Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại lễ ký kết với 32 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Cà Mau, về tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24-8 tại TP. Hồ Chí Minh.
Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo UBND 32 tỉnh, thành phố phía Nam, các hiệp hội doanh nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.
Theo số liệu công bố tại lễ ký kết, trong 6 tháng đầu năm nay, sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết quan trọng như 19, 35, cả nước đã có hơn 54.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22% với tổng vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 14.902 doanh nghiệp, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ tăng 2,2%. Số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng 2 lần.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ ký kết
Đánh giá đây là những con số ấn tượng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là có thể đạt được. Tuy nhiên, ông cho rằng chủ trương, cơ chế chính sách ngày một hoàn thiện nhưng vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện: “Chỉ Trung ương, Chính phủ làm thôi thì không được, phải từng bộ, ngành, địa phương, từng công chức viên chức phải bắt tay vào việc. Chủ động, kịp thời xử lý các vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến ký kết giữa Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam với các tỉnh thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Cà Mau
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm cán bộ công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp. “Nhắc nhở sai phạm không xong thì kỷ luật. Thủ tục kỷ luật lâu nên trước khi kỷ luật thì cho cán bộ sai phạm nghỉ việc, thay anh khác làm và kỷ luật phải nghiêm khắc”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nêu rõ những chủ trương, giải pháp của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp, đó là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế; đổi mới doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đồng thời phát triển 5 loại thị trường vốn đang rất thiếu và yếu gồm: Thị trường hàng hóa, khoa học công nghệ, bất động sản, lao động, tài chính-ngân hàng, vốn đang rất thiếu và yếu ở trong nước.
“Nếu không giải quyết được nút thắt của năm thị trường này thì cải cách thủ tục hành chính thì cũng chưa ăn thua. Các địa phương cũng phải quan tâm tới việc này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, chính quyền các địa phương đối thoại với DN không phải chỉ là tháo gỡ vướng mắc khó khăn về giảm, miễn thuế, như vậy là không trúng, mà phải đối thoại theo nguyên tắc “win-win”, đôi bên cùng có lợi để nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và giá trị thương hiệu quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh và thành phố khẩn trương thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp. Sắp tới, Chính phủ sẽ mở trang thông tin tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý VCCI nhanh chóng xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp, phản ánh chi tiết số liệu về doanh nghiệp, công bố định kỳ năm, bắt đầu từ năm 2017.
VCCI cũng cần sớm nghiên cứu về dịch vụ hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và đề xuất một giải pháp hợp tác công-tư cho lĩnh vực này, vốn rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng mô hình này để triển khai, rút kinh nghiệm trong thực tiễn.
“Sau khi ký rồi không phải để trong ngăn kéo mà phải tổ chức triển khai để đạt được ít nhất một triệu doanh nghiệp vào năm 2020”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.
Quang Minh
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…