Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 3 năm 2021 | 9:6

Các tỉnh miền Trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho trâu, bò

Hiện, bệnh nổi cục trên trâu, bò đang bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Trung, UBND các tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh này.

TP. Vinh công bố dịch viêm da nổi u cục trâu bò ở xã Nghi Liên
 
Cùng với việc chính thức công bố dịch viêm da nổi u cục trên đàn trâu bò xã Nghi Liên, Chủ tịch UBND thành phố Vinh giao cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP. Vinh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố và UBND xã Nghi Liên tập trung triển khai ngay các biện pháp phòng và chống dịch trên đàn gia súc theo quy định của Luật Thú y năm 2015.
 
bà-nguyễn-thị-vinh-nghi-liên.jpgGia đình bà Nguyễn Thị Vinh, xóm Phúc Hậu, xã Nghi Liên có 2 con bò đều bị viêm da u cục khá nặng . Ảnh: Nguyễn Hải
 
Đến ngày 4/3 có 14 con bò tại 6/10 xóm của xã cũng có hiện tượng da nổi u cục và bỏ ăn nên UBND xã Nghi Liên đã báo cáo và đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố về lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 7/3 khẳng định 14 con bò của bà con xã Nghi Liên dương tính với bệnh viêm da u cục.
 
Do chưa có vắc - xin đặc trị đối với loại bệnh viêm da u cục trên trâu bò nên sau khi xin ý kiến của Chi cục Thú y tỉnh, trước mắt Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp  thành phố Vinh đang hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, dùng hóa chất sát khuẩn phun diệt ruồi muỗi là tác nhân lây lan bệnh; khuyến cáo bà con tiêm phòng và chăm sóc đàn trâu bò; đồng thời yêu cầu bà con ký cam kết nuôi nhốt trong chuồng, không thả rông và đưa gia súc ra khỏi địa bàn để phòng dịch bệnh lây lan.
 
Hà Tĩnh: Chỉ đạo triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
 
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành công điện về việc triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.
 
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, mặc dù thời gian qua các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, nhưng dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương.
 
trâu-bò-hà-tĩnh.jpgTiếp tục thực hiện tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây chống dịch kịp thời đảm bảo chất lượng.
 
Ngoài những nguyên nhân khách quan thì công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở đang còn nhiều tồn tại, hạn chế như: công tác giám sát dịch bệnh thiếu chặt chẽ, phát hiện, báo cáo dịch chậm, một số địa phương chưa cách ly, quản lý, chăm sóc chữa trị gia súc mắc bệnh đảm bảo, tiến độ tiêm phòng bao vây ổ dịch chậm, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chưa đạt yêu cầu.
 
Để kiểm soát, khống chế, kịp thời dập tắt các ổ dịch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành chức năng triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT; Công điện số 212-CĐ/TU ngày 02/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Công điện, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.
 
Trong đó UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng và chính quyền các địa phương, giám sát chặt chẽ trâu bò bị bệnh tại chuồng nuôi, không để tình trạng chăn thả chung tại các bãi chăn khi trâu bò chưa khỏi triệu chứng lâm sàng; cập nhật đầy đủ tình hình, công tác phòng, chống dịch bệnh hàng ngày gửi Sở NN&PTNT (trước 16h30) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
 
Thống kê đàn trâu, bò tại các địa phương bị mắc bệnh; phát động tổng vệ sinh, tiêu độc trên toàn địa bàn; huy động lực lượng thú y để tiêm phòng cho gia súc và bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục diễn biến phức tạp ở Hà Tĩnh. Theo thống kê đến nay, toàn tỉnh đã có 98 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị, thành phố xuất hiện ổ dịch. Tổng số gia súc mắc bệnh là hơn 1.660 con Trong đó, đã tiến hành tiêu hủy 95 con bò khối lượng 14.084 kg; có 377 con gia súc/192 hộ chăn nuôi cơ bản khỏi triệu chứng lâm sàng.
 
Các địa phươg có dịch bệnh là huyện Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh, Nghi Xuân, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh
 
 
Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò (bệnh này còn được gọi là bệnh da sần trên trâu, bò). Vi rút này không lây nhiễm và gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve...
 
Tháng 10/2020, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đến đầu tháng 3/2021, đã xảy 184 ổ dịch tại 163 xã thuộc 65 huyện của 18 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh trên 2.200 con, với gần 300 con chết và tiêu hủy.
 
 
 
Huyện Kỳ Anh quyết liệt kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh
 
Cùng một lúc dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu bò đang lan rộng thì dịch tả lợn châu Phi lại tái xuất hiện trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Do vậy, địa phương đang tập trung nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khống chế và đẩy lùi cả hai loại dịch bệnh nguy hiểm này.
 
đồng-kỳ.jpgCán bộ xã, thôn ở xã Kỳ Đồng kiểm tra, nhắc nhở hộ có gia súc bị bệnh viêm da nổi cục tuân thủ các giải pháp phòng dịch.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Phan Chí Nguyện, giải pháp hàng đầu là tăng cường tuyên truyền cho người dân biết tính chất nguy hiểm của dịch viêm da nổi cục trên trâu bò và dịch tả lợn châu Phi; ký cam kết không thả rông gia súc, không dấu dịch; đồng thời bao vây cách ly hoàn toàn gia súc bị bệnh; lập các biển cảnh báo vùng dịch; vệ sinh tiêu độc chuồng trại tại các thôn bị dịch (Lạc Tiến và Kim Sơn) và tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
 
Tại xã vùng thượng Kỳ Trung, sau khi phát hiện 2 hộ chăn nuôi với 4 con bò bị bệnh tại thôn Đất Đỏ, ngành thú y và chính quyền xã đã kịp thời vào cuộc tổ chức bao vây dập dịch. Xã đã nhận 24 lít hóa chất, 200 tấn vôi bột và một số vật tư khác để phục vụ việc bao vây và tiêu độc khử trùng chuồng trại, các tuyến đường dẫn vào hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: Bên cạnh yêu cầu các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch nhằm khống chế không để dịch lây lan diện rộng, UBND huyện đã có công điện tạm dừng hoạt động mua bán trâu bò tại các chợ trâu bò trên địa bàn đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Chỉ đạo ngành y tế kết hợp với việc phun các hóa chất diệt côn trùng như: muỗi, ruồi, ve… để hạn chế các tác nhân lây bệnh. Hiện tại, huyện đã cung cấp về các xã 144 lít hóa chất; 1.700 kg vôi và đang đăng ký mua 6.613 liều vắc xin để tiêm phòng bao vây, phòng chống dịch.
 
Bảo vệ đàn trâu, bò đang là một trong những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách hiện nay đối với các địa phương, tuy không còn là phương tiện giúp bà con làm nông nghiệp nhiều, nhưng trâu, bò hiện nay cũng là một tài sản lớn để cho các hộ chăn nuôi tăng thu nhập. Do vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm và có chủ trương để bảo vệ đàn trâu, bò hiện có trong bà con, tránh để dịch bệnh làm thiệt hại tài sản của người nông dân.
 
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top