Tại ĐBSCL đã khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự lễ cắt băng thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Việc khởi công, thông tuyến kỹ thuật 2 đường cao tốc bước đầu tạo đà cho ĐBSCL phát triển.
Các đại biểu cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11/2009, sau đó bị đình trệ. Đến tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau hơn 1,5 năm tái khởi động, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành lời cam kết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải thông tuyến dự án trước 31/12/2020.
Đến thời điểm này, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thi công đạt hơn 75% khối lượng, tuyến chính dài hơn 51 km đã được thông, một số đoạn trên tuyến chính đã trải cấp phối đá dăm, thảm bê-tông nhựa mặt đường, các cầu trên tuyến đã hoàn thành bản mặt cầu, các đường dẫn đầu cầu đã đắp xong vật liệu dạng hạt và thực hiện vuốt nối. Dự án đang tiếp tục thi công các hạng mục còn lại như: Kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, chiếu sáng, hệ thống kiểm soát giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí…
Việc thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không chỉ khẳng định một mốc tiến độ quan trọng đạt được làm tiền đề hoàn thành dự án trong năm 2021 mà trong thời điểm này, với các điều kiện kỹ thuật có thể sẵn sàng tổ chức lưu thông tạm thời nhằm ứng cứu nạn ùn tắc, kẹt xe trên quốc lộ 1 vẫn thường xuyên xảy ra để kịp phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ÐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố, có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, đóng góp vào thành quả chung của cả nước. Nhưng hạ tầng kết nối vẫn là điểm nghẽn rất lớn, mặc dù Trung ương, Chính phủ rất quyết tâm. Nhiều nguyên nhân khách quan nên tuyến cao tốc quan trọng TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa hoàn thành, đặc biệt là tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận dài trên 51km đã khởi công nhiều năm mà có sự chậm trễ. Vì vậy, tháng 4/2019, trước bức xúc của người dân đồng bằng, Chính phủ đã hứa với người dân ÐBSCL trước Tết Nguyên đán 2021 sẽ thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khối lượng công việc còn lại của giai đoạn 2 rất lớn, phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để như đã cam kết năm 2021 khánh thành tuyến cao tốc này với tiêu chuẩn quốc tế; cây xanh, vỉa hè, ánh sáng, các công trình phụ trợ khác trên tuyến cao tốc. Chủ đầu tư, tỉnh Tiền Giang và đơn vị thi công, Tập đoàn Ðèo Cả tiếp tục phấn đấu đưa ra tiến độ cần thiết, để cuối năm 2021 khánh thành tuyến đường quan trọng này.
Khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Trước đó, tại tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Dự án được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100km/h để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án 4.826 tỉ đồng với thời gian thi công 2 năm. Chiều dài dự án gần 23km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Ðồng Tháp.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian tới, sẽ triển khai hàng loạt dự án kết nối giao thông ÐBSCL, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 20 triệu người dân trong vùng. Ngay trong năm nay, Bộ GTVT sẽ triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư, dự án khả thi để tiếp tục khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong thời gian tới, sẽ triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển của các tỉnh ÐBSCL với chiều dài khoảng 400km.
Thủ tướng cho rằng, việc triển khai các dự án giao thông là một cố gắng rất lớn thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ÐBSCL. Ðể đáp ứng yêu cầu, sự “ngóng trông” của 13 tỉnh, thành phố ÐBSCL với trên 20 triệu dân, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, giám sát, thi công phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, không để tình trạng làm trước hỏng sau, không phải chạy theo số lượng mà không coi trọng chất lượng.
Với ý nghĩa quan trọng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ GTVT chủ đầu, đơn vị tư vấn giám sát, thi công tập trung triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng không để tình trạng làm trước hỏng sau, chất lượng kém.
Đồng thời đề nghị hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long cam kết giải phóng mặt bằng giao nhà đầu tư ngay sau khi dự án được khởi công, vận động người dân bị ảnh hưởng dự án sớm bàn giao, ủng hộ chủ trương của Chính phủ.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cam kết, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng để giao chủ đầu tư sớm triển khai hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra; đồng thời phối hợp chặt chẽ Tổng công ty Cửu Long kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thi công dự án thuộc thẩm quyền của địa phương.
Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ kết hợp với tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Như vậy, sau khi thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được hoàn thành đưa vào sử dụng, cùng với việc dự án sẽ được đầu tư trong thời gian tới như: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến đường ven biển của các tỉnh ÐBSCL với chiều dài khoảng 400km sẽ tạo thành một mạng lưới giao thông huyết mạch từ đó giúp ĐBSCL phát triển trong những năm tới.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.