Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 7 năm 2021 | 23:11

Bình Thuận xây dựng kịch bản tiêu thụ hơn 400.000 tấn thanh long

Sản lượng thanh long 6 tháng cuối năm của tỉnh Bình Thuận đạt khoảng 437.000 tấn. Trong điều kiện dịch Covid-19, đang diễn biến phức tạp, Bình Thuận đã hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong đó trọng tâm là mặt hàng thanh long.

Lượng nông sản lớn

Tỉnh Bình Thuận có 33.750 ha thanh long, thời điểm hiện tại đang vào mùa thu hoạch chính. Dự kiến sản lượng thu hoạch 6 tháng cuối năm đạt 437.000 tấn. Riêng cây cao su đang trong mùa thay lá non, người trồng tập trung chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới, dự kiến sản lượng thu hoạch từ tháng 6-12 đạt 60.330 tấn.

Cây điều đang trong thời điểm thu hoạch, với sản lượng điều khô từ nay đến cuối năm đạt 8.680 tấn. Với các sản phẩm thủy sản, tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp khai thác và chế biến sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, dự kiến sản lượng khai thác tôm thẻ chân trắng đạt 142.350 tấn…

 

 Dự kiến sản lượng thanh long 6 tháng cuối năm 2021 của Bình Thuân đạt 437.000 tấn.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên xuất khẩu nông sản của tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu khả quan. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản ước thực hiện 9,69 triệu USD, tăng 37,6% so cùng kỳ. Riêng đối với thị trường tiêu thụ nội địa, do diễn biến mới của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn, resort trên địa bàn tỉnh không có khách nên tình hình tiêu thụ nông sản có dấu hiệu trầm lắng.

Đặc biệt, phải nói đến mặt hàng nông sản chính của Bình Thuận là thanh long, trong nửa năm qua, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch thực hiện 4,3 triệu USD tương đương 2.747 tấn, giảm 6,59% về giá trị và giảm 37,83% về lượng so cùng kỳ năm 2020.

Ngoài thị trường xuất khẩu chính là châu Á, một số nước châu Âu, châu Mỹ… thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu biên mậu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang.

Hiện nay, hoạt động xuất khẩu biên mậu được thực hiện thông quan song song với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản sang thị trường này theo hình thức biên mậu gặp không ít khó khăn.

Xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản

Mới đây UBND tỉnh Bình Thuận có kế hoạch hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 đến cuối năm. Trong đó, Bình Thuận xây dựng 2 kịch bản tiêu thụ nông sản. Kịch bản thứ nhất tiêu thụ nông sản với mặt hàng là thanh long. Dự kiến sản lượng thanh long 6 tháng cuối năm 2021 khoảng 437.000 tấn. Kịch bản đặt ra về thị trường tiêu thụ thanh long bao gồm: xuất khẩu khoảng 280.000 tấn; tiêu thụ nội địa khoảng 80.000 tấn; tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online và đưa vào các doanh nghiệp, cơ sở chế biến khoảng 75.000 tấn.

Kịch bản thứ hai, tiêu thụ các nông sản khác như: cao su, cây điều, sản phẩm thủy sản. Kịch bản này được thực hiện như kịch bản tiêu thụ thanh long khi nông sản tiêu thụ gặp khó khăn, dồn ứ. Tăng cường hoạt động xuất khẩu hàng hóa gắn với tập trung tiêu thụ nội địa và đẩy mạnh tiêu thụ trên nền tảng số, thương mại điện tử và bảo quản tại các kho lạnh chờ điều kiện thuận lợi để tiêu thụ và xuất khẩu.

Để làm được việc này, Bình Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thiết lập mạng lưới mỗi địa bàn huyện, thị xã, thành phố có ít nhất từ 1 - 2 cơ sở hỗ trợ thu mua sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông sản; tạo điều kiện thuận lợi phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo, các loại mứt, rượu…Đồng thời, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các nhà lạnh, kho lạnh, container lạnh để bảo quản, kéo dài thời gian thu hoạch và tiêu thụ nông sản.

Yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu phát triển các điểm trưng bày, bán nông sản tươi và các sản phẩm nông sản chế biến; các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có nguồn gốc từ nông sản, sản phẩm đặc sản trong và ngoài tỉnh.

Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đồng bộ, có trọng điểm; mở rộng thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước, nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp vào vụ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tiêu thụ nông sản của tỉnh năm 2021. Trong đó, xây dựng kịch bản về tiêu thụ thanh long là phải tiêu thụ hết thanh long với mức giá hợp lý.

Đẩy mạnh xuất khẩu thanh long cả chính ngạch và tiểu ngạch. Tập trung tiêu thụ thanh long tại thị trường trong nước, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, ông Phong cho biết.

Dự kiến tháng 8/2021, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ phối hợp Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị Giao thương trực tuyến thanh long Bình Thuận với các đối tác Ấn Độ và Pakistan năm 2021. Thông qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thanh long của tỉnh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ ra bên ngoài trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top