Cây đậu đũa đã trở thành cây chủ lực, hứa hẹn vực dậy cuộc sống của bà con xóm Trò, xã Hợp Kim, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình.
Đến thăm xóm Trò, xã Hợp Kim (huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình) những ngày này có thể cảm nhận được sự nhộn nhịp của nhân dân nơi đây đang vào mùa thu hoạch đậu đũa. Xen lẫn những giàn đậu xanh mướt, phủ kín vùng đất cằn cỗi xưa là tiếng cười, nói phấn khởi của bà con, báo hiệu một mùa bội thu, no ấm hơn.
Con đường vào xóm Trò bây giờ đã trải bê tông phẳng phiu, dễ đi hơn trước. Nằm cách UBND xã Hợp Kim 2 km, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu là trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng chỉ nhỏ lẻ, rải rác chứ không tập trung. Nhiều năm trở lại đây, do khí hậu khắc nghiệt nên hiệu quả từ trồng cây lương thực đem lại không cao.
Từ đầu năm nay, khi cây đậu đũa được đưa vào gieo trồng đã trở thành cây chủ lực, hứa hẹn vực dậy cuộc sống của bà con nơi đây. Anh Bùi Quang Huy, người dân xóm Trò cho biết: Gia đình tôi trồng đậu đũa từ đầu năm nay. Nhận thấy đậu đũa là cây dễ trồng lại không đòi hỏi cao về kỹ thuật, chỉ cần làm sạch cỏ và tưới nước thường xuyên, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Hy vọng 3 sào đất gia đình đang thâm canh, vụ mùa này sẽ cho năng suất cao.
Mô hình trồng đậu đũa xuất khẩu được thực hiện theo hình thức chuỗi sản xuất, từ khâu cung cấp giống đến khi tiêu thụ đều được ký kết với Công ty Nông nghiệp xanh. Trước đó, Công ty đã đến thăm xã, xóm Trò xem xét địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu và quyết định thực hiện mô hình trồng đậu đũa tại đây. Không những thế, bà con trong xóm đều được hướng dẫn về kỹ thuật, cách thức chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh hại... Xã Hợp Kim cũng đầu tư cho mô hình 20 triệu đồng tiền giống và phân bón. Xóm hỗ trợ về máy cày, bừa.
Với chu kỳ của cây đậu đũa mỗi vụ 45 ngày, một năm có thể trồng 3-4 vụ xen lẫn các loại cây khác, dự kiến năng suất thu về 170 triệu đồng/ha. Hiện nay, xóm Trò đang tích cực triển khai trên diện tích 1,5 ha đất nông nghiệp của xóm.
Đồng chí Quách Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hợp Kim cho biết: Hy vọng cây đậu đũa hứa hẹn một tương lai rộng mở cho bà con nơi đây, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền bà con trong xã mở rộng sản xuất, chuyển đổi đất kém hiệu quả chuyển sang trồng đậu, tạo động lực nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian tới./.
Theo Đồng Hương/Báo Hoà Bình
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.