Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 11 năm 2017 | 9:52

Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền thông qua truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi

Truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là hoạt động quan trọng của tổ chức BHTG nhằm nâng cao nhận thức công chúng và tính hiệu quả của hệ thống BHTG, từ đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.

Chiến lược truyền thông - yếu tố then chốt

Hệ thống BHTG mỗi nước có thể có mục tiêu khác nhau, nhưng tựu chung đều hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền; góp phần đảm bảo cho hệ thống tài chính quốc gia ổn định và xây dựng một thị trường tài chính bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; giảm thiểu việc sử dụng ngân sách nhà nước để giải cứu các tổ chức tín dụng gặp vấn đề.

Theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), để triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông, việc xây dựng chiến lược truyền thông là yếu tố tiên quyết đối với tổ chức BHTG, trong đó cần xác định đối tượng mục tiêu, thông điệp, công cụ và ngân sách cho chiến lược. Chiến lược cần được đánh giá và xem xét lại ít nhất một năm một lần nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của hệ thống BHTG.

Truyền thông chính sách BHTG cần hướng tới nhiều đối tượng, từ truyền thông trong nội bộ tổ chức BHTG để thống nhất các thông điệp truyền ra bên ngoài, tới các nhà lập pháp nhằm phục vụ quá trình xây dựng các luật liên quan, tới các tổ chức tham gia BHTG để hiểu trách nhiệm về hoạt động an toàn, tới các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng hay tới người gửi tiền là đối tượng được bảo vệ trực tiếp.

Tại Việt Nam, nghiệp vụ tuyên truyền chính sách đã được quy định trong Luật BHTG với tư cách một chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG. BHTGVN đã bám sát các diễn biến trong hệ thống ngân hàng, thực hiện tuyên truyền chính sách một cách phù hợp với các đối tượng công chúng khác nhau. Xác định trọng tâm tuyên truyền là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, BHTGVN triển khai tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện tuyên truyền thông qua các tổ chức tham gia BHTG cũng như tuyên truyền trực tiếp tới công chúng. Các chương trình truyền thông của BHTGVN truyền tải thông điệp: BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua các mảng nghiệp vụ BHTG như kiểm tra, giám sát, đầu tư nguồn vốn và chi trả tiền bảo hiểm theo hạn mức… Nhìn rộng hơn, người gửi tiền không chỉ có sự bảo vệ của riêng BHTGVN mà còn có cả sự bảo vệ từ chủ trương của Đảng, Chính phủ, từ cơ chế, chính sách, từ các cơ quan chức năng trong lĩnh vực ngân hàng…

Trao đổi tại các sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG, các QTDND đều cho rằng, tuyên truyền chính sách BHTG tại các quỹ thông qua nhiều hình thức khác nhau đã giúp người dân tại địa phương yên tâm khi gửi tiền, qua đó góp phần huy động nguồn lực tại chỗ để phục vụ nhu cầu cho vay tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế tại địa phương. Các QTDND mong muốn BHTGVN sẽ thực hiện nhiều hơn các chương trình tuyên truyền chính sách một cách hiệu quả nhằm giúp người gửi tiền hiểu rõ chính sách BHTG, có thêm niềm tin vào hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống các QTDND nói riêng.

Xây dựng các chương trình tuyên truyền gần gũi, thiết thực

Bên cạnh việc tuyên truyền chính sách BHTG để trực tiếp bảo vệ người gửi tiền, nhiều tổ chức BHTG trên thế giới còn đẩy mạnh các chương trình giáo dục kiến thức tài chính.

Cụ thể, Tổng công ty BHTG liên bang Mỹ (FDIC) có chương trình “Đồng tiền thông minh” nhằm nâng cao nhận thức công chúng về các dịch vụ ngân hàng nói chung với các phiên bản được xây dựng riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể như: thanh niên, người cao tuổi, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tại Hàn Quốc, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) đã sớm xác định mục tiêu phổ biến kiến thức tài chính từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 và bắt đầu các chương trình của mình từ năm 2010 với nội dung bao gồm cả kiến thức, kỹ năng sử dụng các dịch vụ tài chính, phòng tránh bị lừa đảo, gian lận tài chính, lồng ghép cùng các thông tin về BHTG.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, tại Malaysia, Tổng công ty BHTG Malaysia (PIDM) cũng đang triển khai chương trình “Đồng tiền thông minh 123” nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng các dịch vụ tài chính. Chương trình “Đồng tiền thông minh 123” gồm 3 trụ cột chính: giúp công chúng hiểu về các sản phẩm tài chính; giúp công chúng hiểu về các rủi ro tài chính; và giúp công chúng hiểu được các quyền lợi về tài chính của mình.

Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) cũng có một loạt các chương trình phổ biến kiến thức tài chính, đặc biệt là chương trình phối hợp các trường học để lồng ghép nội dung giáo dục tài chính cho học sinh. Tháng 6 hàng năm, PDIC cũng tổ chức Tuần lễ nâng cao nhận thức và bảo vệ người gửi tiền lần thứ 15, tập trung tuyên truyền về vai trò, chức năng của tổ chức BHTG, đồng thời khuyến cáo công chúng về việc gửi tiền tiết kiệm một cách khôn ngoan, tránh khỏi các rủi ro lừa đảo.

Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là mục tiêu hàng đầu của chính sách BHTG và BHTGVN. Trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực của mình, BHTGVN cần tập trung vào những nội dung gần gũi với người gửi tiền như: khi giao dịch với nhân viên ngân hàng, người gửi tiền cần lưu ý những gì? Làm thế nào để gửi tiền một cách an toàn? Những yếu tố pháp lý nào quy định gửi tiền đúng pháp luật? Nên gửi tiền vào đâu cho an toàn?... Như vậy, người gửi tiền có thêm hiểu biết và niềm tin vào hệ thống ngân hàng, có kiến thức nhằm bảo vệ bản thân trước các nguy cơ sai sót, thậm chí gian lận, vi phạm pháp luật từ phía các cá nhân, tổ chức nhận tiền gửi. Ngược lại, người gửi tiền cũng đồng thời đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì kỷ luật thị trường và góp phần lành mạnh hóa hệ thống các TCTD.

Nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính-ngân hàng nói chung và về chính sách BHTG nói riêng là quá trình dài hơi, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng là trách nhiệm của tổ chức BHTG, song cũng là trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan, kể cả các tổ chức tín dụng và người gửi tiền.

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top