Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 10 năm 2021 | 11:28

Các địa phương miền núi phía Bắc hối hả vào vụ đông

Hiện nay, nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc đã thu hoạch xong lúa mùa và đang làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ đông.

Na Hang vào vụ đông

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng tại huyện vùng cao Na Hang (Tuyên Quang), nông dân đang nô nức ra đồng trồng và chăm sóc cây vụ đông, đảm bảo đúng khung thời vụ đã đề ra.

 

na-hang.jpg

Người dân xã Thanh Tương (Na Hang) chăm sóc rau màu vụ đông.

 

Vụ đông năm nay, huyện Na Hang có kế hoạch gieo trồng 329 ha cây màu vụ đông, trong đó, cây ngô 107 ha, 182 ha cây rau đậu, 40 ha cây khoai lang.

Năng Khả là một trong những xã luôn đi đầu trong sản xuất vụ đông của huyện Na Hang. Vụ đông năm nay, toàn xã gieo trồng 15 ha ngô lấy hạt, rau đậu các loại 60 ha, ngô làm thức ăn cho gia súc hơn 40 ha. Hiện nay, bà con trong xã đã thu hoạch xong lúa mùa và đang làm đất để chuẩn bị cho sản xuất vụ đông. Bà Ma Thị Hoa, thôn Nà Khá chia sẻ, tiếp nối những thành công của vụ đông năm ngoái, ngay khi thu hoạch xong lúa mùa, gia đình bà làm đất ngay để gieo trồng cây vụ đông. Vụ này gia đình bà trồng gần 2.000 m2 dưa chuột và 1.000 m2 rau bắp cải, su hào.

Tại các thôn có diện tích trồng rau màu tập trung như thôn Yên Trung, Nà Né, xã Thanh Tương bà con đang tập trung ra đồng trồng và chăm sóc cây vụ đông. Bà Trần Thị Hợi, thôn Yên Trung chia sẻ, trước kia do chưa có hệ thống kênh mương cố định, chưa biết cách chăm sóc cây trồng nên gia đình chỉ trồng ngô với diện tích nhỏ. Vài năm trở lại đây, hệ thống kênh mương được đầu tư, phong trào sản xuất cây trồng vụ đông cũng phát triển mạnh. Người dân ở thôn Yên Trung còn tập trung phát triển mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu để đảm bảo chất lượng rau cung ứng ra thị trường. Từ đó, bà đã coi vụ 3 cũng là một vụ chính trong năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ông Chẩu Văn Bích, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, xác định tầm quan trọng của sản xuất vụ đông, phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng; hướng dẫn sử dụng phân bón cho các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, tình hình sinh trưởng phát triển của từng loại cây. Đồng thời, tăng cường công tác điều tra, dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng, cùng nhân dân thường xuyên kiểm tra rau trồng vụ đông để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ sinh vật hại, đặc biệt là những địa phương có vùng trồng rau an toàn như Hồng Thái và Năng Khả. Đồng thời, chủ động cung ứng đủ về cơ cấu giống và đảm bảo về chất lượng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp cho nhân dân.

Yên Bình tích cực chăm sóc vụ đông

 

yen-binh.jpg

Nông dân xã Yên Bình chăm sóc cây ngô đông trên chân ruộng 2 vụ lúa. Ảnh: Báo Yên Bái.

 

Vụ đông năm 2021, huyện Yên Bình (Yên Bái) gieo trồng 1.510 ha.Thời điểm này, diện tích ngô đông trên chân ruộng 2 vụ lúa và những diện tích đất soi bãi, đồi thấp đã gieo trồng xong.

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của 24 xã, thị trấn huyện Yên Bình, nông dân đang khẩn trương gieo trồng diện tích rau màu và chăm sóc cây vụ đông. Vụ đông năm 2021, huyện Yên Bình gieo trồng 1.510 ha; trong đó, 700 ha ngô đông (400 ha trồng trên đất hai vụ lúa, 300 ha trồng trên đất soi bãi); 300 ha khoai lang; 510 ha rau các loại. 

Thời điểm này, diện tích ngô đông trên chân ruộng 2 vụ lúa và những diện tích đất soi bãi, đồi thấp đã được nhân dân các xã gieo trồng xong đúng khung thời vụ. Để cây vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng, UBND huyện đã chỉ đạo các xã huy động nông dân tham gia nạo vét kênh mương nhằm đảm bảo nước tưới, chủ động các biện pháp chống ngập úng, rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. 

UBND huyện cũng yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và phát triển nông nghiệp, các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân gieo trồng và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, khung thời vụ; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm sớm phát hiện và phòng trừ có hiệu quả các loại sâu bệnh hại cây trồng; đặc biệt, khuyến khích các hợp tác xã liên kết với nông dân tạo thành chuỗi liên kết sản xuất rau sạch, bảo đảm đầu ra cho nông dân. 

Ông Vũ Hồng Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: "Ngay sau khi kết thúc vụ mùa, căn cứ vào nhiệm vụ giao, đơn vị đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền và vận động nhân dân làm đất để sản xuất các cây trồng vụ đông đúng thời vụ, đảm bảo cơ cấu giống, kỹ thuật theo kế hoạch và khuyến cáo của huyện. 

Chợ Mới chú trọng sản xuất vụ đông

Những năm gần đây, sản xuất vụ đông ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) được quan tâm, chú trọng, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

cho-moi.jpg

Nông dân xã Nông Hạ trồng khoai lang vụ đông. Ảnh: Báo Bắc Kạn

 

Xã Nông Hạ là 1 trong những địa phương đi đầu trong sản xuất vụ đông ở huyện Chợ Mới. Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, bà con nhanh chóng làm đất để trồng vụ sản xuất thứ 3 với các loại cây như ngô, rau, khoai lang..., bởi vậy thời gian "đất nghỉ" là rất ít. Diện tích cây trồng vụ đông được mở rộng hằng năm cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Được biết, vụ đông năm nay, xã Nông Hạ có kế hoạch gieo trồng 58ha cây ngô, khoai lang, rau xanh, khoai tây và một số cây trồng khác.

Trong những ngày này, trên cánh đồng Tông Vạc, thôn Nà Bản, xã Nông Hạ, nông dân đang tấp nập ra đồng tập trung làm đất, trồng ngô và khoai lang để kịp thời vụ. Anh Đinh Khắc Tấn, thôn Nà Bản cho biết: “Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 1.000m2 ngô và 2.500m2 khoai lang. Để sản xuất kịp thời vụ, ngay sau khi thu hoạch xong lúa mùa, gia đình tôi tập trung nhân lực, máy móc làm đất nên hiện nay cơ bản đã gieo trồng xong diện tích cây vụ đông. Cây khoai lang dễ trồng, không tốn công chăm sóc, sau 03 tháng là thu hoạch, năng suất khá cao, tư thương trong và ngoài huyện đến thu mua tại ruộng. Vụ đông năm ngoái, gia đình tôi thu về khoảng 25 triệu đồng từ trồng khoai lang, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa”.

Còn trên những cánh đồng của xã Cao Kỳ, nhiều hộ dân đang tích cực thu hoạch lúa mùa và cây màu. Anh Nguyễn Văn Trọng, thôn Chộc Toòng cho biết: “Với mảnh ruộng 1.400m2 này, gia đình tôi canh tác cả 3 vụ, vụ xuân trồng cà pháo, vụ mùa trồng lạc và vụ đông này dự tính trồng khoai tây. Tuy nhiên, mấy hôm nay, thời tiết mưa rét thất thường nên việc làm đất tương đối khó khăn. Sau khi thu hoạch xong cây lạc, tôi sẽ tiến hành làm đất để sản xuất theo khung thời vụ”.

Vụ đông 2021, huyện Chợ Mới có kế hoạch trồng 380ha cây màu các loại. Trong đó, diện tích ngô là 150ha, năng suất phấn đấu đạt 34 tạ/ha, sản lượng đạt 510 tấn; khoai lang 68ha, phấn đấu sản lượng đạt 545 tấn; khoai tây 48ha, sản lượng đạt 480 tấn; cây rau màu các loại 110ha, phấn đấu sản lượng hơn 1.000 tấn; 11,5ha cây ớt, phấn đấu đạt trên 90 tấn. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích lúa mùa. Tại nhiều xã, bà con đã thu hoạch lúa xong, chuyển sang làm đất, trồng ngô, khoai lang vụ đông.

Ông Bùi Nguyên Quỳnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới cho biết: "Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài trong những ngày vừa qua, nhưng người dân trong huyện đã nỗ lực khắc phục, vừa tập trung thu hoạch lúa mùa và triển khai sản xuất vụ đông theo khung thời vụ. Để sản xuất vụ đông đạt mục tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng cũng như giá trị kinh tế, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động bà con lúa chín đến đâu thu hoạch nhanh gọn đến đó; đồng thời đẩy nhanh tiến độ làm đất, áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu, sử dụng bón phân hữu cơ, an toàn; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu hạn, chịu rét và đặc biệt là tuân thủ nghiêm lịch gieo trồng".

Lai Châu đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông

Theo kế hoạch vụ đông năm nay, toàn tỉnh triển khai gieo trồng 595ha ngô và 708ha rau màu các loại. Thời điểm này, nông dân toàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm kịp thời vụ và tiến độ được giao.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Trương Thị Nhàn - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong triển khai vụ đông tại tỉnh hiện nay là thời gian sản xuất ngắn, thời tiết khắc nghiệt, trong khi đó còn chịu tác động của dịch Covid-19 khó tiêu thụ sản phẩm rau xanh. Để vụ đông thắng lợi, ngay từ cuối tháng 8, Chi cục TT&BVTV tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Kế hoạch sản xuất vụ đông 2021. UBND tỉnh chỉ đạo ngành NN&PTNT tỉnh chủ động xây dựng khung lịch thời vụ và các phương án sản xuất vụ đông cụ thể, chất lượng và giá trị kinh tế cao”.

 

lai-chau.jpg

Nông dân bản Hưng Bình (xã Bình Lư) chăm sóc cây rau vụ đông. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Trên cơ sở chủ trương, định hướng của tỉnh, từ đầu vụ đông đến nay, Chi cục TT&BVTV tỉnh tăng cường công tác phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức sản xuất. Các huyện, thành phố cụ thể hoá phương án sản xuất vụ đông phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; bám sát tình hình sản xuất để có biện pháp chỉ đạo kịp thời và kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Ngành NN&PTNT tỉnh định hướng cho nông dân trồng cây vụ đông theo hướng hàng hóa tập trung, trong đó, khai thác hiệu quả diện tích đất có khả năng gieo trồng (đủ điều kiện về nước tưới). Đến nay, bà con đã gieo trồng 85% diện tích cây vụ đông, gồm: ngô lai, cà chua, bí đỏ, rau, đậu. Bà con tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăm sóc cây trồng vụ đông, nhất là các loại rau, củ, quả.

Để vụ đông đạt hiệu quả kinh tế cao, Chi cục TT&BVTV tỉnh thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vụ đông; hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón đúng kỹ thuật và hợp lý. Đến nay, một số huyện triển khai, thực hiện tốt vụ đông, như: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên và thành phố Lai Châu. 

Đối với thành phố Lai Châu, vụ đông năm nay gieo trồng 150ha ngô và 96ha rau xanh các loại. Phòng Kinh tế thành phố phân công cán bộ phụ trách xã, phường hướng dẫn bà con thu hoạch lúa mùa tới đâu thì làm đất, trồng cây vụ đông tới đó nhằm bảo đảm khung thời vụ tốt nhất. UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về vật tư phục vụ sản xuất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh các loại giống, vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Nông dân tích cực thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học.

Hiện, thành phố đã gieo trồng 85% diện tích cây vụ đông. Theo người dân sản xuất rau tập trung tại bản Xéo Sin Chải (xã San Thàng), bà con đang thu hoạch rau cải ngọt đầu vụ đông với giá thành bán khá cao từ 12 - 15 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, sản lượng rau cải ngọt chưa nhiều. Thời điểm chính vụ đông (cuối tháng 11, đầu tháng 12), bà con đang lo đầu ra cho một lượng sản phẩm lớn rau xanh. Nông dân nơi đây mong muốn thành phố sớm liên kết với công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm rau cho người dân gieo trồng cây rau vụ đông theo hướng hàng hóa.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top