KTNT - Với hơn 600ha chuối, huyện Vân Canh được xem là vựa chuối lớn nhất tỉnh Bình Định hiện nay. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, người dân Vân Canh đang hối hả thu hoạch chuối để bán. Do năm nay thời tiết thuận lợi, chuối được mùa lớn nên giá giảm hơn mọi năm, sức mua chậm khiến nông dân kém vui.
Mua bán chuối tại chợ chuối Vân Canh.
Ông Lê Văn Cẩn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Canh, cho biết: Nhiều năm trở lại đây, do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, trong khi vốn đầu tư thấp, chăm sóc đơn giản, chuối đã trở thành cây trồng chủ lực trên đất Vân Canh. Các xã có diện tích trồng chuối lớn như: Canh Vinh, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh, Canh Thuận và Canh Hòa. Vụ chuối Tết năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, bà con đầu tư chăm sóc đúng mức nên cây chuối phát triển tốt, cho năng suất cao, quả to, đẹp. Thời điểm hiện nay, bà con đang vào chính vụ thu hoạch để bán trong dịp Tết.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ đầu mối huyện Vân Canh, mới 4-5 giờ sáng, chợ đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp và kéo dài đến 16-17 giờ chiều mới tan. Chuối đẹp loại 1 (buồng chuối loại lớn, 6-10 nải/buồng) được thương lái thu mua với giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/buồng; chuối loại 2 (buồng nhỏ 5-6 nải/buồng) dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/buồng; chuối loại 3 (buồng nhỏ từ 3-5 nải) dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/nải. Theo bà con nông dân, giá chuối hiện nay giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Sới, người trồng chuối ở làng Đắc Đâm, thị trấn Vân Canh, cho biết: “Với rẫy chuối rộng hơn 6 sào (3.000m2) trồng hơn 400 bụi, mùa chuối Tết năm ngoái tôi thu hoạch hơn 300 buồng, thu được 8 triệu đồng. Năm nay, cả rẫy của tui thu đến trên 400 buồng, nhưng do giá thấp nên chỉ thu về chưa đến 5 triệu đồng”.
Cũng theo bà Sới, giá chuối thấp đã đành, điều khiến các nhà vườn bức xúc là thương lái lợi dụng đầu ra hạn chế để ép giá nhà vườn. Nếu thời điểm này năm ngoái nhiều thương lái đã vào tận làng đặt cọc với giá sỉ 20.000 - 25.000 đồng/nải thì năm nay chỉ được từ 15.000 - 20.000 đồng/nải.
“Các năm trước, khi chuối mất mùa thương lái vào tận làng năn nỉ nhà vườn, còn khi được mùa, đầu ra chậm thì họ lại bắt ép. Tôi còn nhớ, thời điểm này năm ngoái, buồng chuối 8 nải trở lên, ngày thường tôi bán với giá 150.000 đồng/buồng, còn giáp Tết thì giá tăng gấp đôi, gấp ba. Còn năm nay, đã qua ngày tiễn “Ông Công, Ông Táo” mà giá chuối vẫn không nhích lên được nên nhà vườn ai cũng buồn”, anh Sô Zuôn Linh, nhà vườn trồng chuối ở làng Canh Phước, xã Canh Hòa, cho biết.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến chuối Tết năm nay mất giá là do năm nay thời tiết thuận lợi, không có bão lũ nên nhiều địa phương trồng chuối trên địa bàn tỉnh được mùa lớn. Trong khi đó, lượng chuối từ các tỉnh Tây Nguyên đổ về các chợ khá nhiều, dẫn đến cung vượt quá cầu. Theo dự báo, từ nay đến giáp Tết, giá chuối khó có khả năng tăng đột biến như các năm trước.
Phú Mỹ
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…