Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 12 năm 2016 | 2:23

Cam sành Lục Yên: Hồi sinh và phát triển

Huyện Lục Yên (Yên Bái) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây cam sành, cộng với sự cần cù, khéo léo trong kỹ thuật trồng và chăm sóc, người dân đã tạo nên thương hiệu riêng cho loại trái cây này. Cam sành giờ đã được phủ kín trên khắp các sườn đồi ở Lục Yên, mang lại cho người dân cuộc sống khá giả.

Năm nay cam được mùa, năng suất ước đạt 10 -15 tấn/ha.

Vỏ cam sành Lục Yên có màu vàng nâu, sần và dày. Múi cam róc vỏ, vàng rộm và mọng nước. Cam Lục Yên có vị ngọt đậm. Để nâng cao chất lượng cam, tạo thương hiệu riêng của vùng đất ngọc, những năm qua, huyện Lục Yên đã quan tâm mở rộng diện tích cây cam sành, vận động nông dân canh tác theo quy trình VietGAP để cho ra sản phẩm an toàn.

Hiện, cây cam đã phủ kín trên địa bàn 18/24 xã của huyện Lục Yên với diện tích trên 450ha, chủ yếu là cam sành và cam Vinh, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn cam các loại. Số hộ trồng cam chiếm khoảng 6% tổng số hộ dân toàn huyện, quy mô vườn cam trung bình 0,5ha. Cam đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo, nhờ trồng cam nhiều hộ có thu nhập 300-500 triệu đồng/năm.

Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả có múi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của UBND tỉnh Yên Bái, năm 2016, huyện Lục Yên trồng mới được 130ha cam, với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng.

Chúng tôi đến thăm vườn cam của gia đình anh Trịnh Văn Hưng ở thôn 8, xã Khánh Hòa, vườn cam sai trĩu quả này chỉ vài tuần nữa sẽ chín rộ, mang về cho chủ nhân của nó khoản lợi nhuận không hề nhỏ. Anh Hưng là một trong những người đầu tiên trồng cam trên địa bàn xã Khánh Hòa. Sau 15 năm gắn bó với loại cây này, hiện anh có trong tay trên 3ha cam sành, trong đó có 2,5ha đang cho thu hoạch, trừ  chí phí, anh thu lãi trên dưới 600 triệu đồng/năm. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc cam theo quy trình VietGAP nên chất lượng cam nhà anh Hưng được nhiều người biết đến, ngay từ khi quả còn xanh đã có nhiều thương lái đến mua cả vườn.

Anh Hưng tâm sự: “Để phát triển được vườn cam theo đúng tiêu chuẩn, tôi luôn tuân thủ quy trình canh tác VietGAP, không dùng thuốc trừ cỏ, phải dùng máy để phát, bón phân định kỳ một cách hợp lý, chỉ phun thuốc cho cây sau khi thu hoạch vào mùa xuân để cây đón lộc, những giai đoạn khác tuyệt đối không phun”.

Giống như anh Hưng, gia đình chị Hoàng Thị Duy ở thôn 8, xã Khánh Hòa cũng đã ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu  nhờ cây cam. Cách đây hơn chục năm, do thiếu vốn và chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên gia đình chị Duy chỉ trồng trên 100 gốc cam. Nhận thấy cây cam phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho quả ngon, ngọt nên gia đình chị mạnh dạn vay thêm vốn để chuyển đổi toàn bộ đất đồi của gia đình sang trồng cam. Đến nay, gia đình chị có trên 2ha cam sành đang cho thu hoạch, tính riêng năm nay cũng thu được gần 30 tấn, với giá bán bình quân 14.000-15.000 đồng/kg, chị thu lãi gần 500 triệu đồng. Chị Duy cho biết: “So với các loại cây trồng khác thì cam cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, tuy nhiên để có thể thành công với loại cây trồng này phải tuân thủ nghiêm ngặt việc trồng, chăm sóc theo khoa học kỹ thuật­”.

Cam Lục Yên hồi sinh và phát triển được như hôm nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện đồng bộ các giải pháp tích cực như: Thành lập hợp tác xã cam Lục Yên, hỗ trợ nông dân vay vốn, đầu tư vườn ươm giống tại địa phương, tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, cử cán bộ khuyến nông sâu sát với cơ sở, gắn bó, gần gũi với nhân dân theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây cam, mạnh dạn chuyển đổi quỹ đất, giống cây trồng để tăng diện tích, tăng sản lượng, chất lượng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, với sự cố gắng, nỗ lực của Huyện ủy, UBND huyện Lục Yên và người trồng cam trên địa bàn, mới đây nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Cam Lục Yên đã có mặt tại hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2016 do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Lục Yên và cũng là cơ hội để nâng cao uy tín, giá trị của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên.

Ông Hoàng Kim Trọng, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Yên, cho biết: Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, giá trị quả cam, Lục Yên sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cây cam theo đề án phát triển cây ăn quả có múi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của UBND tỉnh Yên Bái, chỉ đạo lực lượng khuyến nông tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật trong trồng cam đến với nông dân, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, hướng tới một sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và chất lượng”.

Những quả cam được chính bàn tay cần cù, chịu khó của nông dân Lục Yên trồng, chăm hái giờ đây đã có tên riêng của mình, nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” không chỉ là niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh dành cho cam Lục Yên mà còn là niềm tự hào, là động lực và cũng là lời hứa của người dân để ngày càng nâng cao chất lượng, giá trị quả cam của vùng đất ngọc.

Duy Khánh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top