Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 6 năm 2022 | 17:14

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giảm chi phí vật tư nông nghiệp là mệnh lệnh

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Giảm chi phí là mệnh lệnh và làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là giải pháp phù hợp.

ta.jpg
Ảnh minh họa. Trong ảnh: Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH MTV Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế Nghệ An, Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An). 

 

Hiện nay, các loại nông sản trên thị trường không có nhiều biến động, thậm chí một số loại vào vụ thu hoạch giá giảm, nhưng giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao không chỉ làm “đau đầu” các nhà quản lý mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Giá vật tư nông nghiệp tăng “nóng”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 từ năm 2019, xung đột quân sự Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và đẩy giá vật tư tăng cao; dẫn đến nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất trong nước tăng và làm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng.

Tại báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá phân bón tăng cao, như phân Urê tăng 136% đến 143%, DAP tăng 143% đến 164%, Kali tăng 180% đến 200% so với tháng 12 năm 2021. Giá thuốc thuốc bảo vệ thực vật tương đối ổn định, chỉ tăng giá ở nhóm hoạt chất thuốc trừ cỏ không chọn lọc và thuốc trừ sâu.

Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 45%, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng từ 30% - 35% so với tháng 12/2021. Sản xuất thuốc, vắc xin thú y gặp nhiều khó khăn hơn. Giá dầu diesel 0.05S tăng trên 8.000 đồng/lít, làm cho chi phí nhiên liệu cho khai thác tăng thêm 2.640 tỷ đồng/tháng; cộng thêm giá các mặt hàng khác tăng theo 10% - 20%, kéo theo chi phí chuyến biển tăng cao. Giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng “nóng” làm chi phí sản xuất và giá sản phẩm nông nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của nông sản.

Đổi mới phương thức sản xuất

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi các loại vật tư đầu vào đều tăng phi mã. Ông Nguyễn Văn Hợi (ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) cho biết, chưa bao giờ giá các loại phân bón lại tăng cao như hiện nay, giá phân đạm lên tới gần 20.000 đồng/kg, tăng 12.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2020.

“Chi phí cho phân bón chiếm khoảng 40% giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp nên việc giá phân bón tăng cao, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Người nông dân gắn bó với đồng ruộng, “lấy công làm lãi”, mà giá phân bón tăng cao thì gần như không có lãi”, ông Hợi cho biết thêm.

Không chỉ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng cao. Ông Bạch Văn Hộp (ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho biết, từ đầu tháng 4-2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã tăng 7.000-8.000 đồng/bao (loại 25kg/bao). Cám viên lợn có giá 350.000 đồng/bao (25kg), còn một số loại thức ăn đậm đặc khác lên đến 540.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá thịt lợn vẫn giữ nguyên nên người chăn nuôi không có lãi.

 

nn2.jpg
Nông dân phải phối trộn thức ăn phù hợp để giảm chi phí chăn nuôi.

 

Trước thực trạng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… tăng cao, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, hợp tác xã khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm phân bón vô cơ.

Còn bà Phạm Thị Cưa, hộ chăn nuôi ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, để giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi, gia đình đã sử dụng ngô, sắn và mua thêm các loại rau, cá, tôm tép, bã đậu tương… tự phối trộn thức ăn. Và tùy thuộc mỗi giai đoạn sinh trưởng sẽ áp dụng các công thức phối trộn thức ăn phù hợp, bảo đảm dinh dưỡng cho đàn vật nuôi.

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế phụ thuộc vào phân bón vô cơ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện các phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, hướng dẫn người chăn nuôi sản xuất theo hướng an toàn dịch bệnh; khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, qua đó tiết kiệm chi phí đầu vào, tạo nguồn sản phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu của thị trường.

Mong có câu trả lời “đến bao giờ”

Tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc Hội, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết hàng loạt vấn đề như giá vật tư nông nghiệp tăng vào mùa sản xuất, điệp khúc “được mùa mất giá” đã được chất vấn từ rất lâu nhưng chưa giải quyết được. “Tôi muốn hỏi Bộ trưởng, đâu là điểm nghẽn vấn đề này và đến bao giờ khắc phục được các vấn đề nêu trên trong lĩnh vực nông nghiệp?”, Đại biểu Hoa Ry nêu câu hỏi.

“Tôi sợ nhất ở QH là câu hỏi đến bao giờ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu câu trả lời và nói không phải ông thoái thác trách nhiệm, ông và Bộ NN-PTNT sẽ làm hết mình, nhưng những vấn đề này chỉ giải quyết được khi chính quyền địa phương vào cuộc. “Nhanh hay chậm là ở chỗ đó”, ông Hoan nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng tranh luận với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về những câu hỏi “khi nào”, “bao giờ” mà ông Hoan cho rằng khó trả lời. Bà Mai cho rằng, không thể nói do yếu tố thị trường nên khó xác định được kết quả; đồng thời cũng không thể nói do yếu tố liên ngành nên cũng không thể xác định. “Chúng tôi cũng đồng ý rằng chúng ta có từng bộ, ngành nhưng Chính phủ là nhất thể và bộ máy điều hành đó là thống nhất. Vì vậy, tôi cũng mong rằng đối với những câu hỏi liên quan đến “khi nào, bao giờ” thì chúng tôi có được câu trả lời. Bởi vì đó không chỉ đơn thuần là câu trả lời mà nó là hy vọng và chúng ta cũng không nên để những hy vọng của người dân trở thành vô vọng khi không có câu trả lời”, bà Mai nói.

Giảm chi phí là mệnh lệnh

Theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, để ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu (về nguồn hàng, ưu tiên về giá, chất lượng, vận chuyển, lưu thông) tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất. Thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; tăng cường sử dụng thức ăn tinh, giảm thức ăn thô và tận dụng tối đa phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đề cao việc giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, người nông dân có thể vào hợp tác xã mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất.

 

e583171097e757b90ef6.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.

 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Giảm chi phí vật tư nông nghiệp là mệnh lệnh và làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là giải pháp phù hợp”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ ra thực tế rằng: Vấn đề vật tư đầu vào cao, khan hàng đang trở thành vấn đề phổ biến do đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao do chính sách kích cầu của nhiều quốc gia.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó Bộ Công Thương bằng các chính sách, bao gồm chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm tiền điện, giảm lãi suất trong quá trình tổ chức sản xuất; hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế để giảm các loại chi phí, giảm giá thành sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu; những mặt hàng trong nước cần thì hạn chế xuất khẩu, tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục áp dụng những chính sách và biện pháp vừa nêu trên, đặc biệt sẽ cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế, hoặc trong điều kiện đặc biệt khi giá nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu thế giới tăng cao sẽ thực hiện các chính sách an sinh cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top