Phát triển nông nghiệp không chỉ giúp các tỉnh miền Trung và vùng lân cận đảm bảo được chất lượng sản phẩm tiêu dùng mà còn tạo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Nghệ An: Thành phố Vinh xây dựng trên 50ha rau an toàn theo hướng VietGAP
Tại vùng sản xuất rau an toàn xóm Hồng Liên, xã Nghi Liên có diện tích 9,4 ha với khoảng 54 hộ dân sản xuất trực tiếp, dưới sự điều hành của 2 hợp tác xã và UBND xã Nghi Liên.
Hiện, vùng này đã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tại đây đã được đầu tư hạ tầng khá đồng bộ, có nhiều mô hình rau, củ, quả chất lượng, được thị trường ưa chuộng.
Chị Phạm Thị Thảo, người dân trồng rau tại xã Nghi Liên cho biết: "Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt. Mới đầu người dân chúng tôi chưa quen nên khi thực hiện vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Sau đó, được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn tận tình, đến nay đã thực hiện thành thạo các quy trình. Ai cũng phấn khởi vì phương thức này giúp rau đạt năng suất, chất lượng cao, đầu ra ổn định. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh đã và đang tập trung chỉ đạo, xây dựng phát triển các vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại 2 xã Nghi Liên và Hưng Đông với 3 khu vực, tổng diện tích trên 50 ha.
Ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh cho biết: Việc hình thành các vùng rau an toàn theo hướng VietGAP là xu thế tất yếu, nhất là đối với một đô thị ngày càng phát triển, có thị trường tiêu thụ rộng lớn như TP.Vinh. Sản xuất rau quy mô lớn theo hướng VietGAP sẽ giúp người dân thành phố nói riêng và các địa phương khác sẽ có được nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngoài ra, phương thức này sẽ giúp đầu ra của nông sản được đảm bảo, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Quảng Bình: Khẳng định hiệu quả từ ngô sinh khối
Qua sản xuất vụ hè-thu năm 2020 ở huyện Bố Trạch cho thấy, nhiều diện tích đất khó, bỏ trống trước đây đã được người dân đầu tư chuyển đổi canh tác các loại cây phù hợp, cơ bản phủ xanh trên những cánh đồng. Điển hình là cây ngô sinh khối với sức sống dẻo dai, đưa lại năng suất, chất lượng, hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích; khẳng định là giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Nga, Trưởng thôn Sao Sa, xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch mở đầu câu chuyện với chúng tôi về công tác chuyển đổi cây trồng: “Những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, nên trong sản xuất vụ hè-thu, do thiếu nước trầm trọng, một số cây trồng truyền thống đều cho năng suất, hiệu quả thấp, thậm chí là mất trắng. Được sự chỉ đạo tích cực của huyện về chuyển đổi cây trồng phù hợp, cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, phương pháp tưới tiêu hợp lý... nên dù thời tiết khô hạn, các loại cây trồng được chuyển đổi vẫn sinh trưởng tốt trong suốt mùa hè, nhất là cây ngô cho năng suất và thu nhập cao”.
Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Trung Trạch chia sẻ: "Việc chuyển qua trồng cây ngô trong điều kiện khô hạn, thiếu nước không thể sản xuất được lúa như thực tế của địa phương trong vụ hè-thu là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng của xã Trung Trạch và của huyện Bố Trạch. Với loại cây này, 1ha sẽ tiết kiệm được khoảng 3.000-4.000m3 nước. Trên địa bàn xã Trung Trạch, một số hộ dân đã đầu tư thử nghiệm trồng ngô sinh khối trên 10ha đất bỏ trống vụ hè-thu cho hiệu quả khá cao”.
Hà Tĩnh: Xây dựng thương hiệu cho vùng chè xanh cổ thụ ở Hà Tĩnh
Tháng 6/2020, người trồng chè Hồng Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh) đón nhận tin vui khi dự án phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Hồng Lộc” được triển khai, mang lại cơ hội mới trong việc nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản địa phương.
Chị Mai Thị Tuyết ở thôn Thượng Phú chia sẻ: “Cây chè có từ thời ông bà để lại, con cháu cứ thế duy trì. Chè được trồng trên đồi, không hề phun thuốc hay có tác động nào bên ngoài. Có lẽ vì thế mà thương lái vẫn tìm về Hồng Lộc để thu mua chè”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc Nguyễn Đức Tuấn cho biết: “Đây là tín hiệu vui, bà con, chính quyền xã đều trông mong dự án sớm triển khai và đạt hiệu quả để nâng cao giá trị chuỗi sản xuất chè xanh Hồng Lộc. Về phía chính quyền, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa để dự án triển khai thuận lợi, đồng thời quyết tâm đến cuối năm 2021 sẽ phát triển diện tích chè thêm 50 ha”.
Dự kiến đến đầu năm 2021, nhãn hiệu tập thể “Chè Hồng Lộc” sẽ được cấp văn bằng bảo hộ, là tiền đề quan trọng để xây dựng sản phẩm OCOP, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…