Tại phiên chất vấn ngày 16/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm rõ tình trạng ùn ứ nông sản, cũng như đưa ra các giải pháp đảm bảo lưu thông hành hoá, xuất, nhập khẩu trong tình hình dịch Covid-19.
Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu
Từ điểm cầu Lạng Sơn, ĐBQH Lưu Bá Mạc cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tục phối hợp với các ngành, địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khuyến cáo cũng như cảnh báo đối với các doanh nghiệp, tổ chức và thương nhân, nhưng tình trạng ồn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu vẫn diễn ra. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết về nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, thực tế thời gian qua cho thấy, vấn đề ùn ứ nguyên nhân đầu tiên do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid. Nguyên nhân thứ hai là, hàng hóa nông sản của Việt Nam xưa nay bán qua biên giới chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, sản phẩm xuất sang bên đó chủ yếu là không theo quy hoạch và cũng không đạt tiêu chuẩn.
Để đảm bảo việc lưu thông nông sản hàng hóa, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo thống nhất quan điểm trao đổi với đối tác Trung Quốc để xây dựng quy trình thông quan, trước hết là thành lập các vùng xanh an toàn cho hàng hóa; thống nhất quy trình giao nhận hàng hóa ở biên giới cho thuận lợi.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương có cửa khẩu phải hỗ trợ chủ hàng trong quá trình vận tải, có thông tin thường xuyên về vùng trồng, vùng nuôi với những địa phương có sản phẩm để có sự hợp tác khi cửa khẩu phía bạn không mở do Covid, bên cạnh đó không gây sức ép cho các địa phương có cửa khẩu. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo tăng cường hoạt động tiêu thụ trong nội địa bằng cả hình thức truyền thống và thương mại điện tử; chỉ đạo các thương vụ ở nước ngoài tăng cường kết nối giao thương để từng bước mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một nước.
Liên quan đến nội dung này, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chất vấn về nhóm giải pháp thích ứng với chính sách Zero Covid của Trung Quốc trước tình trạng ùn ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 16 hiệp định đã có hiệu lực, gần đây nhất là hiệp định RCEP của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác. Hàng hóa của Việt Nam đã đến được trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, được hưởng lợi từ 16 Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sản phẩm hàng hóa cho chúng ta có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không thì lại là những câu hỏi không thể chỉ đặt ra với Bộ Công Thương mà phải đặt ra với các ban, ngành và với các doanh nghiệp và người sản xuất.
Trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được câu hỏi sản xuất gì, bán đi đâu và bán cho ai, nhưng bây giờ chúng ta vẫn làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, đây là vấn đề khó. Vì vậy, để nâng được năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài để tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới thì cần lưu ý một số vấn đề như sau: sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường; phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên và hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.
Sản xuất, tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn
Nêu vấn đề, xuất khẩu nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu với Trung Quốc cho thấy sự đứt gẫy trong tiêu thụ hàng hóa, đại biểu Siu Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, đây là vấn đề lưu thông khi xét trong toàn bộ quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định và cần hoàn thiện phương án sản xuất. Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương cho biết giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, hàng hóa ùn ứ cho thấy chiến lược sản xuất tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc. Để giải bài toán này, theo Bộ trưởng, đã không dưới 3 lần Bộ Công Thương có kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương cần có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, bám sát tín hiệu thị trường. Nếu giữ cách làm cũ thực sự là bị động. Bộ trưởng khuyến cáo các địa phương có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng kế hoạch đề án sản xuất theo quy hoạch từng thị trường…
Bộ trưởng cũng nêu rõ, Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức trao đổi hướng dẫn thông tin và tập huấn nghiệp vụ ngành hàng cho doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm để các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp hướng dẫn về quy cách hàng hóa, tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng. “Đây cũng là cách để chúng ta có thể chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, tiểu ngạch, sang chính ngạch”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Về nỗ lực giải quyết ùn tắc nông sản ở biên giới trước mắt, cơ quan chức năng của Việt Nam đã có rất nhiều cuộc họp và trao đổi với đối tác phía Trung Quốc. Tình hình dịch ở các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, nhiều thành phố bị phong tỏa, nên đã gây không ít khó khăn. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp xây dựng một đề án liên quan vấn đề này.
Cụ thể, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch, với các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể. Hiện, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ, khi Chính phủ thông qua, đây sẽ là cơ sở để triển khai. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương cùng phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, để cùng thực hiện hiệu quả.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn
Liên quan đến việc giải quyết ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, chúng ta có tiến hành các hoạt động giao thiệp. Tuy nhiên, tình trạng những năm vừa qua, khi giao thiệp thì các cửa khẩu, chợ được mở nhưng khi công tác giao thiệp không được tiến hành thì lại ứ đọng. “Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về các vấn đề giải pháp mang tính cơ bản? Bộ trưởng cho biết tại sao khi có giao thiệp thì cửa khẩu được mở và không có giao thiệp thì cửa khẩu lại bị đóng, nguyên nhân nằm ở đâu?”, đại biểu nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Công Thương cho biết, chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam và Trung Quốc có những điểm không giống nhau. Thời điểm trước Tết, mặc dù hàng hóa ùn ứ rất lớn nhưng chúng ta cũng tích cực giao thiệp. Qua giao thiệp chủ yếu bàn việc giao hàng qua phương thức nào để đảm bảo an toàn cho cả hai bên. Qua giao thiệp chúng ta hình thành phương thức giao nhận hàng hóa, hình thành các luồng xanh, vùng an toàn dịch bệnh,…
Theo Bộ trưởng, thời gian tới việc giao thiệp vẫn phải duy trì, đây là việc cần thiết, ngoại giao vẫn là trên hết. Khi không ngoại giao được mới phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, có thể thấy thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn. Những nước rất xa vẫn tìm đến Trung Quốc để bán hàng và Việt Nam không có lý do gì để không bán hàng. Lý do nữa là các nước đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ quy định này. Nhưng trên thực tế, nước ta với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, không đảm bảo quy chuẩn.
“Chúng ta hiện đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng nếu không nâng năng lực sản xuất, khả năng thích ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường thì sẽ thua ngay trên sân nhà, trở thành thị trường tiêu thụ cho đối tác. Gần 100 triệu dân của chúng ta là thị trường hấp dẫn đối với các nước...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.