp thời và sắc sảo, thuyết phục, kể cả trong việc sử dụng những thuật ngữ chuyên môn là hết sức cần thiết”.
TS. Lưu Đình Phúc đề nghị: Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng nội dung “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ và nhân dân các vùng, miền; tận dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng và chú trọng mở rộng phạm vi tuyên truyền...
*Nhà báo Phạm Văn Danh (Báo Quảng Ngãi): Tôi đã khóc khi đứng giữa Trường Sa
Nhà báo Phạm Danh (bên phải) trong lần tác nghiệp tại Trường Sa (năm 2008). Đã 08 năm rồi kể từ ngày ra thăm và tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa nhưng mỗi lần nghe ai nhắc đến tên các đảo chìm, đảo nổi của Tổ quốc nằm sừng sững hiên ngang giữa đại dương, niềm xúc cảm trong tôi lại dâng trào như sóng biển. Một lần trong đời được tác nghiệp ở Trường Sa đối với tôi đã là một điều may mắn. Và có ra thăm các đảo tôi mới biết Trường Sa thiêng liêng và biết bao điều kỳ thú, với những “pháo đài” giữa biển quanh năm lộng gió, ngời sáng niềm tin nhìn về đất liền - nơi có những người hậu phương dạt dào tình thương dành cho xứ đảo. Tác nghiệp ở Trường Sa (năm 2008), tôi đã phần nào thấu hiểu tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng và những nét đẹp rất đỗi đời thường của lính đảo. Lính đảo họ cũng biết nhớ nhung, biết yêu thương và biết khóc. Nhưng họ khóc không phải là vì yếu đuối, là không vững lập trường mà đó những xúc cảm rất thật của mỗi con người. Giữa biển trời, sóng gió mênh mông ấy họ vẫn vượt qua bao gian khó, luôn chắc tay súng để chiến đấu, hy sinh, bảo vệ từng tấc đất, từng nhành san hô và những con sóng bạc đầu cho Tổ quốc. Tôi nhớ nhất và xúc động nhất là hôm tác nghiệp tại đảo Tiên Nữ (đảo chìm), khi nhìn thấy trên chiếc bàn nhỏ ngăn nắp trong phòng làm việc của một chỉ huy đảo. Bên dưới là hình vợ con, giữa tầm mắt là ảnh chân dung Bác Hồ và trên cùng là cờ Tổ quốc. Một không gian nhỏ hẹp ấy cũng đủ để tôi cảm nhận về hình ảnh bộ đội Trường Sa. Và càng “cảm” ra hơn cái nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng của những người cầm bút như mình đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. * Nhà báo Lê Văn Chương (báo Biên phòng): Khâm phục sự can trường của ngư dân
Nhà báo Lê Văn Chương có mặt tại thực địa trong những ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường quen thuộc từ bao đời nay của ngư dân miền Trung nói chung, Quảng Ngãi nói riêng. Dù thiên tai, nhân tai luôn rình rập, nhưng ngư dân miền Trung vẫn kiên cường bám biển để đánh bắt hải sản và khẳng định chủ quyền. Từ đầu tháng 5/2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tôi đã có mặt tại thực địa cùng với các nhà báo trong nước và quốc tế tường thuật về những diễn biến trên biển, phản ảnh về tinh thần dũng cảm của lực lượng chấp pháp Việt Nam; phản ảnh hành động dũng cảm của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã kiên quyết không lùi bước, bám trụ trên biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Những ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tôi đã chứng kiến sự can trường của ngư dân miền Trung nói chung, Quảng Ngãi nói riêng. Dẫu những chiếc tàu của Trung Quốc có hung hãn đến mấy, thì ngư dân ta vẫn không hề nao núng, vẫn bám biển, duy trì hoạt động đánh bắt hải sản của mình như một cách khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Với tôi, ngư dân và biển đảo quê hương luôn là sợi dây vô hình cứ mãi quấn chặt lấy tình cảm của tôi. |
Hải Yến
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.