Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 9 năm 2019 | 14:23

Bắp sú Thuận Hà được mùa, được giá

Từ đầu năm đến nay, giá bắp sú trên địa bàn xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Lắk), luôn ổn định ở mức cao, giúp nhà vườn có lãi. Hiện, bà con đang luân phiên xuống giống để tăng thu nhập.

 

b-636.jpg

 Mỗi ha bắp sú, ông Lý có lãi trên 100 triệu đồng. Ảnh: Văn Tâm                                                                                                                   

Ông Lý Đình Kiệt thôn 4, xã Thuận Hà, trồng trên trên 1 ha bắp sú, vừa rồi, thương lái đến tận vườn thu mua trước 5 sào, khoảng 30.000 cây.

Năm nay, giá ổn định ở mức trên 4.000 đồng/kg, nên dự tính 1ha bắp sú, ông Kiệt có thể thu về trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.

Ông Kiệt cho biết: “So các loại cây trồng khác, bắp sú cũng cho thu nhập khá. Nếu giá mua giữ ở mức từ 4.000 đồng/kg trở lên, người trồng rau có lãi ròng hơn 100 triệu đồng/ha”.

Anh Hà Minh Toàn, ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, trồng trên 1,2 ha bắp sú. Vừa qua, anh Toàn bán trọn vườn cho thương lái, với giá trên 200 triệu đồng.

Theo anh Toàn, nhờ giá ổn định, người trồng bắp sú yên tâm sản xuất. Nhiều nhà vườn vừa thu hoạch xong, đã xử lý đất và xuống giống ngay, để tận dụng cơ hội khi bắp sú đang có giá.

Theo một số nông dân, chi phí cho một cây bắp sú, từ khi trồng đến thu hoạch, khoảng 2.000 đồng. Một cây bắp sú khi thu hoạch thường có trọng lượng trên 1kg.

Vài năm gần đây, giá bắp sú chưa bao giờ xuống dưới 3.000 đồng/kg, nên các nhà vườn khá yên tâm. Để nâng cao năng suất, thu nhập, người trồng bắp sú canh tác trên diện tích đất thuần, xử lý phù hợp với rau xanh.

Trường hợp sử dụng đất mới, xa nguồn nước, thì vườn rau rất dễ bị sâu bệnh, chất lượng rau không cao, dẫn đến giá bán thấp.

Những năm trước đây, có thời điểm, giá bắp sú xuống dưới 1.000 đồng/kg, khiến nông dân lo lắng.

Ông Lý Đình Trang, thôn 4, xã Thuận Hà, cho hay: “Những năm qua, tôi sản xuất ra thường phải phụ thuộc thương lái. Họ báo giá bao nhiêu, bán bấy nhiêu.

Vì mình sản xuất nhỏ lẻ, không áp dụng quy chuẩn, nên chưa có đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do vậy, năm nào bắp sú giá cao, có lãi, bà con tập trung mở rộng diện tích”.

Gần đây, huyện Đắk Song đã phối hợp với các địa phương, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, và giúp nông dân mở rộng sản xuất rau theo  chuẩn VietGap.

Hơn 3 năm qua, địa phương đã nỗ lực tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, tạo mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk Song, hiện, xã Thuận Hà là địa phương có diện tích trồng bắp sú nhiều nhất trên địa bàn huyện.

Có thời điểm, diện tích bắp sú lên đến115 ha, sản lượng trên 1.700 tấn. Thời gian qua, các vùng trồng bắp sú trên địa bàn, được thương lái Đà Lạt, T.p Hồ Chí Minh thu mua với số lượng lớn.

Cũng theo ông Vinh, nguyên nhân bắp sú đang được giá, là do mưa lũ bất thường, gây thiệt hại cho vùng trồng rau xanh ở Lâm Đồng, Nam Bộ... khiến rau xanh thiếu hụt.

Thời gian tới, có thể các vùng trồng rau này phục hồi lại, nguồn cung tăng lên và giá rau sẽ giảm trở lại.

Do đó, địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chú trọng sản xuất cân đối, chủ yếu tập trung các loại rau, củ, quả truyền thống, có giá trị kinh tế cao để tránh rủi ro.

Mặt khác, địa phương cũng đang nỗ lực tìm kiếm "đầu ra" cho rau xanh ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất...

Đắk Nông: Chuyển đổi cây trồng trên đất hồ tiêu chết

Giá cả xuống thấp, hồ tiêu bị dịch bệnh hoành hành, nhiều người dân trên địa bàn Đắk Nông, đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để tái sản xuất.

 

khoai-99.jpg

 Chị Oanh chuyển đổi diện tích hồ tiêu chết, sang trồng những cây ngắn ngày       

 

Chị Nguyễn Thị Oanh ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) có hơn 2 ha hồ tiêu bị chết. Ở những chỗ hồ tiêu bị chết,  chị Oanh đã chuyển sang canh tác cây ngắn ngày như: bắp, khoai lang...

Chị Oanh chia sẻ: Cây hồ tiêu từng mang lại “của ăn của để” cho gia đình tôi, nhưng nó cũng lấy đi tất cả, vì giá xuống thấp, và dịch bệnh phát sinh. Vì vậy, tôi chuyển sang trồng bắp cải, khoai lang.

Chi phí đầu tư cho mỗi vụ bắp cải, khoai lang không cao, đầu ra, giá cả ổn định. Việc sản xuất cây ngắn ngày đơn giản, khả năng rủi ro cũng không nặng nề như hồ tiêu.

Cách lấy ngắn nuôi dài này, đã giúp chị Oanh từng bước phục hồi kinh tế. Đây là bước đệm, để “chuyển đổi những diện tích hồ tiêu chết, trồng cây ăn trái, cà phê...”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Đắk Lư, xã Đắk N’Drung, cũng có 4 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết. Chị quyết định không kiến thiết lại cây hồ tiêu, mà chuyển đổi trồng thêm các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng, măng cụt, vú sữa...

Chị cho biết: “Khi hồ tiêu bị bệnh, rất dễ lây ra diện rộng. Đối với những diện tích hồ tiêu không còn hiệu quả, hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh, gia đình chủ động chặt bỏ, để chuyển sang cây trồng khác, phù hợp hơn”. 

Cách làm của chị Oanh, chị Quyên đã góp phần phá bỏ độc canh cây hồ tiêu, để dần dần đa dạng hóa cây trồng, hạn chế rủi ro, ổn định thu nhập.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đắk Song, thời gian qua, trên địa bàn huyện đã có hàng ngàn ha hồ tiêu bị chết, hoặc nhiễm bệnh.

Trước thực tế trên, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân tái cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, giảm chuyên canh bất cứ loại cây nào.

Điều đáng mừng là, phần lớn người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích hồ tiêu chết, sang trồng cây ngắn ngày, hoặc cây ăn trái... để tái cơ cấu cây trồng.

M'Đrắk: Sâu keo mùa thu gây hại cây ngô  

Mặc dù mới xuất hiện, nhưng sâu keo mùa thu lây lan khá nhanh. Với đặc tính cắn phá cây trồng rất khỏe, lại phát triển nhanh, loại sâu này khiến nông dân M’ Đrắk thiệt hại nặng nề.

 

sau-33.jpg

 Cán bộ khuyến nông huyện, kiểm tra tình hình bệnh sâu keo tại xã Cư Prao         

 

Anh Phạm Văn Bình (thôn 10, xã Ea Pil) có 3,5 ha ngô. Tháng 7-2019, anh xuống giống 30 kg ngô vụ hè thu, cùng với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cày... trên 7 triệu đồng.

Song, khi cây ngô vừa lên xanh,  khoảng 30 cm, thì bắt đầu bị sâu keo cắn nát phần ngọn, thân đổ gục. Trong vòng một tuần, toàn bộ diện tích ngô đã bị sâu ăn mất trắng, gia đình anh phải phá bỏ; xuống giống đợt 2.

Thế nhưng, cây vẫn tiếp tục bị sâu phá hoại, sử dụng nhiều loại thuốc vẫn không cứu vãn được. Đầu tháng 9, anh tiếp tục xuống giống đợt 3 (vụ thu đông), nhưng tình trạng sâu keo tàn phá vẫn diễn ra. Giữa tháng 9,  buộc phải bỏ để trồng cây khác. Thiệt hại trên 20 triệu đồng.

Ông Trần Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết: huyện có 855 ha ngô, tính đến 15-9, sâu keo mùa thu gây hại trên 400 ha. Diện tích ngô vụ thu đông mới lên non xanh, cũng đã lây nhiễm, nhiều ruộng ngô chỉ cao khoảng gang tay đã bị sâu cắn cụt ngọn, trụi gốc.

Theo thống kê, vụ hè thu và thu đông, huyện M'Đrắk đã xuống giống trên 6.600 ha ngô. Đến nay, đã có trên 100 ha ngô bệnh. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là: xã Ea Riêng, Ea Pil, Ea Trang, Cư Prao...

Thực tế ghi nhận tại các ruộng ngô, cho thấy, sâu keo mùa thu gây thiệt trên 60%, có nơi lên đến 80 - 90%, buộc người dân phải phá bỏ, hoặc chuyển sang cây trồng khác.

Krông Pắc: Hỗ trợ nông dân liên kết phát triển sản xuất

Nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân, huyện Krông Pắc đã nhân rộng nhiều mô hình liên kết, tổ hợp tác sản xuất, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đầu năm 2019, tổ hợp tác trồng và khai thác nấm của anh Nguyễn Quốc Hậu, và 2 hộ khác ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy được huyện hỗ trợ 60 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân.

 

nam-69.jpg

 Anh Hậu, chuẩn bị nguyên liệu làm nấm

 

Nhờ số vốn này, tổ hợp tác đã nâng cấp trang trại trồng nấm, để nâng cao năng suất, sản lượng, nhằm tìm kiếm thị trường lớn hơn. Anh Hậu cho biết, sau nhiều lần thất bại, anh đã đổi mới mô hình từ trồng nấm ngoài trời, sang trồng trong nhà, và đã thành công.

Cùng với Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh mua tre nứa dựng 4 trại trồng nấm. Ngoài ra, anh mạnh dạn mua máy cuộn rơm để chủ động nguyên liệu trong cả năm.

Trung bình, sau 25 ngày trồng, nấm cho thu hoạch liên tục trong hơn 10 ngày, với sản lượng 15 kg/ngày.

Trung bình, nấm có giá bán 70 nghìn đồng/kg,  anh có nguồn thu khá ổn định. Anh Hậu chia sẻ: “Hiện, sản phẩm nấm của tổ hợp tác chỉ bán lẻ trên địa bàn huyện, do chưa tiếp cận được với các thị trường lớn.

Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân, tổ hợp tác đang tìm đầu ra cho sản phẩm để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất".

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top