Sau 4 năm chuyển đổi từ trồng tiêu sang trồng bơ, áp dụng biện pháp kỹ thuật điều chỉnh bơ cho thu hoạch sớm, gia đình ông Biện Tấn Quỳnh (thôn Tung Neng, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) có thu trên 100 triệu đồng/năm.
Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng
Chỉ tay về khu vườn bơ sai trĩu quả, ông Biện Tấn Quỳnh cho biết: Trước kia, đây là diện tích trồng hồ tiêu, khi tiêu bị chết, gia đình chuyển sang trồng bơ.
“Cách đây 4 năm, khi hồ tiêu bị chết, tôi cũng có ý định trồng lại. Tuy nhiên, sau thời gian tìm hiểu, thấy cây bơ phát triển khá tốt ở vùng Ia Dreng lại cho năng suất cao, giá cả ổn định, tôi quyết định chuyển sang trồng 300 cây bơ sáp vàng. Sau đó mỗi năm tôi trồng thêm một ít với nhiều loại bơ khác nhau. Hiện, gia đình có 700 cây bơ lớn, nhỏ”, ông Quỳnh chia sẻ.
Theo ông Quỳnh, trồng bơ không khó, nhưng để cây bơ cho ra trái nhiều và bán được giá, đòi hỏi nhà vườn phải biết cách lựa chọn giống. Bên cạch đó, phải nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc, nhất là quy luật ra hoa để có kế hoạch chăm sóc.
“Tôi lựa chọn trồng bơ sáp vàng, bơ Booth, bơ 034. Đây là những giống bơ cho năng suất cao, quả to, cơm dày, dẻo ngon. Đối với cây bơ sáp vàng, trồng 2 năm sẽ cho thu bói và thường cho thu hoạch vào tháng 6-7 trong năm. Để bán được giá, tôi điều chỉnh cây cho thu hoạch sớm. Sau khi thu hoạch xong, tôi cắt tỉa cành rồi chăm bón mạnh cho cây sung sức, rồi hãm tưới nước hai tháng đến khi cây ra hoa và bung đọt non mới bắt đầu tưới nước và bón phân lại. Với phương pháp này, cây bơ của nhà tôi cho thu hoạch vào tháng 4-5, bán được giá cao hơn chính vụ”, ông Quỳnh cho hay.
Biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây bơ cũng như lựa chọn giống bơ ngon nên bơ của gia đình ông Quỳnh luôn được thương lái đến thu mua tại vườn. Từ đầu tháng 4, ông đã có bơ sáp vàng để bán; đến tháng 10, bơ booth cho thu hoạch. Năm 2017, với 300 cây bơ sáp thu bói, gia đình ông thu về trên 60 triệu đồng. Năm nay, 300 cây bơ sáp bước vào mùa thu hoạch thứ hai được trên 3 tấn, giá bán đầu mùa 25.000-27.000 đồng/kg, cùng với 200 cây bơ booth cho thu bói, dự kiến thu về trên 100 triệu đồng.
Tránh trồng ồ ạt
Ông Quỳnh cho biết: “Thời điểm hiện tại, trồng bơ cho thu nhập cao hơn hồ tiêu vì vốn đầu tư thấp, bơ ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc. Đầu ra của bơ hiện khá ổn định. Đặc biệt, giống bơ Booth có giá trị dinh dưỡng cao. Nếu như giống bơ sáp sau khi hái 3 - 4 ngày là chín thì bơ booth sau khi hái 7-10 ngày mới chín, vì vậy, có thể thể vận chuyển đi xa tiêu thụ. Giống bơ này thương lái đến tận vườn thu mua xuất sang các nước với giá khá cao. Vì vậy, ngoài trồng bơ tập trung, gia đình còn trồng xen canh bơ Booth trong vườn cà phê”.
Ông Siu Kơl, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dreng, cho biết: “Ia Dreng là một trong những xã đi đầu trong việc chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn trái và nhiều hộ có thu nhập ổn định. Gia đình ông Quỳnh là một trong những hộ tiên phong trồng bơ với số lượng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để tránh thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, nông dân không nên trồng ồ ạt bơ mà nên trồng xen với hồ tiêu, cà phê, tránh nguy cơ thua lỗ trong trường hợp độc canh một loại cây trồng”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.