Năm 2016, người dân Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nề do chịu ảnh hưởng của 5 trận lũ liên tục, từ 7-11/9/2016 và kết thúc bằng trận lũ 29/10-3/11/2016. Đặc biệt, trận lũ kép từ ngày 15 đến 23/10/2016 đã làm cho khoảng 90% diện tích bưởi Phúc Trạch trên địa bàn huyện Hương Khê chìm trong nước.
Nhiều vườn bưởi Phúc Trạch đã hồi sinh, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Bên cạnh lũ, trên địa bàn còn có nhiều đợt mưa xen kẽ với lượng mưa khá lớn (trên dưới 50mm). Vì vậy, bộ rễ của cây luôn ngập chìm trong nước và bị tổn thương khá nặng, trong đó có khoảng 50% trong tổng số 1.800ha bưởi Phúc Trạch trồng vào năm 2016 bị thối đầu rễ.
Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông lựa chọn giải pháp kỹ thuật và chuyển giao cho nông hộ trồng bưởi Phúc Trạch nhằm khôi phục sinh trưởng và phát triển các vườn bưởi.
“Lũ đi là người đến”, với sự chỉ đạo kịp thời đó, những cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã thành lập tổ công tác và phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương thu thập thông tin, kết quả để nghiên cứu, thống nhất quy trình khôi phục sinh trưởng, phát triển vườn bưởi Phúc Trạch sau lũ lụt.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ chuyên môn của Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê, Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện, các đoàn thể, đặc biệt là người dân Hương Khê, bởi họ xác định bưởi Phúc Trạch là cây mang lại thu nhập chính, nên mỗi người dân đều có ý thức, trách nhiệm tuân thủ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật của cán bộ chuyên môn.
Theo đó, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh tiến hành vào nhiều giai đoạn, cụ thể: giai đoạn cây bưởi phân hóa mầm hoa (cuối năm 2016), khi cây chưa ra hoa (đầu năm 2017), khi cây bưởi ra hoa, thụ phấn (từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 4/2017) và sau khi tắt hoa, quả non ổn định (từ 10/4 - 31/5/2017). Quá trình chuyển giao được tiến hành theo nhiều phương pháp, từ tổ chức tập huấn trên lý thuyết đến thực tiễn bằng cách “cầm tay chỉ việc”; thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình và đặc biệt là tư vấn qua điện thoại bất cứ thời gian nào khi người dân có vướng mắc trong quá trình thực hiện…
Sau mỗi đợt chuyển giao, Tổ công tác về cây ăn quả thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã trực tiếp kiểm tra kết quả tiếp nhận kiến thức thông qua quá trình tổ chức sản xuất của nông hộ trên vườn cây; kiểm tra đánh giá quá trình thực hiện và rút ra những tồn tại, hạn chế để tiến hành hướng dẫn kỹ thuật bổ sung; đồng thời căn cứ vào tính cực đoan của khí hậu, thời tiết để điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật cho phù hợp và hướng dẫn bổ sung kỹ thuật tại vườn. Đây chính là công việc then chốt, quyết định đến việc có khôi phục được sinh trưởng, phát triển và tăng cường sự ra hoa, đậu quả của bưởi Phúc Trạch sau lũ hay không.
Ngoài công tác chuyển giao chung cho các địa phương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn bố trí 8 hộ tham gia thực hiện đầy đủ các khâu trong công tác khôi phục sinh trưởng để làm điểm giới thiệu và hướng dẫn. Cụ thể tại xã Hương Trạch có 2 hộ, xã Hương Thủy 3 hộ, xã Gia Phố 2 hộ, xã Hương Giang 1 hộ tham gia xây dựng mô hình với quy mô 2ha để trình diễn cho nông hộ trực tiếp tham quan học tập và tổ chức thực hiện. Kết quả, ở cả 8 vườn bưởi trình diễn, môi trường vườn cây được khôi phục, bộ rễ được phục hồi; sâu bệnh xâm hại được hạn chế, cây trồng sinh trưởng bình thường và đặc biệt không có cây bị chết do ảnh hưởng của lũ lụt, khả năng ra hoa đậu quả trong vụ xuân đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cũng được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh chú trọng. Theo đó, Trung tâm đã xây dựng và phát sóng 3 phóng sự về kỹ thuật cải tạo, khôi phục vườn bưởi bị ảnh hưởng của lũ lụt trong chương trình Nông nghiệp - Nông thôn trên Đài Truyền hình Hà Tĩnh; xây dựng thông báo mức độ ảnh hưởng và giải pháp kỹ thuật khắc phục vườn bưởi qua hệ thống truyền thanh của xã, thôn, xóm theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây với hơn 500 cuộc để người dân thực hiện.
Đến nay, các giải pháp kỹ thuật được chuyển giao cho tất cả các hộ trồng bưởi, giảm thiểu được thiệt hại, khôi phục, bảo tồn cây bưởi Phúc Trạch sinh trưởng tốt, ổn định năng suất, đảm bảo về chất lượng, tiếp tục tạo thành vùng hàng hóa bền vững và từ đây có được tập quán sản xuất khi có lũ lụt ngập úng xảy ra. Kết quả, các vườn bưởi Phúc Trạch thực hiện đảm bảo các khâu trong chăm sóc đã khôi phục hơn 80%, đây chính là động lực để người dân an tâm đầu tư, tiếp tục chăm sóc để cây bưởi Phúc Trạch duy trì sinh trưởng phát triển tốt, hứa hẹn gặt hái một mùa bưởi bội thu.
Nguyễn Hoàn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.